Không nên để những người đã bị kết án được hành nghề luật sư
Ngày 6/6, thảo luận về dự án Luật Luật sư, các đại biểu đoàn Hà Nội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, coi đây là điều kiện để luật sư hành nghề tốt hơn, nâng cao tính chuyên nghiệp và phát huy hơn nữa trình độ của những người am hiểu pháp luật.
Hai vấn đề “nổi” lên trong phiên thảo luận tổ là quy định cho phép các điều tra viên tham gia hành nghề luật sư và quy định cho phép những người đã bị kết án nhưng đã hết thời hạn chịu án được hành nghề luật sư.
Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, với lực lượng điều tra viên của công an, không phải ai cũng có trình độ về cử nhân luật nên không thể đưa vào làm luật sư. Tuy nhiên, đại biểu Khánh lại ủng hộ việc để các cán bộ viên chức đang giảng dạy luật được hành nghề luật sư vì hiện nay, chúng ta đang thiếu luật sư, mà đội ngũ này lại có trình độ.
Với những người phạm tội nghiêm trọng do cố ý, đã bị kết án tội phạm nghiêm trọng, đại biểu Khánh đề nghị không cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, cần thận trọng khi quy định vì không ít trường hợp sau khi bị kết án phạm tội nghiêm trọng đã được chứng minh là bị oan sai.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung cũng nhất trí, cần quy định chặt chẽ việc cho phép các điều tra viên, kiểm sát viên tham gia làm luật sư. Cần yêu cầu các đối tượng này tham gia các khóa đào tạo trong học viện Tư pháp để bảo đảm chất lượng của luật sư.
Với những trường hợp đã xóa án tích nghiêm trọng không được hành nghề luật sư, đại biểu Chung đề nghị cần tách bạch cụ thể. Luật nên quy định theo hướng cấm hành nghề luật sư. Đặc biệt, cần cấm vĩnh viễn với những trường hợp phạm tội nặng.
ĐBQH thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng tán thành quy định không miễn đào tạo nghề luật sư đối với các điều tra viên. Tuy nhiên, đại biểu Bình đề nghị, không nên để giáo viên giảng dạy pháp luật được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Tại đoàn TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Du Lịch ủng hộ việc cho phép viên chức giảng dạy hành nghề luật sư. Ông còn đề nghị mở rộng thêm cho đối tượng là cán bộ làm ở các viện nghiên cứu được tham gia hành nghề luật sư.
Đại biểu Lịch cùng đại biểu Phạm Văn Gòn cũng tán thành quan điểm không cho phép những người đã bị kết án hành nghề luật sư.
“Hiện nay luật sư chưa nghiêm. Ở một số nước, luật sư chỉ cần bị phát hiện có dấu hiệu chạy án thôi là đã bị loại khỏi tổ chức, chứ không có hình thức xử lý này, xử lý kia… để làm đội ngũ này được xã hội tôn vinh”, đại biểu Lịch nói.
Ở cương vị Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP HCM, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng ủng hộ việc quy định các trường hợp bị kết án không được làm luật sư.
“Tôi đề nghị giữ nguyên như luật cũ, đã phạm tội, đã xóa án tích rồi thì cũng không được làm luật sư, vì người luật sư cần cái tâm trong sáng", đại biểu Ánh nói.
Cũng trong phiên làm việc hôm nay, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Điện lực và dự án Luật Hợp tác xã.
Đáng chú ý, về dự án Luật Điện lực, các đại biểu đoàn Hà Nội quan tâm nhiều đến khâu quy hoạch ngành điện và việc thực hiện bán giá điện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị, quy hoạch phát triển điện lực phải căn cứ vào tình hình kinh tế- xã hội của địa phương và cần có tầm nhìn 10 năm. Trong đó, cần chú trọng tới các nguồn năng lương mới như gió, năng lượng mặt trời…
Về giá điện, các đại biểu nhất trí, Chính phủ phải thực hiện bán giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước. Tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm này vì theo một số đại biểu, hiện EVN đang độc quyền giá điện, hệ thống cơ sở hạ tầng và truyền dẫn... Theo các đại biểu, khi chúng ta chưa xây dựng được các đối tác cạnh tranh bình đẳng với EVN thì việc thực hiện bán điện theo cơ chế thị trường rất khó áp dụng. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm chống độc quyền điện, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh để người dân được quyền lựa chọn.
Các đại biểu cũng đề nghị, ngành điện cần công khai minh bạch và phải bảo đảm cơ sở hạ tầng để giảm hao hụt trong truyền tải. Để Nhà nước khỏi điều tiết và bù giá, Nhà nước cần quy định rõ trong luật như hạ tầng về mạng, trạm phát, hệ thống phân phối… thuộc Nhà nước quản lý và quy định mức giá, có như vậy mới giảm được sự tăng giá điện. Nhà nước cũng cần quản lý thu mua điện đầu vào để việc mua bán điện được đúng giá thị trường và bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư.
Theo HNMO- H