Không đội mũ bảo hiểm là coi thường tính mạng của mình
(Baonghean) - Hiện nay, Chiến dịch quốc gia “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm” do Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á phối hợp với các tổ chức, bộ, ngành đang được triển khai thực hiện trên địa bàn 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Nghị định 34/2010/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2010) cũng đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Nghị định này cũng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe máy.
(Baonghean) - Hiện nay, Chiến dịch quốc gia “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm” do Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á phối hợp với các tổ chức, bộ, ngành đang được triển khai thực hiện trên địa bàn 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Nghị định 34/2010/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2010) cũng đã quy định rất rõ về việc xử phạt đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông. Nghị định này cũng quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe máy.
Mặc dù đã nhiều lần tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền, tổ chức các hội thi tìm hiểu về ATGT, nhưng trên địa bàn tỉnh ta, việc người dân tham gia giao thông, điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm vẫn xảy ra khá nhiều. Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh thì từ 1/1/2013 đến 3/3/2013, lực lượng CSGT đã xử phạt 25.674 trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm trật tự ATGT, trong đó có tới 16.168 trường hợp không đội mũ bảo hiểm.
Thượng tá Bạch Hưng Dũng – Phó phòng CSGT tỉnh cho biết: Việc xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông chúng tôi làm rất nghiêm đối với người lớn, còn việc xử phạt trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm theo Nghị định 34 và 71 đã được chúng tôi triển khai thực hiện, nhưng việc xác định trẻ em trên 6 tuổi bằng mắt thường là không dễ. Do đó, những trường hợp vi phạm nào chắc chắn trên 6 tuổi và phụ huynh cũng thừa nhận thì chúng tôi mới xử phạt, còn các trường hợp khác thì chúng tôi nhắc nhở. Bởi không thể mỗi khi vi phạm lại bắt phụ huynh đưa giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu ra để xem các cháu đã đủ tuổi chưa. Theo tôi, điều quan trọng là người dân phải ý thức được rằng việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ tính mạng cho mình chứ không phải chỉ để đối phó với các cơ quan chức năng. Không phải cứ trên 6 tuổi mới phải đội mũ bảo hiểm, mà bất cứ ai, ở lứa tuổi nào khi đã ngồi lên xe gắn máy tham gia giao thông thì cũng nên đội mũ bảo hiểm để tránh những thương vong đáng tiếc khi không may xảy ra tai nạn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh Đức - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền việc đội mũ và phát mũ bảo hiểm cho các em học sinh ở một số điểm ở TP Vinh, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò. Việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và người lớn đã được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, quy định thành điều luật rồi. Hành vi không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông hiện nay của nhiều người là cố ý chứ không phải do không biết. Còn Thượng tá Bạch Hưng Dũng cho rằng, vấn đề “nóng” hiện nay là việc nhiều thanh niên, trong đó có các đối tượng là học sinh, sinh viên không chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy tham gia giao thông.
Nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi đến trường.
(Ảnh chụp tại cổng Trường tiểu học Hưng Dũng 1 - TP. Vinh)
Theo quan sát của chúng tôi, tại các cổng trường THCS trên địa bàn TP Vinh, có đến gần một nửa số phụ huynh chở con đến trường bằng xe gắn máy nhưng không đội mũ bảo hiểm cho các em. Chị Nguyễn Thị Hoa - Hưng Bình (TP Vinh) cho biết: “Mình ra đường thì lúc nào cũng nhớ đội mũ bảo hiểm vì sợ bị phạt, còn các cháu thì mình cũng mua mũ bảo hiểm để đội cho an toàn nhưng không phải lúc nào mình cũng nhớ, phần thì do công việc vội, phần thì nghĩ công an không phạt trẻ em nên mình cũng chưa chú ý đến việc đội mũ cho các cháu”. Khi chúng tôi hỏi: Chị có biết quy định về xử phạt trẻ em trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm không, thì chị bảo có nghe ti vi nói nhưng cũng không rõ lắm! Không riêng gì chị Hoa, nhiều phụ huynh khác khi chúng tôi hỏi về việc họ có biết các cháu trên 6 tuổi khi tham gia giao thông ngồi trên xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm cũng bị xử phạt không thì nhiều người nói không biết, người biết thì nói rằng nhà ở gần trường hoặc “quên” nên không đội mũ cho cháu.
Như vậy, để người dân chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm, nhất là việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy thì ngoài ý thức tự bảo vệ của người dân, công tác tuyên truyền cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Các cơ quan chức năng nên kết hợp với Sở GD-ĐT mở rộng công tác tuyên truyền, đặc biệt kết hợp với các hội phụ huynh, nâng cao ý thức cho chính những bậc làm cha, làm mẹ khi hằng ngày đưa con em mình đến trường hay mỗi khi tham gia giao thông để phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn cho con trẻ và cho chính mình.
Tại Điều 9, khoản 3, mục k của Nghị định 34/2010/NĐ - CP quy định, phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi “chở người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật”. “Trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội mũ bảo hiểm, người điều khiển phương tiện bị xử phạt từ 100.000 - 200.000đ”. |
Đức Dũng