Không chỉ trông chờ vào Nhà nước
(Baonghean) - Kế hoạch dự tính đến hết năm 2015, Nghệ An phấn đấu có 20% xã trong toàn tỉnh (tương đương 87 xã) đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) theo 19 tiêu chí mà Chính phủ đề ra. Để đạt được kết quả trên, ngoài vấn đề về nâng cao công tác quy hoạch, tập huấn, tuyên truyền, xây dựng hạ tầng… thì công tác huy động nguồn vốn để xây dựng NTM đang là bài toán khó đặt ra cho nhiều địa phương.
Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg, vốn xây dựng NTM được lấy từ 2 nguồn, thứ nhất là ngân sách Nhà nước với 40%, trong đó có 17% được cấp cho các khoản: Xây dựng đề án, đường giao thông đến trung tâm xã, trường học chuẩn quốc gia, trạm y tế, nhà văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách; 23% còn lại lấy từ nguồn tài trợ và lồng ghép với các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác. Phần xã phải lo 60%, gồm: thu hút vốn tín dụng khoảng 30%, liên kết với các loại hình kinh tế khoảng 20%, huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10%.
Đến hết năm 2011, Nghệ An có 349/435 xã đã được phê duyệt quy hoạch. Theo đó, riêng trong năm 2011, nhu cầu vốn của các địa phương trong tỉnh cần khoảng 1.250 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mới chỉ đạt hơn 77 tỷ đồng (đạt 22% so với nhu cầu). Còn năm 2012, toàn tỉnh phấn đấu có 19 xã đạt 16 tiêu chí trở lên, 25 xã đạt từ 14 - 15 tiêu chí và 63 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí. Để đạt được kết quả này, nguồn ngân sách Trung ương dự kiến cần đến 850 tỷ đồng, còn lại là huy động nội lực. Tuy nhiên, nguồn vốn cho năm nay mới chỉ được thông báo là khoảng 87 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh chưa cân đối được nguồn ngân sách để xây dựng NTM.
Còn tại huyện Nghi Lộc, năm 2011, toàn huyện được hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho công tác xây dựng quy hoạch, tập huấn… Hiện nay, 8 xã trong huyện vẫn chưa hoàn thành đồ án xây dựng quy hoạch để trình phê duyệt. Theo kế hoạch năm 2012, nhu cầu về vốn toàn huyện cần hơn 700 tỷ đồng. Xã Nghi Trung được chọn là xã điểm của tỉnh nhưng trong năm 2011, xã cũng chỉ được hỗ trợ 100 triệu đồng cho công tác quy hoạch. Theo kế hoạch thì năm 2012, nhu cầu vốn của xã cần khoảng 4-5 tỷ đồng. Ông Võ Trọng Tĩnh Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đang lo lắng không biết sẽ lấy vốn từ đâu. Trong khi năm nay, huyện giao chỉ tiêu xã phải đạt thêm được 3 tiêu chí là: xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi và quy hoạch vùng sản xuất”.
Chủ thể xây dựng Nông thôn mới là người dân.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT thôn, Phó thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Hiện nay, nguồn vốn để xây dựng NTM đang là bài toán khó cho nhiều địa phương trong tỉnh. Vốn ngân sách Trung ương thì quá eo hẹp, mà không phải xã nào cũng có những điều kiện để huy động vốn theo Quyết định 800 của Chính phủ. Trong khi đó, 17% vốn từ Trung ương để cấp cho các khoản xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, trạm y tế… là quá thấp”. Giai đoạn 2011-2015, nguồn lực bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM dự kiến sẽ rất khó khăn do Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát. Như vậy, rõ ràng không tổ chức đa dạng hóa nguồn huy động thì không thể triển khai thành công các chỉ tiêu về NTM. Bên cạnh đó, chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ yếu dựa vào nội lực của cộng đồng, còn Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần mà thôi.
Tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc), việc huy động sức dân được các cấp ủy, chính quyền xã vận dụng linh hoạt. Xác định việc xây dựng NTM chủ yếu dựa vào nguồn lực của người dân nên cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Khi xây dựng đồ án quy hoạch, xã cho họp dân để thông báo và lắng nghe ý kiến của người dân. Từ đây, công tác triển khai được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Vì vậy, việc huy động nguồn lực trong dân được xã thực hiện tốt. Riêng năm 2011, xã đã huy động được 23 tỷ đồng từ các nguồn khác nhau. Đối với những công trình như kênh mương thủy lợi, trường học, xã sẽ huy động ngày công của người dân, còn Nhà nước sẽ hỗ trợ các vật liệu cơ bản.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc)
Còn tại xã Xuân Hòa (
Ông Cảnh còn chia sẻ rằng, theo Quyết định 800, 60% nguồn vốn xây dựng NTM là do địa phương huy động nội lực. Tuy nhiên, trong đó có 23% nguồn vốn từ nguồn tài trợ và lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác là rất khó vì không phải xã nào cũng được hưởng lợi từ các chương trình này. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã đang còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Không phải xã nào cũng có doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nhất là đối với các xã nghèo, miền núi. Đối với những xã có thì hiện vẫn chưa có cơ chế riêng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào xây dựng NTM. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn bởi Quyết định 11 của Chính phủ.
Một nguyên nhân nữa khiến nhiều xã chưa huy động hết nội lực của địa phương là do công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM còn chưa mạnh, chưa rõ nét. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ chỉ đạo, tham mưu, tầng lớp người dân, dẫn đến phong trào thi đua xây dựng NTM chưa lan rộng trong đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào tự nguyện xây dựng NTM với phương châm “Dựa vào sức dân để lo cho dân”.
Phạm Bằng