Khủng hoảng niềm tin
(Baonghean) - Việc phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - thuộc Công an Thành phố Hà Nội khám phá ra một công ty chuyên kinh doanh phần mềm giúp người sử dụng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật - tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát đã vô tình làm phát lộ ra một mảng tối trong cuộc sống thời hiện tại. Đó là con người ta bây giờ sống cận kề bên nhau hằng ngày nhưng lại rất ít tin tưởng vào nhau.
Một thiết bị nghe lén bán trên thị trường. Ảnh: TNO |
Sở dĩ nói vậy là vì, khi kiểm tra hoạt động của công ty nói trên, lực lượng chức năng đã phát hiện có hơn 14 nghìn thuê bao điện thoại đã bị cài đặt phầm mềm nghe lén nói trên để theo dõi sát sao mọi “lời ăn tiếng nói” và các mối quan hệ của chủ thuê bao. Dĩ nhiên, công ty đó không làm việc này một cách chủ động, tự nguyện và miễn phí mà đều được người khác thuê mướn, được trả tiền để thực hiện hành vi theo dõi bất hợp pháp này. Nghe nói chi phí thuê mướn dịch vụ này đã lên con số hàng tỷ đồng. Đối tượng bỏ tiền ra thuê mướn dịch vụ xem lén, nghe trộm này vô cùng phong phú. Họ có thể là bất cứ ai thuộc về bất cứ một giai tầng nào trong xã hội. Hễ có nhu cầu theo dõi, giám sát một ai đó là bỏ tiền ra thuê ngay. Nhưng có một điểm chung hết sức đau đớn là người theo dõi và người bị theo dõi đều là những người thân quen với nhau. Thậm chí là rất thân quen, sống trong cùng một nhà, ngủ trên cũng một giường. Đó là các cặp vợ chồng, tuy vẫn hằng ngày chung mâm, chung bát nhưng đã hết hoặc thiếu tin tưởng vào nhau. Nên thuê cài “phần mềm gián điệp” đó vào điện thoại để theo dõi nhau. Khi thì là chồng theo dõi vợ. Khi thì là vợ theo dõi chồng. Vậy là hạnh phúc gia đình không còn phụ thuộc vào nhịp đập của trái tim nữa mà phụ thuộc hoàn toàn và các thông số, các dữ liệu thu được từ điện thoại của nhau. Đó là các bậc làm cha, làm mẹ sử dụng phần mềm này để theo dõi, giám sát và quản lý con cái. Họ làm vậy không chỉ là không tin tưởng vào con mình, vào hiệu quả sự giáo dục, dạy dỗ của chính mình mà cái chính là họ không còn tin tưởng tuyệt đối vào nhà trường, xã hội và rộng ra là con người nói chung nên phải để mắt, phải canh chừng để chúng không sa vào cạm bẫy mà người đời luôn giăng sẵn. Cho dù cạm bẫy đó, phần lớn là trong tưởng tượng của các bậc phụ huynh. Và đối tượng bị cài đặt nghe lén nhiều nhất là các đối tác có quan hệ làm ăn với nhau. Nghe trộm để biết người ta nghĩ gì, đang làm gì và sẽ làm gì, tốt hay là xấu với mình để mà có sự chuẩn bị, phòng bị. Và khi cần sẽ “ra đòn” trả đũa một cách chính xác, hiệu quả cao. Thậm chí là nghe trộm để moi thông tin, triệt hạ nhau, phá nhau trong làm ăn để gom lợi về mình… Và còn vô số lý do khác để cài phần mềm theo dõi thu thập thông tin cá nhân của nhau… Con số hơn 14 nghìn thuê bao điện thoại di động bị nghe lén (đây là chỉ mới ở một công ty bị lộ) cho thấy nhu cầu này là rất lớn. Và cũng cho thấy người ta ngày càng không tin tưởng vào nhau nữa. Thật khó mà diễn tả hết cảm xúc của những người bỗng dưng phát hiện ra mình bị người thân, bạn bè, đối tác bí mật theo dõi, giám sát. Không rõ lúc đó chuyện gì sẽ xảy ra.
Tóm lại, nói gì thì nói, việc sử dụng công nghệ cao để theo dõi, nghe lén nhau vì bất kỳ mục đích gì cũng đều là biểu hiện sự xuống cấp của văn hóa ứng xử, là sự xuống cấp của giá trị sống. Là một minh chứng con người ta ngày càng thiếu niềm tin vào nhau, thiếu sự tôn trọng đời tư của nhau. Chưa kể một số đối tượng xấu dùng những thông tin thu lượm được vào nhưng mục đích xấu khác. Có lẽ là sau sự việc này, người ta sẽ cẩn thận, e dè hơn trong giao tiếp với nhau và sẽ cảnh giác với nhau hơn. Nhưng cứ phải sống mãi với nhau trong ngờ vực thì sẽ mệt mỏi vô cùng. Và lâu dần sẽ rơi vào khủng hoảng. Đó chính là khủng hoảng niềm tin.
Duy Hương