Khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm

14/12/2011 18:17

(Baonghean) - Vào những năm 70 của thế kỷ trước, sự phát triển của cây dâu con tằm đã giúp cho xã Khánh Sơn (Nam Đàn) được mệnh danh là thủ phủ dâu tằm tơ của tỉnh với tổng diện tích trồng dâu lên đến 130ha; có 2 hợp tác xã ươm tơ và gần 700 hộ tham gia làm nghề. Thế nhưng, do Công ty Dâu tằm tơ Nghệ An làm ăn thua lỗ cùng với sự "suy thoái" của cây dâu con tằm, sản phẩm bế tắc đầu ra, đến năm 1995, đồng đất Khánh Sơn gần như vắng bóng cây dâu, người nông dân đành dứt áo với nghề "ăn cơm đứng"... Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tăng khiến cho nhiều hộ quay lại với nghề truyền thống; diện tích cây dâu dần được khôi phục và phát triển tốt.

Anh Hồ Đệ, xóm trưởng xóm 9 - Khánh Sơn I - một trong những hộ có diện tích trồng dâu lớn của xã (hơn 5 sào dâu), cho biết: Ngay từ lứa tằm đầu tiên của năm 2011, những người làm nghề đã rất phấn khởi vì kén tằm vừa trúng mùa vừa được giá; năng suất kén trung bình đạt 18 - 20 kg/vòng trứng, giá kén tiêu thụ tại chỗ đạt 95.000 -100.000 đồng/kg. Tằm là con ngắn ngày, tuy lợi nhuận thu vào 1 lần không lớn bằng các con vật khác nhưng cho thu nhập thường xuyên (8- 9 vụ/năm). Đặc biệt khi tằm bị bệnh cho năng suất không cao hoặc tằm hư không cho kén cũng chỉ mất công chứ không mất nhiều về đồng vốn. Anh Đệ tính toán: Chu kỳ sinh trưởng của con tằm trong vòng 25 ngày là thu hoạch 1 lứa kén. Mỗi sào dâu thông thường cho người nuôi bình quân 6 lứa kén. Mỗi năm nuôi và xuất được 9 lứa kén. Như vậy, mỗi sào dâu sẽ cho khoảng 130 kg kén/năm. Nếu tính ở mức bình quân 90.000 đồng/kg kén thì mỗi sào dâu sẽ cho thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/năm (lãi ròng bình quân 7 triệu đồng/sào/năm). Ngoài ra, bà con còn thu hoạch được hàng tấn sản phẩm phụ là phân tằm phục vụ rất tốt cho sản xuất nông nghiệp.



Người dân cần sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Vốn là nghề truyền thống có từ lâu đời nên người dân Khánh Sơn đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu mà ít vùng trồng dâu khác có được. Theo chị Nguyễn Thị Vân, một hộ trồng dâu nuôi tằm (ở xóm 10) thì: "Nghề nuôi tằm không nhàn hạ và không phải là dễ nuôi. Từ khi tằm nở đến lúc vào kén không quá 30 ngày. Trong các chu kỳ phát triển thì lúc tằm ăn rỗi là vất vả nhất, mỗi ngày người nuôi phải cho ăn từ 6 - 7 lần; và khi tằm ăn rỗi là lúc quyết định lứa tơ tốt hay không, nếu để đói ăn con tằm sẽ nhỏ, cho ít tơ. Do tuổi đời của con tằm ngắn, nên công tác phòng bệnh phải được tiến hành ngay từ khâu đem trứng về nuôi. Chúng thường mắc các bệnh như bị bủng, vôi hoá, đầu trong suốt... Cách phòng bệnh đơn giản là phải giữ vệ sinh sạch sẽ, đặt nuôi ở vị trí thoáng mát; lá dâu phải đảm bảo xanh, sạch, khô ráo, không nhiễm bẩn. Trước đây, chúng tôi thường mua trứng tằm của Công ty Dâu tằm tơ Nghệ An, chất lượng luôn đảm bảo. Sau này người dân chỉ còn biết trông cậy vào tư thương, trứng tằm trắng nhập từ Trung Quốc nhiều khi đã ảnh hưởng tới chất lượng kén, khiến giá bán thấp hoặc làm chậm thời vụ. Thông thường với mỗi vòng trứng có thể chia ra thành 15 nong tằm. Chất lượng trứng không phải lúc nào cũng được bảo đảm, lứa vừa rồi nhà tôi nuôi 3 vòng trứng nhưng nở kém nên phải đổ bỏ".

Dẫn chúng tôi ra vùng bãi Soi Bù tham quan diện tích cây dâu trồng mới, ông Nguyễn Đức Huệ - Phó Ban Nông nghiệp xã Khánh Sơn, cho biết: Là địa phương có diện tích bãi bồi ven sông lớn, lượng phù sa bồi đắp hàng năm nhiều (từ 300 - 400 ha) nên cây dâu thực sự là cây trồng mũi nhọn, phát triển nghề nuôi tằm ươm tơ vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết được việc làm cho lực lượng lao động ở các lứa tuổi. Từ năm 2010, với những tín hiệu khả quan trên thị trường dâu tằm cả tỉnh, và với chủ trương phục hồi, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của huyện Nam Đàn, Khánh Sơn đã tích cực vào cuộc, xây dựng Đề án "Khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống"; thành lập HTX Dâu tằm tơ Nam Sơn thu hút hơn 100 hộ tham gia. Đối với những diện tích trồng mới, ngoài chính sách của tỉnh (nếu trồng dâu giống Sa nhị luân, hỗ trợ 100 đồng/cây, 4,8 triệu đồng/ha ), huyện cũng hỗ trợ thêm 50 đồng/cây và xã sẽ giảm 50% phí thu dịch vụ trong 2 năm trên diện tích trồng dâu. Theo đề án, từ năm 2010 - 2015, xã sẽ khôi phục lại 100 ha dâu, không trồng trên đất thâm canh mà chỉ trồng trên đất ven sông, đất cát; riêng trong 2 năm 2010, 2011, bà con đã trồng được 42ha, chủ yếu là giống Sa nhị luân của Trung Quốc và Bàu trắng của Thái Bình, sản lượng mỗi năm đạt gần 15 tấn kén. Những hộ trồng dâu nuôi tằm năm nay rất phấn khởi, vì từ đầu năm đến giờ tằm nhả kén đẹp, lại bán được giá. Nếu không gặp rủi ro, thu nhập bình quân của hộ trồng dâu nuôi tằm đạt trung bình 10 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt trên 14 triệu đồng như gia đình anh Phạm Viết Nam ở xóm 8, anh Hồ Phượng ở xóm 9... Hiện toàn xã có 4 hộ chuyên cung ứng trứng tằm, thuốc phòng trừ dịch bệnh và thu mua kén tằm trong vùng xuất bán đi Đô Lương, Thanh Chương... nên phần nào bà con cũng yên tâm hơn về đầu ra. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc cung ứng giống dâu và đầu ra sản phẩm đều qua tay tư thương, vì thế, không tránh khỏi các trường hợp ép giá; trứng tằm trôi nổi không qua kiểm định của các cơ quan chức năng nên khó bảo đảm về chất lượng "…

Sự trở lại của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Khánh Sơn là điều đáng mừng, không chỉ có ý nghĩa phục hồi lại một làng nghề truyền thống mà còn là bước phát triển kinh tế phù hợp ở địa phương.


Ngọc Anh

Mới nhất
x
Khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO