Khuyến khích và bảo vệ cán bộ '6 dám'

Tiến Anh 03/06/2021 08:46

Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám”. Đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu.

Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy nhiều nơi vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, tính năng động sáng tạo còn hạn chế.

Các nhóm giải pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được nêu trong Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII có nhấn mạnh về giải pháp Đảng khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám”. Đó là dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu. Đây là một điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho cán bộ có những đổi mới, sáng tạo, đột phá, quyết liệt hành động vì lợi ích chung. Vấn đề là làm gì để thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế cuộc sống?

GS.TS Phùng Hữu Phú (Ảnh: Thi Uyên)
GS.TS Phùng Hữu Phú. Ảnh: Thi Uyên
Cơ chế, chính sách luôn đi sau thực tiễn

Nhiều chuyên gia nhận định, Văn kiện và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu vấn đề về cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung là một nội dung rất mới và là điểm nhấn của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định, đề xuất phải có cơ chế để cán bộ “6 dám” là những điểm rất mới. Cơ chế chính sách của ta thường lạc hậu hơn so với sự phát triển của thực tiễn, có những vấn đề thực tiễn đã xuất hiện rồi nhưng cơ chế chính sách vẫn chưa tương xứng. Cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu, muốn làm để giải quyết những yêu cầu mới thì lại vướng cơ chế chính sách. Cho nên, một cách chắc chắn nhất là không làm, thì sẽ không mắc khuyết điểm.

“Do đó lần này phải nhận ra được hạn chế đó, khắc phục nó để cán bộ dám làm, dám nghĩ, dám đổi mới sáng tạo”, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Ông Đỗ Đức Duy. Ảnh: PV/VOV-Tây Bắc

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa vấn đề có cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chung về sự phát triển của địa phương và đất nước, sẽ làm cho những cán bộ thực sự vì Đảng, vì dân, tự tin và vững tâm khi giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra một cách hiệu quả, nhanh chóng nhất.

“Với chủ trương này của Trung ương Đảng, lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước”, ông Đỗ Đức Duy nói.

Đề cao cơ chế chịu trách nhiệm của cá nhân

Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp trong bộ máy nhiều nơi vẫn còn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại, không dám quyết, không dám làm, tính năng động sáng tạo còn hạn chế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã mở lối và tạo động lực cho đội ngũ cán bộ có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển. Song để những điểm nhấn phù hợp ý Đảng, lòng dân này vào cuộc sống, cần làm rõ những nội dung, các việc cần làm để bảo vệ đầy đủ với cán bộ “6 dám”, trong đó làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể để tránh tình trạng “ẩn nấp” vào tập thể cho an toàn.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, đây là cam kết của Đảng trong bảo vệ, khuyến khích cán bộ. Điều đó cũng hàm nghĩa Đảng thừa nhận thực tế những người dám nghĩ, dám làm, thực sự đổi mới sáng tạo chưa được bảo vệ tốt.

Vì thế, theo ông Trần Đình Thiên, khi triển khai nghị quyết, cần làm rõ, mổ xẻ, vì sao trước đây những cán bộ dám nghĩ dám làm chưa được bảo vệ đầy đủ vì điều gì. Bây giờ muốn bảo vệ đầy đủ cần phải làm như thế nào, trách nhiệm tập thể, cá nhân tách bạch ra sao. Nếu không người ta sẽ “ẩn nấp” sau trách nhiệm tập thể để người ta không làm gì, không chịu trách nhiệm, cũng không muốn hành động. Khi đó, những ai có nhiệt huyết đổi mới lại đụng chạm tới lợi ích của những người “mũ ni che tai”, cứ ăn vào tập thể cho an toàn. Phải làm sao cơ chế chịu trách nhiệm của cá nhân cần được đề cao hơn nữa, đảng viên phải chịu trách nhiệm cá nhân.

Ông Đỗ Trọng Hưng (Ảnh: Ngọc Thành)
Ông Đỗ Trọng Hưng. Ảnh: Ngọc Thành

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, để Nghị quyết Đại hội XIII đi vào cuộc sống, trước hết các cơ quan trung ương cẩn khẩn trương xây dựng, ban hành quy chế rõ ràng, đánh giá thực chất thế nào là cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với thử thách; đưa ra các quy định đề phòng cán bộ dám làm nhưng làm trái chủ trương, vì mục đích cá nhân nào đó.

“Chúng ta phải có cơ chế bảo vệ cán bộ và Trung ương cần có quy chế về vấn đề này. Đương nhiên việc này cần đánh giá cho sát cán bộ nào dám nghĩ, dám nói, dám làm vì cái chung, lợi ích chung thì cần bảo vệ. Anh dám làm nhưng lại làm trái, làm sai, như vậy là đi ngược lại với điều lệ, quy định, là không được”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trong các văn kiện Đại hội XIII khẳng định tiếp tục xây dựng thực hiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong tiến trình đổi mới khó tránh khỏi những bất cập của cơ chế chính sách, vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời sẽ có những quy định rất cụ thể, rất thiết thực để bảo vệ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, vì nước, vì dân. Nhưng mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực sự đổi mới tư duy, thực sự tâm huyết vì sự phát triển chung và bản lĩnh để tạo ra những đột phá có thể phá rào khi thực tiễn đòi hỏi./.

Theo vov.vn
Copy Link
Khuyến khích và bảo vệ cán bộ '6 dám'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO