Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV
(Baonghean.vn) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh HIV/AIDS, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu giai đoạn 2011 – 2015 là “ Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
Thực hiện các chương trình phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn Ma túy, những năm qua, dịch HIV/AIDS ở Nghệ An đã được kiềm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm đã giảm liên tục song các kết quả vẫn chưa đảm bảo bền vững. Tính đến ngày 30/10/2014, Nghệ An có 9.805 trường hợp nhiễm HIV, ở cả 21 huyện, thành, thị. Với sự đẩy mạnh của công tác truyền thông trong phòng chống HIV/AIDS, nhìn chung nhận thức của người dân trong tỉnh về HIV/AIDS đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận dân cư chưa nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS nên vẫn còn tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Chính vì vậy, năm nay Nghệ An đặt quyết tâm thực hiện tốt Tháng hành động Quốc gia phòng chống AIDS từ ngày 10/11-10/12/2014, tập trung vào chủ đề “ Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.
Lễ Mít tinh Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia Phòng chống AIDS năm 2014 |
Để thực hiện tốt Tháng hành động Quốc gia phòng chống AIDS, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Y tế Nghệ An đã ban hành kế hoạch tổ chức Tháng hành động một cách cụ thể. Mục tiêu là thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chồng HIV/AIDS; Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có hại, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người; Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS thân thiện đến mọi người dân. ..
Theo đó, trọng tâm các hoạt động chủ yếu trong tháng hành động là các biện pháp, truyền thông vận động với sự tham gia của tất cả các tổ chức, cá nhân, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh; Triển khai toàn diện các chương trình phòng chống HIV/AIDS để mục tiêu Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” trở thành hiện thực.
Hội thi tuyên truyền viên giỏi Phòng chống HIV/AIDS |
Lễ Mít tinh Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia Phòng chống AIDS năm 2014 được Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Tương Dương tổ chức tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương vào sáng ngày nay (28/11/2014). Lễ Mít tinh có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành trong tỉnh, đại diện các đơn vị thuộc ngành y tế và đông đảo cán bộ, nhân dân huyện Tương Dương. Trong khuôn khổ lễ mít tinh hưởng ứng, tỉnh Nghệ An còn tổ chức khai trương cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và tổ chức diễu hành tuyên truyền cổ động trên địa bàn huyện.
Lễ mít tinh sẽ góp phần nhắc nhở mọi người tăng cường trách nhiệm công tác phòng chống AIDS là của chính bản thân mình, phải cần vào nội lực, không thể trông chờ các nguồn lực từ bên ngoài…Tháng hành động Quốc gia Phòng chống AIDS năm 2014 hướng tới làm cho mọi người dân xem HIV/AIDS như những căn bệnh truyền nhiễm khác, qua đó làm cho chính người thân trong gia đình người nhiễm không còn kỳ thị, người bệnh cũng không còn tự ti mặc cảm. Một khi người bệnh còn tự kỳ thị, còn dấu bệnh thì các cơ quan chức năng cũng không thể có các hiện pháp can thiệp hữu hiệu để giúp người đỡ; Việc nâng cao nhận thức cho người dân không chỉ là việc riêng của các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông đại chúng mà còn là trách nhiệm của các địa phương. Các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới người bệnh cũng như tạo cơ hôi cho người nhiễm HIV/AIDS có được sinh kế bảo đảm cuộc sống./.
Thanh Sơn