Khơi dậy tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ phát triển

31/05/2013 14:41

(Baonghean) - Đồng chí Võ Thị Hồng Lam - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện (1963- 2013)

P.V: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật của huyện nhà trong 50 năm qua?

Đồng chí Võ Thị Hồng Lam: Theo Quyết định 52/CP ngày 19/04/1963 của Hội đồng Chính phủ, địa giới huyện Anh Sơn cũ được chia tách để thành lập 2 huyện mới gồm Anh Sơn và Đô Lương. Kể từ đó đến nay, trải qua chặng đường 50 năm vừa sản xuất vừa chiến đấu, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển KTXH, BVTQ, triển khai công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, Anh Sơn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây luôn đạt trên 11,5%, năm 2012 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17,2 triệu đồng, thu ngân sách đạt trên 32 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nông - lâm - ngư nghiệp đạt 53,6%, CN-XD chiếm 23,7%, DV-TM đạt 22,5%, sản lượng lương thực toàn huyện đạt trên 59 ngàn tấn. Huyện đã hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung bao gồm trên 1700 ha mía, trên 2000 ha chè công nghiệp, 2000 ha cao su. Toàn huyện hiện có 10 doanh nghiệp quốc doanh, 47 doanh nghiệp tư nhân, 14 công ty CP, 29 công ty TNHH, 4 nhà máy sản xuất, chế biến nông sản. Các cụm công nghiệp Đỉnh Sơn, thị trấn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển. 100% xã có đường ô tô đến trụ sở. Hệ thống 7 cây cầu bắc qua sông là cầu cứng Cây Chanh (Đỉnh Sơn), cầu treo (bản bộng), cầu qua đập tràn Cầu Đất (Thành Sơn), cầu Đò Rộng (Hùng Sơn), cầu cứng Tri Lễ (Khai Sơn), cầu cứng qua Sông Giăng, cầu treo thị trấn, cầu treo Đức Sơn được khánh thành và đang xây dựng 2 cầu: cầu cứng qua Sông Con và cầu Cây Mít (Bình Sơn ) hoàn thành vào cuối năm 2013. Các tuyến đường trọng điểm Thị trấn- Cao Vều, Nhân Tài- Già Giang, các tuyến đường liên xã được đầu tư chuẩn hóa. Bản Cao Vều- Phúc Sơn đang trên đà xúc tiến nâng lên thành cửa khẩu nối nước ta sang với nước bạn Lào… là những điều kiện quan trọng để Anh Sơn tạo bước đột phá trong phát triển KT - VH - XH.

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội: Toàn huyện hiện có 36/77 trường học đạt chuẩn quốc gia. Liên tục trong những năm gần đây, huyện được công nhận là huyện có phong trào giáo dục xuất sắc của tỉnh, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ xã có bác sỹ đạt trên 71%, tốc độ phát triển dân số duy trì ổn định dưới 1%, các chế độ, chính sách với người có công được đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Tình hình chính trị, QPAN đảm bảo. Trong đấu tranh, xây dựng và BVTQ, huyện Anh Sơn có 29 bà mẹ được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 9376 huân, huy chương các loại, 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 xã Tường Sơn, Phúc Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến nay, toàn huyện có 21 đơn vị hành chính, 62 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5500 đảng viên, 100% thôn , bản, khối có chi bộ. Nguyên tắc tập trung, đối thoại trực tiếp lắng nghe ý kiến nhân dân được coi là chỉ tiêu cứng, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng KHKT vào quản lý Nhà nước và phục vụ công tác điều hành nội bộ được UBND huyện coi trọng, 21 xã thị đều đã được cập nhật mạng Internet, giao ban trực tuyến với UBND tỉnh và các sở, các trường học trong toàn huyện đã được triển khai đồng bộ…



Lãnh đạo tỉnh và huyện Anh Sơn thăm Công ty may thêu Khải Hoàn - Anh Sơn. Ảnh: Sỹ Minh

P.V: Xin đồng chí cho biết khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện trong thời gian qua?

Đồng chí Võ Thị Hồng Lam: Anh Sơn có diện tích đất tự nhiên tương đối lớn, trên 60 ngàn ha, với 21 đơn vị hành chính, dân cư phân bố dọc theo 2 bờ sông Lam. Là huyện miền núi nhưng hệ thống đường giao thông của Anh Sơn phát triển khá sớm. Quốc lộ 7A dài 47 km nối hai quốc gia Việt Nam và Lào, đường Hồ Chí Minh dài 13km chạy qua 4 xã Vĩnh Sơn, Lạng Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn. Toàn huyện có 3 con sông chạy qua là sông Lam, sông Con và sông Giăng, trong đó sông Lam chạy dài với hơn 47km.

Phát huy thế mạnh để đẩy nhanh tốc độ phát triển, huyện tập trung vào các nhiệm vụ: Phát triển diện tích cây lương thực, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chú trọng hình thành các vùng cây công nghiệp tập trung.

Tích cực huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, chú trọng đầu tư các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu cho trên 4500 ha lúa và cây trồng khác. Ưu tiên cải tạo, nâng cấp hệ thống đường bộ, xây dựng hệ thống cầu bắc qua sông để giao lưu, vận chuyển hàng hóa.

Thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, mở rộng chế biến nguyên liệu, VLXD, TTCN, xây dựng khu, cụm CN như may thêu, gạch ngói, điện tử, gỗ mỹ nghệ... giải quyết việc làm cho lao động. Xây dựng khu đô thị mới.

P.V: Xin đồng chí cho biết những định hướng phát triển của huyện nhà?

Đồng chí Võ Thị Hồng Lam: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 19 nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định phương hướng phát triển của huyện là phấn đấu đến năm 2015 Anh Sơn trở thành huyện khá của tỉnh. Huyện đề ra một số chỉ tiêu (có tính đến năm 2020):

Trên lĩnh vực kinh tế: Anh Sơn phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,6%, tổng giá trị sản xuất hàng năm đạt 14-15%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 72 triệu đồng/người/năm, tỷ trọng các ngành CN-XD đạt trện 47%, DV đạt trên 29%, tỷ trọng Nông-Lâm còn trên 22,7%. Vùng Thị trấn Anh Sơn-Hội Sơn-Phúc Sơn phát triển vành đai công thương, đô thị mới, xây dựng Thị trấn Cây Chanh phát triển toàn diện. Phát triển vùng cây nguyên liệu mía ổn định 1500 ha, trồng 2500 ha chè công nghiệp, trên 2000 ha cao su. Xây dựng thành công 50% xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đưa Cửa khẩu phụ Cao Vều vào hoạt động có hiệu quả.

Trên lĩnh vực VH-XH: Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5% theo tiêu chuẩn mới, tốc độ tăng dân số tự nhiên còn 0,52%, đẩy mạnh XHH giáo dục toàn diện, phấn đấu 50 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% trường lớp đạt kiên cố, 100% trạm y tế xã có bác sỹ, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, góp phần tạo việc làm cho trên 2 ngàn lao động/năm, toàn huyện phấn đấu đạt 87% gia đình văn hóa, 80% thôn, bản, đơn vị đạt chuẩn văn hóa...

Trên lĩnh vực QPAN: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, tăng cường sử dụng quản lý nguồn tài nguyên. Tăng cường công tác đảm bảo ANCT vùng biên giới, an ninh vùng đặc thù, nông thôn, xây dựng cơ sở, cụm an toàn làm chủ, phấn đấu đạt trên 92% cơ sở vững mạnh toàn diện, không có cơ sở yếu kém.

P.V:
Xin cảm ơn đồng chí!


Lương Mai (Thực hiện)

Mới nhất

x
Khơi dậy tiềm năng, đẩy nhanh tốc độ phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO