Bác Hồ với quê hương Nghệ An

Truyền thống quê hương, gia đình với sự hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phan Quý 31/05/2024 09:52

Cách đây 134 năm (19/5/1890), tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời. Người chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã làm “rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

chu-tich-ho-chi-minh.jpg

Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống nho học nguồn gốc nông dân rất coi trọng đạo đức truyền thống, học vấn và phương pháp giáo dục con cái. Các thành viên trong gia đình từ ông bà ngoại, bố mẹ, dì, cháu, anh chị em đều gắn bó, đùm bọc, yêu thương nhau, hy sinh vì nhau và rất gần gũi, thân tình, đoàn kết với bà con lối xóm.

Một gia đình không chỉ dạy con bằng lời nói mà bằng những việc làm, những tấm gương mẫu mực của cha mẹ, ông bà với con cháu, anh chị đối với em. Có thể nói gia đình chính là nhân tố đầu tiên hình thành nhân cách cao thượng, tình yêu quê hương đất nước của Bác sau này.

Thân phụ, thân mẫu, chị gái và anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Thân phụ, thân mẫu, chị gái và anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Ông ngoại Bác, một thầy giáo đức độ và giàu lòng nhân ái. Người đã cưu mang giúp đỡ, nuôi dưỡng và dạy dỗ thân sinh Bác (Nguyễn Sinh Sắc). Cụ đã dày công dạy chữ, kèm cặp và còn gửi Nguyễn Sinh Sắc đi học ở thầy Nguyễn Thức Tự ở Nghi Lộc, Nghệ An – Một thầy đồ nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ để học tập, giúp cho cậu tiếp tục phát triển hơn nữa.

Sau này mến đức, cảm tài của học trò nghèo, vượt qua lễ giáo phong kiến ngày xưa là “môn đăng hộ đối”, cụ đã gả con gái Hoàng Thị Loan cho Nguyễn Sinh Sắc. Một tấm gương sáng về lòng nhân ái, yêu thương con người vượt qua sự phân biệt giàu nghèo của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.

Cũng không phải dễ tìm thấy một tấm gương người vợ, người mẹ như bà Hoàng Thị Loan – một phụ nữ nông thôn, chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm làm ruộng, dệt vải nuôi chồng ăn học và nuôi các con khôn lớn.

Người phụ nữ vì tương lai của chồng, hạnh phúc của các con đã dũng cảm vượt ra khỏi lũy tre làng đến Kinh đô Huế, giúp chồng ăn học, chăm con. Những câu hát, lời ru ngọt ngào chứa đựng những tình cảm yêu thương của mẹ hay hình ảnh người mẹ chân đi đôi dép mo cau, đôi gánh trên vai, một bên là con, một bên là cả gia tài mang theo, vượt bao gian khổ hiểm nguy, trèo đèo lội suối không bao giờ phai mờ trong tâm trí của cậu bé Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành.

Bà ra đi ở tuổi đời 33 đầy xuân sắc, 18 năm sống bên chồng, bên con, chăm sóc, dưỡng dục, yêu thương. Những hình ảnh đẹp đẽ, cao cả và những tình cảm ấm áp, xúc động về mẹ mãi in đậm trong tâm trí của Bác.

d9381deb3ff29eacc7e3.jpg
Bên cánh võng bà Hoàng Thị Loan từng vỗ về giấc ngủ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Ảnh: Đình Tuyên

Thân sinh của Bác, ông Nguyễn Sinh Sắc mồ côi bố mẹ từ lúc lên 4 tuổi, cuộc sống tự lập, vất vả từ tấm bé. Nhờ sự cưu mang của cụ Hoàng Đường đã có vốn học vấn uyên bác về Hán học và nho giáo kết hợp với đạo lý và văn hóa truyền thống của dân tộc. Với nhân cách cao thượng, cụ sống giản dị, thanh bạch, yêu nước, thương dân, căm ghét bọn thực dân tay sai.

Dù sống ở quê nhà hay là ở Kinh đô Huế, cụ luôn dạy con với phương châm “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). Vì vậy, khi đậu Phó bảng về Làng Sen sinh sống hay những năm tháng ở Huế giữ chức “Thừa biện bộ lễ”, ông vẫn luôn giữ nếp sống dân giã, đạm bạc. Không có điều kiện mua sắm như những gia đình giàu có, cha con mua tôm cá kho mặn ăn dần.

Năm 1906, triều đình nhà Nguyễn gọi ông vào làm quan “Thừa biện bộ lễ”, tuy bề ngoài luôn giữ thái độ vui vẻ nhưng trong lòng ông vẫn bứt rứt khôn nguôi. Sống trong chốn quan trường ông chua xót nhận ra rằng “Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ càng nô lệ hơn” (tạm dịch). Có lần, thấu hiểu những ngang trái của phận làm quan, dưới một triều đại tôi đòi, ông đã viết thư gửi cho cháu mình là Nguyễn Sinh Lý chia sẻ nỗi lòng của mình lúc bấy giờ.

(Tạm dịch)

"Cuộc đời như giấc mộng lớn

Việc đời như áng mây trôi

Uy thế không đủ để dựa

Xảo hiểm là tự hại mình

Răn đấy! Răn đấy!”

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tấm gương ý chí kiên cường, vượt qua gian khổ, khó khăn. Người cha luôn chú ý giáo dục lý tưởng, đạo đức, kiến thức và bồi đắp ý chí cho con. Chắc chắn rằng nhân cách này ảnh hưởng rất sâu sắc đến suy nghĩ, đường đi, tư tưởng của cậu Nguyễn Tất Thành sau này.

c51e528b7092d1cc8883(1).jpg
Quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên

Nhân tố thứ hai là truyền thống của quê hương, sự ảnh hưởng của các sĩ phu yêu nước thuộc hệ ông cha của Nguyễn Tất Thành.

Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách, tàn phá do giặc giã, thiên tai, trong khổ đau vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường, trong đói nghèo vẫn “đói sạch, rách thơm”; là “đất phên dậu”, “đất Cối Kê”, “thành đồng ao nóng của nước”.

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hung bạo từng tung hoành vó ngựa xâm lăng suốt cả một vùng đất rộng dài từ Á sang Âu, khi đất nước ở vào tình thế nước sôi lửa bỏng, ngàn cân treo sợi tóc, Vua Trần Nhân Tông vẫn tin tưởng: Chuyện cũ Cối Kê ngươi nên nhớ, Hoan Diễn kia còn chục vạn binh (tạm dịch). Nhìn trong lịch sử dân tộc, những tên tuổi lớn như Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ – Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ… hoặc sinh ra hoặc khởi nghiệp và thành danh ở nơi này.

Khi Bác cất tiếng khóc chào đời, khói lửa của phong trào Cần Vương, bên kia sông Lam dấy lên cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn. Ở ngay núi Chung, trước nhà là giếng Cốc, nơi bọn thực dân Pháp ra lệnh tát nước để tìm vũ khí của “Chung nghĩa binh”. Khi chúng đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Vương Thúc Mậu (1886). Hình ảnh người anh hùng của quê hương, người bạn của ông ngoại hy sinh ngay tại làng để bảo toàn khí tiết đã từng gây xúc động mạnh trong lòng cậu bé Nguyễn Tất Thành.

Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên
Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên

Nguyễn Tất Thành về Làng Sen sinh sống, được lắng nghe những cuộc đàm đạo văn chương, thế sự của thân phụ Bác với các vị túc nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân đã nhen lên trong tâm khảm Bác và người chị, người anh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù lũ giặc sâu sắc.

Cuối năm 1901, Nguyễn Tất Thành được bố gửi sang học thầy cử nhân Vương Thúc Quý con trai của cụ Vương Thúc Mậu. Mang nặng thù nhà, nợ nước, thầy vừa dạy học trò vừa ngầm liên kết với những người yêu nước mưu cầu đánh Tây. Thầy tham gia đội “sỹ tử cần vương” do cụ Phan Bội Châu và Trần Văn Lương lập ra.

Tháng 7/1901, cử nhân Vương Thúc Quý tham gia đánh úp thành Nghệ An cùng với Phan Bội Châu, sự việc bại lộ, được sự giúp đỡ của Tổng đốc Nghệ An là Đào Tấn nên đã trốn thoát. Ông tham gia thành lập Hội Duy Tân, tích cực vận động quyên góp tài chính và tuyển chọn thanh niên cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu… Những bài giảng của thầy luôn gửi gắm những tâm sự yêu nước và căm thù giặc.

Tìm hiểu về nhà chí sĩ nhiệt thành Phan Bội Châu, có thể nói đã ảnh hưởng đáng kể đối với gia đình của cậu Nguyễn Tất Thành. Ông Sắc – thân sinh của Bác rất tâm đắc với cụ Phan về tấm lòng yêu nước, thương dân. Chị Thanh và anh Khiêm về sau đã có những hoạt động theo gương của cụ Phan. Còn bản thân cậu Nguyễn Tất Thành đã được nghe nhiều chuyện, thuộc nhiều thơ ca chứa chan lòng yêu nước của cụ. Có 2 câu thơ cổ của Viên Mai mà cụ Phan Bội Châu thường ngâm lúc uống rượu “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/ Lập thân tối hạ thị văn chương…”, Nghĩa là: “Mỗi bữa không quên ghi sử sách/ Lập thân hèn nhất ấy văn chương”, ý muốn khuyên các sĩ phu và lớp trẻ từ bỏ con đường thi cử lỗi thời để lo việc cứu nước. Câu thơ đã tác động nhiều đến Nguyễn Tất Thành và góp phần định hướng cho người thiếu niên sớm có hoài bão lớn, mãi sau này Người vẫn nhớ.

abb25ce773fed2a08bef.jpg
Các em học sinh xem kỷ vật của gia đình Bác Hồ tại Khu Di tích Kim Liên. Ảnh: Đình Tuyên

Sau khi đỗ Phó bảng, lấy lý do là vợ mới mất, từ chối làm quan, ông Sắc ở lại quê nhà. Ngoài việc dạy học, ông Sắc còn đi giao du rất nhiều nơi trong tỉnh và Hà Tĩnh, có khi sang tận Kiến Xương, Thái Bình. Những lần đi đó, ông vẫn thường cho cậu Nguyễn Tất Thành đi cùng.

Những nơi mà cha con đã đến trong cuộc hành trình đó: Quê hương của Bang Biện Trần Tấn, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Văn Thân (1874), Đức Thọ, Hà Tĩnh – quê hương của Lê Ninh; Hương Sơn (Hà Tĩnh) hậu cứ cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng; Võ Liệt (Thanh Chương), nơi đang sôi nổi luận bàn “Tân thư”, Diễn Châu (Nghệ An), quê một tri huyện Thanh Hóa đã treo ấn từ quan; Quỳnh Đôi (Nghệ An), nơi nổi tiếng nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao. Và xa hơn là Kiến Xương (Thái Bình) gặp gỡ nhiều bạn hữu trong đó có Nguyễn Quang Đoàn (Con trai nhà ái quốc Nguyễn Quang Bích).

Vậy tại sao ông Sắc lại cho đi giao du nhiều như vậy? Lúc đó, chưa hẳn cậu Tất Thành đã hiểu tường tận nhưng đây chính là những bài học bổ ích, quan trọng, mắt thấy tai nghe, những cuộc trải nghiệm, những hành trang… góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành sau này.

Như vậy, cái nôi quê hương giàu truyền thống bất khuất với những bản sắc riêng của xứ Nghệ đã tạo cho Nguyễn Tất Thành có lòng yêu nước thương dân, chí căm thù giặc, kích thích cao độ ý chí của Tất Thành, giúp cậu có thêm nhận thức mới, tình cảm mới, nghị lực mới, tầm nhìn mới.

Người thầy đầu tiên của Nguyễn Sinh Cung (tên khai sinh của Bác Hồ), đồng thời cũng là người cha Nguyễn Sinh Sắc, một tấm gương sáng về ý chí vượt khó vươn lên trong học vấn và người thầy mẫu mực trong dạy chữ và dạy người.

Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, vừa dạy học, vừa cùng vợ lao động nuôi các con, ông miệt mài tự học, đậu cử nhân năm 1894, lúc Bác Hồ (Nguyễn Sinh Cung) lên 4 tuổi. Năm 1895, ông đưa cả gia đình vào Kinh để tiếp tục học thi Hội, và cũng từ năm đó, vừa tự học và dạy thêm, vừa giúp vợ dệt cửi để mưu sinh, ông đã bắt đầu dạy các con học sách thánh hiền.

Mùa sen ở quê Bác. Ảnh: Đình Tuyên
Mùa sen ở quê Bác. Ảnh: Đình Tuyên

Thấy sự bất cập của sách xưa, ông đã mua thêm hai bộ “Sơ học vấn tân” và “Ấu học ngũ ngôn thi” do người Nam soạn cho dân Nam học để rèn cặp các con. Nguyễn Sinh Cung học đâu nhớ đấy, còn luôn luôn luận ra nhiều chuyện, đối chiếu với những điều mắt thấy tai nghe trái với đạo lý ở đất kinh kỳ mà hỏi cha, được cha trả lời và giảng giải cặn kẽ. Hằng ngày cậu dậy sớm quét dọn nhà cửa rồi ôn bài, sáng chiều giúp mẹ lao động, tối còn tập đọc, tập viết tới khuya.

Những bài học mà cha dạy là những bài học thực tế, những trải nghiệm quý giá góp phần định hình con đường đi của cậu Nguyễn Tất Thành sau này.

Từ năm 1901, người thầy thứ hai của Nguyễn Sinh Cung là cử nhân Vương Thúc Quý, dạy cậu những năm cậu trở lại Làng Sen. Thầy không dạy theo lối sách vở, tầm chương, trích cú, mà mượn những đoạn văn tích cực để dạy cho học trò về đạo lý làm người, biết sống ích nước lợi dân, ca ngợi nghĩa khí của các bậc anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn và nguyền rủa quân thù cướp nước.

Để nung nấu lòng yêu nước và căm thù giặc cho học trò, hằng ngày thầy thường xuyên thắp đèn, đốt hương trên bàn thờ cha trước lúc giảng bài. Có lần khi thắp đèn, thầy sơ ý để đổ dầu trên bàn thờ. Nhân việc này, thầy ra một vế đối để muốn học trò tỏ rõ cảm thụ của mình. Vế câu đối đó là: “Thắp đèn lên, dầu vương ra đế”. Một trò đã nhạy cảm đối ngay: “Đốt hương rồi, gió quạt tàn bay”. Các bạn khen vế đối hay. Riêng Nguyễn Sinh Cung cũng làm một vế đối có nội dung cảm thụ sâu xa như gợi ý của thầy: “Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường”, vừa có nghĩa là thẳng tiến lên đường, tỏ rõ chí nguyện của mình, mà vừa có nghĩa nhà Tấn lập ngôi vua, nhà Đường lập ngôi đế. Thầy Quý nhớ mãi vế đối này và lúc tiễn cha con ông Phó bảng lên đường vào Huế lần thứ hai, thầy đã nhắc lại và chúc trò “lên đường thẳng tiến”, vững tin ở tương lai của cậu.

Có những bậc thầy khác tuy không trực tiếp dạy Nguyễn Sinh Cung nhưng đã ảnh hưởng và tác động đến lòng yêu nước và con đường cứu nước của cậu sau này. Đó là nhiều nhà khoa bảng yêu nước có quan hệ với cha mình. Trước hết là các vị trong “Tứ hổ Nam Đàn”, không kể thầy Quý trong đó là người đã dạy cậu, “tứ hổ” đã ghi trong giai thoại của xứ Nghệ là:

(Tạm dịch)

Hiểu biết rộng không ai bằng Phan Văn San;

Tài hoa không ai bằng Vương Thúc Quý;

Nhớ lâu không ai bằng Trần Văn Lương;

Thông minh không ai bằng Nguyễn Sinh Sắc.

Ông Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương) Phan Văn San tức Phan Bội Châu được coi là thần thơ, thường đàm đạo với ông Sắc. Cậu Cung đứng hầu trà, rất mê những lời thơ sục sôi tinh thần ái quốc của ông. Điều làm cho cả cha con Nguyễn Sinh Sắc suy nghĩ đến tâm đắc là nhiều lần bàn về việc học, Tiến sĩ Nguyễn Quý Song thường nói: “Bây giờ chúng mình muốn đánh được Tây thì phải hiểu người Tây, nên phải học tiếng Tây”.

Những sự chỉ vẽ của thầy học và các bậc cha, chú về truyền thống chống giặc giữ nước của dân tộc không đủ thỏa mãn nhiều điều mà cậu muốn biết, cậu tìm đọc các sách sử mà ông Phan Bội Châu giới thiệu và còn rủ bạn xuống thành phố Vinh tìm mua “Nam sử”, tức là sách viết về lịch sử nước ta...

Với tư tưởng tiến bộ và chán ghét chốn quan trường, năm 1905, cụ Sắc cho hai người con trai của mình - là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống Vinh học Trường Tiểu học Pháp - bản xứ. Đây là một quyết định được cho là khác người của cụ, bởi vào trường này là phải học chữ Pháp, trong khi cụ theo đuổi nền giáo dục truyền thống theo lối nho học (cụ đỗ Phó bảng năm 1901). Trong số các sĩ phu yêu nước thời đó, họ ghét Pháp thì ghét luôn cả thành tựu văn hóa của nó, không muốn cho con cái theo học chữ Tây, chữ Quốc ngữ.

Có thể nói, quyết định trên của cụ Nguyễn Sinh Sắc một phần từ sự chán ghét chốn quan trường, chán ghét sự giả dối, đồi trụy của những ông quan triều đình Huế. Chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với văn hóa phương Tây và lần đầu tiên biết đến khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Sau này Người nhắc lại: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái … Và thế là, tôi rất muốn quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Rung động, trăn trở với 3 từ Pháp “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Nguyễn Tất Thành càng muốn đi sâu tìm hiểu nguồn gốc phát sinh và ý nghĩa sâu xa của nó.

Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

Không phải vì căm hận những hành động của Pháp ở Việt Nam mà phủ nhận nền văn minh thực sự của nước Pháp, cậu đã say mê tìm hiểu toàn diện cuộc cách mạng tư sản Pháp, nhà triết học Pháp của thế kỷ ánh sáng như Voltaire, Montesquieu, Rousseau… tiếp cận với đỉnh cao của văn hóa nhân loại, tri thức của Nguyễn Tất Thành càng dồi dào phong phú.

Có thể nói, nằm ngoài ý muốn của thực dân Pháp là mở trường học đào tạo lực lượng tay sai cho mình, Nguyễn Tất Thành đã có cơ hội được nâng cao nhận thức, trí tuệ, góp phần nâng cao tư tưởng yêu nước của Người sau này.

Như vậy, những truyền thống đáng tự hào của quê hương, những tình cảm sâu sắc của gia đình cũng như những tư tưởng yêu nước của các thầy giáo thời niên thiếu của Bác là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng những phẩm chất cao đẹp, những tư tưởng, hoài bão lớn lao của Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành để trở thành Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Truyền thống quê hương, gia đình với sự hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO