Kích cầu bằng sự tôn trọng

09/07/2014 15:49

(Baonghean) - Kỷ niệm 54 năm ngày truyền thống, Ngành Du lịch Việt Nam phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”.

Thật ra, vấn đề này đã được ngành du lịch nước nhà đề cập đến từ khá lâu rồi, nhưng do nhiều lý do, đặc biệt là tâm lý vọng ngoại đã khiến cho mảng du lịch nội địa không được quan tâm phát triển đúng mức. Dẫn đến, cả một khoảng thời gian khá dài, người Việt đổ xô đi du lịch ra nước ngoài theo các tua từ giá rẻ, giá vừa đến giá cao. Cho tới khi kinh tế trong nước và thế giới lâm vào khủng hoảng, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam giảm mạnh thì chúng ta mới ngoảnh đầu nhìn vào lượng khách nội địa. Tuy nhiên, cách nhìn vẫn mang tính chất tạm thời, coi việc thu hút khách du lịch nội địa như là một giải pháp tình thế để vượt qua khó khăn trước mắt. Kiểu dùng khoai thay cơm mùa giáp hạt mà chưa coi đó là một thị trường khách hàng đầy tiềm năng.

Vì thế, để kích thích nhu cầu của người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Việc cần làm đầu tiên là phải coi đây là nguồn khách hàng chính đầy tiềm năng để lên kế hoạch khai thác có hiệu quả cao. Từ đó, tạo ra cái nhìn khác về khách du lịch nội địa để có cách cư xử phù hợp. Sở dĩ nói vậy là vì, có một thực tế là ở không ít khu du lịch, nhất là những địa điểm du lịch nổi tiếng, có nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan, người ta có tâm lý vì nể, coi trọng những du khách “mũi lõ, tóc vàng” hay “da trắng, tóc đen, mắt một mí” giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ cử chỉ hơn người ta nói tiếng ta. Cho dù họ sử dụng các dịch vụ với giá cả ngang bằng nhau. Cách hành xử đó khiến cho không ít du khách Việt, nhất là những người có tiền bị tổn thương.

Để thỏa mãn lòng tự trọng, họ tìm ra nước ngoài. Và ở đó, với số tiền đó, thậm chí là ít hơn họ vẫn được phục vụ như những ông hoàng. Vì thế, để kích cầu du khách nội địa các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch cần thay đổi lối ứng xử, cư xử bằng cách trả lại vị trí “thượng đế” cho khách nội. Sự tôn trọng, đôi khi còn có tác dụng thu hút, lôi cuốn hơn cả những tiện nghi, dịch vụ hoàn hảo nhưng thiếu vắng tình người và tính nhân văn. Mặt khác, cần phải thấy một thực tế với khách du lịch nội địa, lượng người giàu có và “tiêu tiền như Tây” là không nhiều. Vì thế, muốn người Việt Nam đi du lịch Việt Nam ngày càng nhiều hơn thì giá cả phải phù hợp với thu nhập và mức tiêu dùng của phần đông người Việt. Đây chính là yếu tố cơ bản, quan trọng và có tính chất quyết định tới sự thành bại của chiến dịch kích cầu du khách nội. Bởi có một chân lý đơn giản là cảnh có đẹp đến mấy, dịch vụ hoàn hảo bao nhiêu, thái độ đón tiếp, phục vụ ân cần, chu đáo như thế nào đi chăng nữa mà giá vượt quá sức nặng của túi tiền thì người ta cũng không thèm màng tới. Cho nên, cần phải có chiến lược kích cầu bằng giá cả phải chăng thì mới thu hút được khách du lịch nội địa. Và muốn giảm giá thành xuống mức hợp lý thì các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch cần phải liên kết chặt chẽ với nhau trong tất cả các khâu từ vận chuyển tới phục vụ ăn nghỉ, mua sắm, tham quan vui chơi, giải trí…để chia sẻ lợi ích theo mô hình chuỗi giá trị, giảm đến mức tối đa (hoặc triệt tiêu) những hình ảnh “phản tiếp thị” như nói thách, nâng giá, chèo kéo, bảo kê…

Điểm khác biệt so với khách du lịch nước ngoài là khách du lịch nội địa không chỉ đi tham quan, vãn cảnh hay khám phá cái mới, cái lạ mà còn rất quan tâm, thích thú với vấn đề tâm linh. Có thể thấy rất rõ điều này qua việc trong các tháng đầu năm mới âm lịch, khi cả nước rộ lên các lễ hội, lượng người đi du lịch theo xu hướng này tăng lên rất cao. Do đó, để tăng cao nhu cầu du lịch nội địa, các địa phương và ngành du lịch trong cả nước cần chú trọng khai thác mảng du lịch tâm linh thông qua việc tổ chức thật tốt các lễ hội đặc sắc liên quan đến tín ngưỡng, lịch sử và văn hóa vùng miền cùng các dịch vụ liên quan được nâng cao. Mặt khác, nâng cao chất lượng các lễ hội và dịch vụ (trong đó có đào tạo lại hoặc bồi dưỡng kỹ năng cho nguồn nhân lực hiện có) cũng là cách chuẩn bị cho phát triển du lịch theo hướng lâu dài. Dĩ nhiên, để kích thích nhu cầu du lịch nội địa của người Việt Nam cần phải có thêm nhiều giải pháp đồng bộ khác nữa. Nhưng các vấn đề nêu trên có thể coi là cái sườn chính cho những việc cần làm trước mắt để thu hút khách du lịch nội địa.

Tóm lại, để du khách nội địa không chỉ là làm nguồn nuôi dưỡng ngành du lịch qua những thời điểm khó khăn mà còn là nền tảng, chỗ dựa để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thì điểm mấu chốt là phải thỏa mãn được các tiêu chí nói trên. Đặc biệt là phải làm sao cho các con dân nước Việt khi “ngao du sơn thủy” trên đất nước mình cảm thấy được tôn trọng hết mực, được phục vụ hết lòng với một mức giá phù hợp với thu nhập của họ.

Duy Hương

Mới nhất
x
Kích cầu bằng sự tôn trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO