Không để hoạt động lễ hội bị biến tướng

07/02/2011 10:30

Cứ mỗi độ Xuân về, cùng với niềm vui ngày đoàn tụ và thú vui du xuân để thưởng thức hương vị mùa Xuân thì hoạt động văn hoá lễ hội, thể hiện tự do tín ngưỡng là một phần không thể thiếu.

Tuy nhiên, trong vài năm lại đây, cùng với việc khôi phục các hoạt động văn hoá lễ hội ở nhiều vùng miền, đã xuất hiện một vài biểu hiện đáng ngại là thương mại hoá hoạt động tín ngưỡng và lễ hội mà thực chất là "buôn thần bán thánh"; lợi dụng dịp tết và lễ hội để buôn bán, tuyên truyền mê tín dị đoan, cầu cúng bói toán một cách tuỳ tiện thiếu cơ sở khoa học.


Ảnh: M.H

Có một thực trạng đáng buồn là mỗi dịp tết đến, thay vì bày tỏ đức tin và tín ngưỡng của mình trong việc chăm lo chu đáo cho việc làng, việc họ và hương khói cho phần mộ tổ tiên, ông bà thì một bộ phận không ít người dân vì quá mê muội nên theo thầy cúng khắp nơi mọi chốn đến mức bỏ bê chuyện thờ cúng ông bà, tổ tiên ngay tại ngôi nhà mình; hoặc có người mời thầy cúng về gọi hồn, lên đồng linh đình gây hoang mang trong nhân dân. Ở một khía cạnh khác, có người khi bị bệnh, thay vì tìm thầy thuốc và chữa trị theo khoa học thì tin vào các thầy lang vườn kiêm thầy cúng để khám bệnh, bốc thuốc một cách nhảm nhí, mù quáng...khiến nhiều người "tiền mất mà tật vẫn mang".

Để hạn chế tình trạng lạm dụng tự do tín ngưỡng, hoạt động lễ hội để trục lợi, thực hiện hành nghề mê tín dị đoan, các cơ quan quản lý văn hoá và cấp uỷ, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát, báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền đánh giá các hiện tượng có tính tâm linh, gây dư luận không tốt trong nhân dân để có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý văn hoá cũng cần có kế hoạch và định hướng xây dựng, bằng biểu dương các hoạt động lễ hội lành mạnh và đậm nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Về lâu dài, khi hội đủ điều kiện cho phép sưu tầm nghiên cứu, đầu tư thật công phu để tái hiện lại một cách trang nghiêm các lễ hội truyền thống tốt đẹp, lâu đời tại một số địa phương như: lễ cầu ngư, nghi thức xuống thuyền của người dân vùng biển, lễ hội xuống đồng của người dân vùng trồng lúa nước; phục hồi các trò chơi dân gian như: vật, đánh đu, đánh gậy...để thu hút và hướng người dân vào các hoạt động văn hoá dân gian lành mạnh này.


Phương Hà

Mới nhất

x
Không để hoạt động lễ hội bị biến tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO