Khơi dậy sức dân làm thủy lợi
(Baonghean) - Ngày 21/5/2001, BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 02 NQ/TU về thủy lợi cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu và phục vụ nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh kiên cố hóa kênh mương. Nghị quyết nêu rõ: “Từ nay lấy ngày 16/10 làm ngày phát động cán bộ, công nhân viên chức, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh tham gia làm thủy lợi, mở đầu cho phong trào làm thủy lợi hàng năm”. Từ đó đến nay, ngày 16/10 đã trở thành ngày hội toàn dân ra quân làm thủy lợi trên địa bàn.
Học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 3 tham gia làm thủy lợi tại kênh N26. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2014, mặc dù không tổ chức ra quân toàn tỉnh, song UBND tỉnh tiếp tục có chỉ thị quán triệt cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về hiệu quả của tưới tiêu đối với cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu và phục vụ nuôi trồng thủy sản, kiên cố hóa kênh mương, từ đó nâng cao ý thức chủ động, phát huy nội lực, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Rà soát lại phương án phòng chống lụt bão, theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết để tích nước hồ chứa phù hợp, chủ động đối phó với mọi tình huống. Khi phương án phòng chống lụt bão đã được phê duyệt, yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt bão có kế hoạch triển khai theo phương án được duyệt. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường sử dụng các biện pháp tưới khoa học; tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao giếng, khơi thông dòng chảy, đắp đập ngăn mặn, đào đắp các hồ chứa, bể chứa nhỏ, giếng nước, phát triển mạng lưới bơm để tưới cho chè, cà phê, cao su, cỏ... Tổ chức tu sửa công trình, hồ đập, làm thủy lợi nội đồng, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng kết hợp với chuyển đổi ruộng đất, xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đều khuyến khích nhân dân tham gia lao động công ích...
Các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ... là những địa phương nhiều năm qua thực hiện tốt Nghị quyết 02/TU. Xác định được sự cần thiết, hiệu quả to lớn của phong trào, từng địa phương đã có những cách làm hiệu quả.
Có mặt ở xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) những ngày này, trên các cánh đồng là khí thế thi đua sôi nổi ra quân làm thủy lợi gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng đảm bảo mỗi hộ chỉ 1 thửa ruộng. Loa phóng thanh được đưa ra đồng để tuyên truyền, phổ biến. Chị em nông dân phục vụ thêm nước uống; cán bộ xóm, xã tích cực lao động với người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng, xóm trưởng xóm 11 đang xắn quần nạo đắp bờ vùng bờ thửa cho biết: Tiếp nhận chủ trương của Huyện ủy, đảng ủy xã, xóm đã thông qua Mặt trận, các tổ dân cư, các đoàn thể và huy động 100% lực lượng ra đồng làm thủy lợi hàng chục ngày nay. Ngày nào trên cánh đồng cũng duy trì lực lượng 740 - 750 người/tổng số 800 nhân khẩu của xóm. Khối lượng đào đắp hiện nay đã đạt hơn 4.000m3 đất thịt; nhân dân vừa nạo vét kênh vừa đắp bờ lớn gắn với chuyển đổi ruộng đất. Đồng chí xóm trưởng xóm 11 xã Nghĩa Đồng cho biết thêm: Ban cán sự xóm phân tích cho bà con hiểu rõ chủ trương, lợi ích của làm thủy lợi kết hợp chia lại ruộng đất để tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào. Xóm ra chủ trương quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ từng ban, từng tổ, đội, từng hộ. Ngoài tham gia đóng góp ngày công, bà con còn nộp thêm 200.000 đồng/hộ để huy động thêm máy móc san phẳng cánh đồng, tạo điều kiện khắp nơi đều lấy được nước. Mục tiêu của xóm đợt này huy động 100% nhân lực, đắp đường Rộc Ngói và mương. Xóm có 64 mẫu đất sản xuất, chia đều cho mỗi hộ chỉ một thửa. Mỗi một khu vực đồng như: Đồng Cấm, Đồng Rào, Cây Gáo... nhân dân xóm 11 đều mở rộng thêm cả đường, kênh mương mới.
Ở xã Nghĩa Đồng, các xóm đã mở thêm hội nghị quân dân chính để thống nhất nghị quyết, sau đó bí thư, xóm trưởng, xóm phó cùng với các đồng chí trưởng ban nông nghiệp xã tổ chức họp dân. Cán sự xóm cử thêm 3 hộ dân cắm cọc, nghiên cứu mở đường, mở mương, làm sao để mọi người đều thuận lợi khi đi vào ruộng nhà mình. “Trên cơ sở quy trình kỹ thuật về dồn điền đổi thửa, chúng tôi tiến hành nâng đường hay hạ ruộng. Qua đợt làm thủy lợi này, cán bộ xóm cũng mở mang được kiến thức và tích lũy kinh nghiệm”, đồng chí Trần Văn Nga - Trưởng ban nông nghiệp xã nhận xét. Rõ ràng nơi nào công tác dân vận làm tốt thì nơi đó phong trào luôn được duy trì và phát triển, trở nên thực chất, hiệu quả đến tận năm sau và người tham gia phong trào cũng thấy công sức của mình không bị lãng phí. Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đồng phấn khởi: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên từ xã xuống xóm thi đua thực hiện phong trào rất cao. Từ hiệu quả của xóm 1, xóm 2 “mỗi nhà 1 thửa”, Nghĩa Đồng đang triển khai quyết liệt để 13 xóm có 100% hộ chỉ “một nhà 1 thửa” mà cánh đồng lại bằng, đẹp. Tương tự, ở xã Tiên Kỳ, Tân Hợp, Giai Xuân, Kỳ Sơn... của Tân Kỳ, các xã đều tổ chức nhân dân làm thủy lợi. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tiên Kỳ, Nguyễn Văn Ba cho biết: Năm nay, tuy huyện không tổ chức ra quân cấp huyện nhưng xã đã tiến hành ra quân vào ngày 11/10, từ đó giao khối lượng cho các xóm hoàn thành cho đến hết tháng 12.
Nông dân xã Vinh Tân, TP. Vinh đắp đường nội vùng. |
Ở huyện Quỳnh Lưu, địa phương ở cuối hệ thống thủy lợi tự chảy Bắc Nghệ An nên từ lâu công tác làm thủy lợi luôn được quan tâm. Thực hiện Nghị quyết 02/TU, phong trào làm thủy lợi năm sau luôn sôi nổi và đi vào chiều sâu hơn năm trước. Đồng chí Lê Thành Nhân - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Hàng năm thực hiện chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng địa phương, đơn vị; đồng thời phân công Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu là đầu mối chủ động theo dõi và kết nối với các đơn vị và các xã tổ chức lễ ra quân nạo vét kênh mương tưới tiêu, vệ sinh cống rãnh và đồng ruộng theo từng thời gian cụ thể...”. Với những giải pháp triển khai bài bản, Quỳnh Lưu đã huy động đông đảo học sinh và bộ đội tham gia, với khoảng 9.000 người mỗi năm. Năm nay cũng vậy, đi tới đâu chúng tôi cũng được chứng kiến không khí làm thủy lợi hăng say với nét nổi bật là sự tham gia rất tích cực của các em học sinh. Huyện Quỳnh Lưu đã huy động học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 3 kết hợp với Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu nạo vét tuyến kênh tưới N26. Trước đó, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu là đơn vị làm điểm đầu tiên vào ngày 15/10, sau đó là Trường THPT Cù Chính Lan, Lữ đoàn 215 Tăng Thiết giáp... Thông qua phát động, các cơ quan, đơn vị tổ chức đã làm được khối lượng trị giá khoảng 265 triệu đồng. Em Tô Bá Truyền, học sinh lớp 12 A8 Trường THPT Quỳnh Lưu 3 cho biết: “Đây là năm thứ 3 em tham gia làm thủy lợi do nhà trường phát động. Hoạt động ngoại khóa này giúp chúng em thêm yêu lao động và có thêm trải nghiệm khi tham gia vào các hoạt động trợ giúp cộng đồng”. Thầy Nguyễn Đình Phượng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 3 cho hay: Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị nên năm nay trường huy động được gần 100% trong tổng số 1.500 học sinh tham gia. Trước khi nhận, các thầy cô phối hợp tổ chức khảo sát, tính toán để giao cho từng khối, lớp. Bên cạnh đó, Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu phân công cán bộ bám sát để hướng dẫn kỹ thuật, kết hợp kiểm tra, rà soát các tuyến mương tưới tiêu nhằm tăng hiệu quả. Đồng chí Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Nghị quyết 02 là một trong những chủ trương đi vào đời sống và tạo được chuyển biến rõ nét nhất. Việc tham gia của người dân không những hỗ trợ, chia sẻ với ngành Thủy lợi mà còn làm cho người dân thấy được lợi ích thiết thực của nước tưới, tiêu úng, làm sạch môi trường”.
Qua 14 năm triển khai Nghị quyết 02 của BCH Đảng bộ tỉnh, phong trào làm thủy lợi được triển khai rộng khắp và mang lại những ý nghĩa thiết thực. Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi, năm nay mặc dù mới phát động ra quân nhưng đã có 7 công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh tham gia rất tích cực và kết quả khá, trong đó có vùng thủy lợi Nam do làm sớm nên đã hoàn thành 90 - 95% kế hoạch; gần một nửa các huyện, thị, thành đã làm lễ phát động ra quân. Từ nay đến 30/11/2014, các huyện còn lại chưa ra quân sẽ tiếp tục tiến hành để hoàn thành nội dung kế hoạch tỉnh giao. Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra còn những hạn chế cần được khắc phục. Đó là phong trào đang mạnh ở khâu làm thủy lợi phục vụ tưới nước cho các cánh đồng lúa, mà chưa có bước chuyển đáng kể ở thủy lợi phục vụ cho cây ăn quả, cây công nghiệp và cây màu. Các địa phương đã hình thành nền nếp, phong trào làm thủy lợi nhưng có nơi cũng còn ỷ lại vào các xí nghiệp thủy lợi, các dự án của nhà nước. Bên cạnh đó, một số địa phương thuộc vùng khó tưới và nếu nắng hạn kéo dài thường hạn hán hoặc nguy cơ xâm ngập mặn, nhưng phong trào ra quân làm thủy lợi và vệ sinh môi trường chưa quyết liệt. Một số địa phương, đơn vị phát động còn mang tính hình thức, chưa có chương trình kế hoạch cụ thể, thiếu phương án tổ chức nên số lượng huy động lực lượng toàn dân tham gia chưa nhiều; cá biệt một số địa phương không có báo cáo nên tỉnh không nắm được kết quả triển khai. Vì vậy, để Nghị quyết 02/TU tiếp tục đi vào cuộc sống một cách nền nếp, hiệu quả hơn, các huyện, đơn vị, ngành nông nghiệp cần tổ chức đúc kết kinh nghiệm, cách làm hay, linh hoạt trong huy động sức dân và máy móc, đồng thời nâng cao nhận thức về hiệu quả tưới tiêu cho cây công nghiệp, cây ăn quả.
Châu Lan - Nguyễn Hải