Không chỉ là chuyện một con trâu chết...
(Baonghean) - Một phụ nữ trung tuổi xưng tên là Đa, ở xóm Đào Nguyên, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), qua điện thoại giọng khẩn thiết cho biết, 7h30 ngày 28/7, đường điện xóm bà cùng lúc gãy 3 cột, dây điện vương vào đàn trâu đi ngang qua làm 1 con chết. Bà nói: “Nhờ nhà báo về coi giúp dân. Điện đóm ra ri có bữa người cũng nỏ toàn mạng...”.
(Baonghean) - Một phụ nữ trung tuổi xưng tên là Đa, ở xóm Đào Nguyên, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ), qua điện thoại giọng khẩn thiết cho biết, 7h30 ngày 28/7, đường điện xóm bà cùng lúc gãy 3 cột, dây điện vương vào đàn trâu đi ngang qua làm 1 con chết. Bà nói: “Nhờ nhà báo về coi giúp dân. Điện đóm ra ri có bữa người cũng nỏ toàn mạng...”.
Trâu chết, người lo...
Dù sự việc 3 cột điện gỗ ở tổ liên gia xóm rú tự dưng gãy đổ kéo đứt hơn 100 m dây điện trần rồi vương phải đàn trâu gây chết tại chỗ 1 con đã trôi qua được một tuần nhưng người dân xóm Đào Nguyên vẫn sôi sùng sục. Họ tiếc cho gia đình anh Bằng, chị Sáu tự dưng chết mất con trâu cái chỉ còn một tháng nữa thì đẻ. Họ tức cánh cán bộ Chi nhánh điện lực Tân Kỳ xuống giải quyết vụ việc chỉ lo cò kè ngã giá đền trâu mà chẳng thèm đoái hoài đến hạ tầng lưới điện của xóm đã cũ kỹ, đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa tính mạng tài sản nhân dân.
Bởi vậy, nghe tin có nhà báo về, tại nhà bà Trần Thị Đa - xóm trưởng xóm Đào Nguyên sáng 30/7, các cán bộ quân dân chính xóm đã đến không thiếu thành phần nào để "tố". Từ đại diện cấp ủy, mặt trận, hội nông dân, công an, dân quân tự vệ cho tới phụ nữ, thanh niên xóm đều đủ mặt. Bà Đa thay mặt mọi người thuật vắn tắt: 7h30 sáng 28/7, hai cháu Phạm Văn Hiệp, Hà Đức Duy dong 12 con trâu ra thả ở cồn, đi ngang đoạn đường tổ liên gia thôn rú thì tự nhiên đồng loạt 3 cột điện đổ sầm sập xuống. Đàn trâu lồng lên chạy, hai cháu Hiệp, Duy may mắn nhanh chân nhảy tránh được nhưng dây điện trần quàng vào con trâu nhà anh Bằng chị Sáu và điện đã giật trâu chết.
Sự cố đổ cột điện, chết trâu sáng 28/7 ở xóm Đào Nguyên, xã Nghĩa Dũng.
Ngay lúc đó, mọi người trong xóm đã cho ban điện xã cắt điện khẩn cấp. Khoảng 8h30, ông Nguyễn Bá Trung - Trưởng phòng kỹ thuật Chi nhánh điện lực Tân Kỳ có mặt ở hiện trường. Và với tư cách đại diện ngành điện vậy nhưng ông Trung cho rằng chỉ cần định giá con trâu chết theo thị trường để đền bù là hết nhiệm vụ nên dân rất khó chịu. Sự phẫn nộ tăng lên khi ông Trung cứ một hai cò kè giá cả, thậm chí lấy lý do có công việc riêng cần giải quyết để bỏ đi. Chủ tịch UBND xã Phạm Hồng Linh đã phải gọi điện cho Giám đốc Chi nhánh điện lực Tân Kỳ và cả Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hóa và đến đầu giờ chiều cùng ngày việc đền bù trâu mới được giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, sau đó lại tiếp tục xẩy ra tranh cãi vì dân muốn ngành điện thay thế cột mới bằng bê tông cho an toàn nhưng ông Trung một hai chỉ chấp nhận thay thế bằng cột gỗ tạm bợ. Ông Trung nói với dân là "sẽ lưu tâm nhưng bây giờ phải dùng cột gỗ vì ông không có quyền quyết định cho sử dụng cột bê tông...". Một ngày sau, dân Đào Nguyên đành chứng kiến cảnh đại diện Chi nhánh điện lực Tân Kỳ mua 3 cây gỗ với giá 200 nghìn đồng/cây để dựng lại hệ thống điện đã đổ.
Bà Trần Thị Đa phẫn nộ: “Hạ tầng điện do dân bà tui đóng góp xây dựng từ năm 1993, dừ đã cũ nát, nhiều cột gỗ đã mục chân, nhiều cột bê tông bị mưa bão làm gãy, nghiêng, nứt.... Hệ thống dây thì toàn dây trần, nỏ theo quy chuẩn mô cả, có chỗ chỉ là hai sợi thép ly vấn lấy chắc rất mất an toàn. Năm 2009, họ đã bán điện tại gia, thu thuế giá trị gia tăng, rứa mà nỏ có trách nhiệm. Là những người làm chuyên môn, vì lý do chi đó chưa đầu tư xây dựng mới thì họ phải có trách nhiệm kiểm tra, gia cố hệ thống cột, dây để đảm bảo an toàn cho dân. Con trâu chết thì đền được bằng tiền, chơ người chết thì họ đền bằng cấy chi đây?”.
Cùng bà Đa, chúng tôi đã đi gần khắp các tuyến đường nội thôn, đường xương cá là nơi cư ngụ của 179 hộ dân xóm Đào Nguyên. Và với những hệ thống đường điện dây trần nhỏ, mỏng manh treo lửng lơ trên những chiếc cột bê tông, cột gỗ cũ, thấp nghiêng ngả, lở lói thì quả người dân nơi đây không lo lắng mới là chuyện lạ.
Đâu chỉ Đào Nguyên!
Là lời của bác Trần Văn Lan, Bí thư Chi bộ xóm Gia Đề. Xóm Gia Đề ở cận kề xóm Đào Nguyên và cùng chung một trạm điện. Theo bác Lan, xóm Gia Đề có đến 25 cột bê tông và 36 cột gỗ và khoảng 1km đường dây không bảo đảm chất lượng tại các trục đường điện xương cá đang đe dọa đến tính mạng người dân và gia súc. "Có những cột đã gãy làm đôi, có nhiều cột mục chân mà dân vẫn phải đành sử dụng..." - bác Lan nói. Ở xóm Gia Đề, hiện trạng lưới điện còn tồi tệ hơn xóm Đào Nguyên. Do hệ thống cột yếu, có những nơi dây điện trần võng hẳn xuống cách đầu người chỉ còn 20 - 30 cm.
Rất nhiều những cây cột điện cũ kỹ nghiêng ngả, phải chống, phải ghép chân, thậm chí có cây cột bê tông đã gãy đôi nhưng vẫn đang sử dụng. Hỏi bác Lan, bà Đa: Dân mình đã có ý kiến với xã về vấn đề này? Theo các bác, không chỉ có ý kiến lên xã mà khi đại biểu HĐND, Quốc hội về tiếp xúc cử tri cũng đã nói rất nhiều nhưng chừng như không thấu. Xã cũng bức xúc với ngành điện chứ đâu phải chỉ dân...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Lợi, xã Nghĩa Dũng có 1650 hộ dân tại 13 xóm với 7 trạm biến áp thì còn có gần 180 cột điện gỗ. Hệ thống điện nơi đây do dân tự đầu tư xây dựng từ năm 1993 và sử dụng cho đến nay nên xuống cấp rất nhiều. Anh Lợi nói: “Về nguyên tắc, đã bán điện tại gia thì mọi thứ đều phải đạt quy chuẩn, dây phải bọc, cột phải chắc nhưng thực tế ngành điện đang vận dụng hạ tầng cũ của dân nên không đảm bảo an toàn. Ngành điện rõ ràng là đã quá chậm trễ, vậy nên, chúng tôi đang vận động nhân dân tạm thời hãy "tự cứu lấy mình", gia cố những nơi không đảm bảo và tiếp tục đề nghị lên huyện để yêu cầu Chi nhánh điện lực Tân Kỳ đầu tư nâng cấp hệ thống điện cho Nghĩa Dũng...”.
Rời Nghĩa Dũng, chúng tôi đã đến Chi nhánh điện lực Tân Kỳ. Tại đây, khi nói về chuyện xẩy ra ở xóm Đào Nguyên, và sự bức xúc của dân với cán bộ ngành điện, Giám đốc Trần Kiến Thiết công nhận cán bộ của mình thiếu trách nhiệm, phát ngôn bừa bãi. "Từ trưởng phòng kỹ thuật, tôi đã chuyển Nguyễn Bá Trung xuống làm đội trưởng rồi..." - ông Thiết nói. Đồng thời, khi nói về sự xuống cấp của hạ tầng lưới điện, vì lý do hầu hết hệ thống điện nông thôn khi được tiếp nhận đều trong tình trạng xuống cấp, bên cạnh đó lại khó khăn về vốn nên theo ông Thiết: “Cần phải có sự chia sẻ với ngành điện chúng tôi”.
Trong giai đoạn hiện nay, quả thực ngành nào, nghề nào cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhưng với ngành điện, nếu để đầu tư xây dựng thay thế mới hoàn toàn thì mới thực là việc khó, chứ với chuyên môn sẵn có, việc cán bộ ngành điện đồng cảm với nỗi lo của dân để thường xuyên bám cơ sở kiểm tra, khắc phục sửa chữa những nơi thiếu an toàn thì liệu có quá khó khăn? Và với những gì đã nghe, đã thấy ở Đào Nguyên, Gia Đề... liệu ai cảm thông, chia sẻ được với Chi nhánh điện lực Tân Kỳ khi tính mạng của dân đang bị đe dọa bởi... những hàng cột điện khi mùa mưa bão đã đến.
Nhật Lân