Khởi sắc một "mùa đầu tư"

28/10/2014 09:32

(Baonghean) - Có thể nói, tháng 9 và tháng 10 năm 2014 là thời điểm Nghệ An có được kết quả khá tốt trong thu hút đầu tư. Từ việc nhiều dự án đã được khởi công, cho đến hàng chục nhà đầu tư vào tìm hiểu và đăng ký đầu tư… cho thấy môi trường đầu tư ở Nghệ An tốt lên rất nhiều dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi. Tạo dựng được niềm tin đó từ các nhà đầu tư cũng chứng tỏ nỗ lực, quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Nghệ An sau nhiều trăn trở về tình hình thu hút đầu tư trong thời gian qua. 

(Baonghean) - Có thể nói, tháng 9 và tháng 10 năm 2014 là thời điểm Nghệ An có được kết quả khá tốt trong thu hút đầu tư. Từ việc nhiều dự án đã được khởi công, cho đến hàng chục nhà đầu tư vào tìm hiểu và đăng ký đầu tư… cho thấy môi trường đầu tư ở Nghệ An tốt lên rất nhiều dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi. Tạo dựng được niềm tin đó từ các nhà đầu tư cũng chứng tỏ nỗ lực, quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Nghệ An sau nhiều trăn trở về tình hình thu hút đầu tư trong thời gian qua.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen - ông Lê Phước Vũ, khi quyết định về Nghệ An đầu tư Nhà máy tôn Hoa Sen tại Khu kinh tế Đông Nam đã phát biểu: “Tôi cảm nhận Nghệ An bây giờ như là Bình Dương hơn 10 năm trước, rất cầu thị, rất đổi mới. Lãnh đạo tỉnh từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến Chủ tịch UBND tỉnh đều tỏ rõ quyết tâm rất cao. Chúng tôi tin Nghệ An sẽ ổn định chính sách và không làm nhà đầu tư nản lòng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn”. Tập đoàn Tôn Hoa Sen là nhà đầu tư tầm cỡ hàng đầu trong sản xuất tôn, ống thép ở Việt Nam và Đông Nam Á, doanh thu gần 1 tỷ USD/năm với 4 nhà máy, 130 chi nhánh khắp cả nước và xuất khẩu sản phẩm đi gần 40 quốc gia trên thế giới. Tập đoàn Tôn Hoa Sen đang trong giai đoạn mở rộng thị trường và dự kiến ban đầu mở nhà máy ở Nghi Sơn - Thanh Hóa hoặc Hà Tĩnh; nhưng sau khi được giới thiệu về tiềm năng, lợi thế đầu tư, cùng với cam kết mạnh mẽ của tỉnh Nghệ An, đã quyết định đầu tư và khởi công nhà máy ở Nghệ An với trị giá 2.300 tỷ đồng.

Dây chuyền lắp ráp linh kiện tại Công ty TNHH điện tử BSE.   Ảnh: Phạm bằng
Dây chuyền lắp ráp linh kiện tại Công ty TNHH điện tử BSE. Ảnh: Phạm bằng

Và thực tế, đối với Dự án Tôn Hoa Sen cũng như các dự án khác: Becammex, Nhiệt điện Quỳnh Lập…, lãnh đạo tỉnh tổ chức họp 1 tháng 1 lần để nắm bắt tình hình, đôn đốc, tìm cách kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho cụ thể cho Ban Quản lý khu Kinh tế Đông Nam phải đặc biệt quan tâm, cử cán bộ đầu mối để trực tiếp phối hợp giải quyết các việc liên quan đến nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các hạng mục giải phóng mặt bằng, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư...

Dự án nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn đang được triển khai.  Ảnh: SM
Dự án nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn đang được triển khai. Ảnh: SM

Trong xúc tiến đầu tư, có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ thời điểm vừa qua cũng đã tìm về với Nghệ An và sẵn sàng đầu tư các dự án, nhà máy, đó là Tập đoàn Masan, Tập đoàn điện máy Nguyễn Kim, Liên hiệp Coopmart, Tập đoàn Vingroup… Tại TP. Vinh, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim đã khởi công với quy mô cao tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 30.000 m2. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 550 tỷ đồng. Dự án khi đi vào hoạt động ngoài hàng điện máy, sẽ còn nhiều khu mua sắm đa dạng khác như nội thất, thời trang, dụng cụ thể thao… Hiện nay, TP. Vinh đã giải phóng xong mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư. Còn Tập đoàn Masan là tập đoàn chuyên sản xuất các mặt hàng thực phẩm như nước mắm Chinsu, cà phê Vinacaphe, nước tương… cũng đã được bàn giao đất tại khu kinh tế Đông Nam để xây dựng nhà máy.

Những dự án đã xúc tiến đầu tư trước đó bây giờ đều được gấp rút triển khai các bước tiếp theo, như Dự án xi măng Đô Lương, Dự án ngăn mặn, giữ ngọt sông Hoàng Mai do JICA (Nhật Bản) tài trợ. Hiện JICA đã trực tiếp khảo sát đánh giá hiện trạng, và tích cực cam kết đầu tư. Phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho Nghệ An một dự án kỹ thuật không hoàn lại, sau đó sẽ tiến hành các chương trình vay để phát triển nông nghiệp của tỉnh. Trên địa bàn, một số dự án thu hút trước ấy cũng bắt đầu phát huy hiệu quả với triển vọng tốt như Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy nhựa Tiền Phong (Khu kinh tế Đông Nam)…

Những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư của Nghệ An thời điểm này cần phải nói thêm đến sự nhanh nhạy, động thái khẩn trường của tỉnh trong nắm bắt tác động của chính sách cấm xe quá tải của Bộ Giao thông - Vận tải, để tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà máy lớn phía Nam ra miền Trung và miền Bắc để tìm kiếm mặt bằng đầu tư nhà máy, nhằm giảm bớt quãng đường vận tải. Các doanh nghiệp phía Nam vừa mở rộng được thị trường, vừa giảm chi phí vận chuyển từ Nam ra Bắc, giảm giá thành. Ông Phạm Đình Toại – Phó tổng Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Masan cho biết: Masan hiện nay sản xuất 2 tỷ gói mỳ, khoảng 300 triệu lít nước mắm/năm, trong đó, trên 50% bán ra miền Bắc, mỗi ngày có 400 xe tải của Masan chạy trên đường, vì vậy, đầu tư tại Nghệ An cũng sẽ giảm chi phí vận tải ở thị trường miền Bắc và miền Trung.

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản tạo kết quả thu hút đầu tư như đã nói trên của Nghệ An, là từ sự nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng Nghệ An sớm trở thành tỉnh khá của miền Bắc và thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, nên từ lãnh đạo tỉnh cho đến các cơ quan tham mưu về đầu tư và xúc tiến đầu tư đều nỗ lực kết nối để có được các mối quan hệ hợp tác toàn diện, đa cực và hiệu quả. Điều này đã được Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch & Đầu tư - ông Đỗ Nhất Hoàng, trong cuộc làm việc mới đây đánh giá cao: “Lãnh đạo tỉnh Nghệ An rất tích cực, quyết liệt, sát sao, tham gia nhiều cuộc hội thảo, xúc tiến đầu tư của bộ để kết nối đầu tư về Nghệ An. Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Nghệ An cũng rất tích cực để kết nối với các doanh nghiệp. Về vị trí địa lý cũng như thực trạng về hạ tầng, Nghệ An là tỉnh thiệt thòi hơn so với Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Nhưng phía Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đánh giá cao công tác xúc tiến đầu tư của Nghệ An với các nước này. Trong đợt Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức chuyến đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản vừa qua, chúng tôi có gặp nhiều nhà đầu tư ở đây, họ rất quan tâm đến Nghệ An nói chung và mặt hàng gừng của Nghệ An, bởi người Nhật không muốn mua hàng của Trung Quốc nữa. Mới chào hàng mà họ đã sang Nghệ An tìm hiểu, gặp doanh nghiệp của Nghệ An bàn về dự án chế biến gừng, chuối ở các huyện vùng cao. Đây là tín hiệu rất tốt để Nghệ An triển khai dự án chế biến gừng và chuối xuất khẩu theo công nghệ cao”. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Văn Hiền – đại diện lãnh đạo Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An - Chủ đầu tư Dự án chế biến gừng Kỳ Sơn và chuối Tương Dương (theo công nghệ cấy mô) để xuất khẩu sang Nhật cho biết: Tổng công ty quyết tâm làm bằng được để vừa tạo đầu ra cho nông dân trồng gừng ở Kỳ Sơn, vừa tranh thủ được hỗ trợ cho dự án nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại miền Tây tỉnh nhà!

“Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, ở nhiều lĩnh vực, cả trong công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ đều có những dự án chất lượng đang về với Nghệ An. Khâu giải phóng mặt bằng đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh với từng dự án. Ví như đối với dự án Vingroup, sẽ là dự án cao cấp, xây dựng khu đô thị kiểu mẫu với trung tâm thương mại lớn, hiện tỉnh đang dồn sức để giải phóng mặt bằng. Rất nhiều vấn đề liên quan đến nhà đầu tư đang được các ngành, các cấp tích cực triển khai. Tỉnh đang đẩy mạnh cải cách hành chính và quyết tâm để các dự án vào Nghệ An hiệu quả, tạo ra những dấu ấn mới cho kinh tế - xã hội Nghệ An” - đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Như vậy có thể thấy, công tác xúc tiến đầu tư và thu hút các dự án trong quý III/2014 của Nghệ An có nhiều thành tựu. Các nhà đầu tư tin tưởng đến với Nghệ An ngày một nhiều; tạo sự đồng thuận đối đối với người dân vùng dự án để giải phóng mặt bằng nhanh, bên cạnh đó, những công việc tiếp nối phía sau và lâu dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư đạt hiệu quả cao là vấn đề rất quan trọng trong thời gian tới.

Châu Lan

10 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đón tiếp và làm việc với các đoàn cấp cao Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; các đoàn Đại sứ của các nước như Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Séc... Đã có 3.033 đoàn khách nước ngoài gồm 25.496 lượt người vào Nghệ An, trong đó có 280 đoàn có chương trình làm việc với tỉnh. Đến ngày 16/10/2014, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 92 dự án/17.322,47 tỷ đồng, trong đó có 3 dự án FDI/241,58 tỷ đồng… Đồng thời, tỉnh đã cử 524 lượt cán bộ đi công tác tại các nước. Công tác xúc tiến, vận động NGO (tổ chức phi chính phủ) được chú trọng; tổng nguồn vốn viện trợ thu hút trong 9 tháng năm 2014 đạt 1,92 triệu USD, đã thực hiện giải ngân được 1,08 triệu USD, đạt 56,25%.

Tỉnh cũng đã tổ chức đoàn công tác cấp cao làm việc tại Liên bang Nga; ký thỏa thuận hữu nghị và hợp tác với tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc; làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ; triển khai thực hiện các nội dung sau hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An; hiện đang chuẩn bị các nội dung, tài liệu để tổ chức đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi Singapore theo Chương trình làm việc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư từ ngày 3-5/11/2014 nhằm xúc tiến vận động cho Dự án tổ hợp khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ VSIP tại Nghệ An.

Mới nhất
x
Khởi sắc một "mùa đầu tư"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO