Kĩ sư xây dựng bỏ nghề vào rừng nuôi cá lạ

THANHNIEN 11/07/2021 08:29

Một trung niên từng theo học ngành xây dựng nhưng lại mê... nuôi cá và thành công với loài cá lạ tại Quảng Trị, bằng một mô hình “khép kín” và tư duy bén nhạy.

“Nhà hàng nổi” nằm bên cạnh lồng cá của anh Tý

Ảnh: Nguyễn Phúc

Trầy trật với đam mê

Ở hồ nhân tạo nằm giữa bốn bề rừng keo lai mang tên Đá Lã (thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy, H. Cam Lộ, Quảng Trị), ông chủ 37 tuổi Trần Viết Tý đang quản lý “cơ ngơi” gồm hệ thống lồng bè nuôi cá và “nhà hàng nổi” nho nhỏ. Ít ai biết anh có một quá khứ “trầy trật” khi đeo đuổi niềm đam mê nuôi cá, khiến đời anh nhiều lần rẽ ngang. Anh tự mình tìm hiểu, học hỏi cách nuôi cá thương phẩm thông qua bạn bè, internet… “Tôi tốt nghiệp trường Trung cấp xây dựng và cũng có thời lang bạt kỳ hồ làm nghề ở TP.HCM những 10 năm. Nhưng làm được bao nhiêu tôi lại “tuồn” về quê để nuôi cá trong ao nhà mình”, anh kể. "Nuôi cá cũng như nhiều công việc nhà nông khác, cần sự kiên trì và dám nghĩ khác đi. Tôi đã nghĩ khác nên mới có được chút thành quả như hôm nay".

Nhưng cứ “một cảnh hai quê” chẳng ăn thua, năm 2015 anh rời TP.HCM về lại Quảng Trị. Khi phát hiện ra hồ Đá Lã, anh liền nắm bắt cơ hội mới. Năm đó, anh cùng người chú bỏ ra hơn 600 triệu đồng thuê lại hồ này để khởi nghiệp. Ban đầu, khi chưa định hình được gì nhiều, anh nuôi đủ loại cá, thả tự nhiên. Tuy nhiên, năm 2016, một trận lũ lớn đã khiến gần như toàn bộ cá thả nuôi sổng hết ra ngoài. Khi nước rút, đứng trên mép hồ nhìn xuống, anh chỉ thấy dưới chân mình là... bùn và trắng tay.

Kĩ sư xây dựng thành công nhờ bỏ nghề vào rừng nuôi cá lạ - ảnh 1

Nhưng không để niềm đam mê lụi tàn, Trần Viết Tý một lần nữa gượng dậy. Nhận thấy việc nuôi cá tự nhiên trong hồ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là địa bàn Quảng Trị năm nào cũng xảy ra mưa bão, anh đi nhiều tỉnh, thành phía Bắc học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng.

Chủ trại “kiêm” chủ nhà hàng

Anh Tý kể, khi đang “đau đầu” suy nghĩ nên nuôi loại cá nào phù hợp với lồng bè ở Đá Lã, thì may mắn có một chủ trại cá ở Hải Dương gợi ý về giống cá chép giòn. “Lâu nay tôi chỉ biết đến cá chép, chứ cá chép giòn thì chưa. Thấy cũng tò mò...”, anh Tý nhớ lại.

Trầy trật ở vụ đầu, nhưng không lâu sau đó, bằng sự kiên trì anh đã “chinh phục” được loài cá chép giòn, xuất bán đi nhiều nơi. “Dù xuất bán ở một số thị trường ngoại tỉnh, nhưng tôi nhận ra người dân quê mình lại ít biết đến loại cá thơm ngon, lạ lùng này”, anh Tý kể. Vậy là, kể từ tháng 3/2020, anh lại rẽ ngang lần nữa, kiêm luôn vai trò ông chủ nhà hàng có món con cá chép giòn. Được địa phương đồng ý, anh đầu tư 200 triệu đồng để dựng nhà hàng nổi ngay trên hồ Đá Lã. Với địa thế hồ, núi, cây xanh xung quanh mát mẻ, thanh bình của hồ Đá Lã, nhà hàng nổi của anh Tý dần trở thành địa điểm yêu thích cho nhiều thực khách.

Bây giờ, khi đến với hồ Đá Lã, khách đừng ngạc nhiên khi thấy anh Tý lúc thì đang đứng trên lồng bắt cá, lúc lại đang mướt mồ hôi chế biến thức ăn trong bếp. Đơn hàng của nhiều nhà hàng, quán ăn ở H.Cam Lộ, TP. Đông Hà cũng dẫn “bay” tới lồng bè của anh để đặt mua loại cá thơm giòn.

Sau cá chép giòn, anh Tý tiết lộ đang manh nha những “cuộc phiêu lưu” mới với cá chuỗi ngọc giòn, cá diêu hồng giòn... Những giống cá này, anh nuôi lồng và cũng cho chúng ăn đậu tằm để có những thớ thịt giòn rụm. “Nuôi cá cũng như nhiều công việc nhà nông khác, cần sự kiên trì và dám nghĩ khác đi. Tôi đã nghĩ khác nên mới có được chút thành quả như hôm nay và không hoài công cả chục năm theo đuổi đam mê với cá”, anh Tý đúc kết.

Cá chép giòn là loài cá chép thường nhưng được nuôi 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 nuôi ở chế độ bình thường, sang giai đoạn 2 là giai đoạn chăm sóc cá thương phẩm (5 - 6 tháng). Thời gian này, cho cá ăn hạt đậu tằm, khi đạt đến trọng lượng 1,2 - 1,5kg/con thì xuất bán. Theo đánh giá, đậu tằm là yếu tố quyết định thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên cá chắc giòn. Thịt dai, giòn, ít mỡ, thơm ngon… nên cá chép giòn có giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần cá chép thường, giá khoảng 200.000 đồng/kg.

Mới nhất
x
Kĩ sư xây dựng bỏ nghề vào rừng nuôi cá lạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO