Những năm tháng sống ở Hoàng Trù bà vừa làm ruộng, vừa làm nghề dệt vải, giúp chồng ăn học và nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Năm 1894 ông, Nguyễn Sinh Sắc đỗ học vị Cử nhân, học vị cao nhất của kỳ thi hương tỉnh Nghệ An. Năm 1895, bà Hoàng Thị Loan cùng chồng vào Huế để nuôi chồng ăn học và chăm lo công việc gia đình. Năm 1900, bà sinh thêm người con thứ tư là Nguyễn Sinh Xin. Do hoàn cảnh cuộc sống quá vất vả khó khăn, bà Hoàng Thị Loan đã lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10/2/1901) tại kinh thành Huế. Bà được bà con nhân dân đưa lên an táng tại núi Bân thuộc dãy Tam Tầng ở Huế. Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh đã đưa hài cốt mẹ về an táng tại vườn nhà Làng Sen. Năm 1942, cậu Nguyễn Sinh Khiêm đã đi nhiều nơi trên mảnh đất Nam Đàn, Hưng Nguyên chọn được vị trí đẹp ở núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ thuộc xã Hữu Biệt nay là xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và đưa hài cốt mẹ lên an nghĩ vĩnh hằng. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là công trình vừa có ý nghĩa to lớn về giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về mặt tâm linh nên yêu cầu thiết kế phải đạt được tính tôn nghiêm, vẻ giản dị, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn liền với thiên nhiên nhưng vẫn nổi bật. Hình tượng chủ đạo của công trình chính là hình tượng hoa sen - biểu tượng của quê hương Kim Liên, vừa biểu hiện cho sự cao đẹp của cuộc đời bà. Khu mộ bà Hoàng Thị Loan gồm nhiều hạng mục công trình, trong đó ngôi mộ là công trình chính. Hài cốt của bà được giữ nguyên tại chỗ. Ngôi mộ được thiết kế như một bông hoa sen cách điệu, với đầy đủ phần đế sen, đài sen và tâm sen. Chiều dài của ngôi mộ 3,27m, rộng 2,265m, cao 1,88m. Phần đế mộ và thân mộ được làm bằng đá kim sa nhập khẩu từ Ấn Độ. Phần đài sen cách điệu phía trên thành mộ làm bằng đá trắng Yên Bái. Tấm úp nắp mộ tượng trưng cho phần nhụy của bông sen được chạm hình chữ "Thọ" cách điệu, thể hiện âm dương trời đất theo quan niệm của dân gian. Phía sau là tấm phù điêu làm bằng đá trắng mịn Yên Bái (chia thành 5 khối). Phù điêu được tạo tác theo kiểu cuốn thư của các công trình cổ với các phần rõ rệt: phần chân đế, phần thân và đỉnh đế. Phần chân đế được thiết kế đơn giản. Phần thân được thiết kế tinh vi, hoa văn tình xảo. ý tưởng chủ đạo của chi tiết hoa văn chính là hình ảnh đầm Sen được đúc nổi. Phía trên đầm sen là hình ảnh "Cửu vân quần tụ" có nghĩa là 9 đám mây tụ lại tượng trưng cho hình ảnh linh thiêng, hội tụ khí thiêng đất trời. Chạy viền xung quanh phù điêu là viền hoa văn cách điệu hình cánh sen. Cuối cùng là phần đỉnh phù điêu được đề chữ "Mộ bà Hoàng Thị Loan". Đường lên xuống để khách tới thăm viếng ngôi mộ được xây dựng men theo sườn núi hai bên mộ. Đường lên với 266 bậc đến sân bán nguyệt. Đường xuống với 262 bậc từ sân bán nguyệt xuống đến cổng, được ghép bằng đá nguyên khối. Từ sân bán nguyệt lên mộ bà với 33 bậc tưng ứng với số tuổi của bà Hoàng Thị Loan lúc mất. Cùng an táng trên núi Động Tranh còn có phần mộ bà Hà Thị Hy - bà nội Bác Hồ, phần mộ cậu Nguyễn Sinh Xin - em trai Bác Hồ. Bà Hà Thị Hy sinh năm Giáp Ngọ (1834). Năm 28 tuổi (1861) bà kết hôn với ông Nguyễn Sinh Nhậm, sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc. Bà Hà Thị Hy qua đời năm 1866 khi mới tròn 32 tuổi do bệnh nặng. Năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh, cháu nội của bà Hà Thị Hy) cùng với anh em dòng họ đưa hài cốt của bà nội và thân mẫu lên an nghỉ vĩnh hằng tại đây. Phía dưới có công viên Đại Huệ với cảnh quan đẹp, nhiều loại cây đặc sản của quê hương Nghệ An, và các tỉnh khác trong cả nước. Từ ngày Khu mộ bà Hoàng Thị Loan khánh thành đến nay đã có hàng triệu lượt người hành hương về đây, đặc biệt có các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các chiến sĩ và mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO