Kiểm soát đo lường trong kinh doanh xăng dầu: Cần giải pháp đủ mạnh
(Baonghean) - Sự kiện các cơ quan chức năng ở Nghệ An phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận tinh vi về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, một lần nữa báo động về những vấn đề đáng lo ngại trong lĩnh vực này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Báo động hành vi gian lận
Ngược thời gian vào năm 2008, Nghệ An là địa phương đầu tiên trên cả nước phát hiện ra thủ đoạn lắp thêm mạch đo lường phụ tại các phương tiện đo nhằm điều chỉnh sai số - thủ đoạn được coi là tinh vi nhất trong các kiểu gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu thời bấy giờ. Bảng mạch điện tử đo lường phụ được chế tạo riêng, kích thước nhỏ, có thể giấu kín trong các khe hở CPU của cột đo nhiên liệu. Bảng mạch điện tử đo lường phụ có 1 IC chương trình hoạt động như một bộ não độc lập khi được kích hoạt. Mạch đo lường phụ được các cơ sở vi phạm lắp song song với mạch đo lường chính, sử dụng công tắc chuyển mạch hoạt động và không hoạt động (lắp tại thân máy, chôn dưới đất, lắp đặt trong nhà....) để điều chỉnh sai số phương tiện đo có lợi cho người bán. Ở hình thức gian lận này, người bán hàng có thể tự điều chỉnh sai số bán bằng chức năng sẵn có trên mạch đo lường phụ (thông qua hệ thống chốt gạt), theo mong muốn của người bán hàng, sai số có thể từ +1% đến +8%. Mặc dù đây là một hành vi gian lận tinh vi, nhưng mạch đo lường phụ cùng với hệ thống công tắc chuyển mạch là những “chi tiết thừa” sẽ tố cáo hành vi gian lận của các cơ sở với các đoàn thanh tra. Nói rõ hơn, bằng mắt thường, cán bộ thanh, kiểm tra sẽ phát hiện ra được hành vi gian lận này.
Cây xăng bị lực lượng chức năng phát hiện gian lận trong kinh doanh. Ảnh Đ.C |
Trong quá trình kiểm định phương tiện đo và thanh tra đầu năm 2014, một số cơ sở kinh doanh xăng dầu có biểu hiện bất thường như: ngắt nguồn điện, ấn vào bàn phím khi không thực hiện bán hàng, bố trí nhiều công tắc nguồn điện ở các vị trí khác nhau, có thái độ bình thản khi phương tiện đo của mình có sai số âm (là sai số mà bên bán sẽ bị thiệt)… đã được báo về Thanh tra sở KH-CN. Sau khi xác định có thể đây lại là một thủ đoạn gian lận mới, một mặt Thanh tra sở quán triệt cán bộ kiểm định và các đoàn thanh tra không được tỏ thái độ nghi ngờ, tránh trường hợp “dứt dây động rừng”. Mặt khác, ghi lại danh tính các cơ sở có biểu hiện bất thường đó, bao gồm cả việc vẽ lại sơ đồ bố trí công tắc mạch điện, số lượng nhân viên thường trực có mặt tại cửa hàng; số lượng, kiểu loại phương tiện đo, địa thế cửa hàng… nhằm chủ động lên phương án bắt quả tang hành vi gian lận. Trên cơ sở đó, Thanh tra Sở báo cáo, trình bày phương án chi tiết lên Giám đốc sở. Phương án chi tiết được sự ủng hộ, khuyến khích của lãnh đạo sở…
Đến ngày 15/10/2014, qua thanh tra đối 22 cơ sở, đoàn công tác liên ngành đã phát hiện và xử lý nghiêm minh các cơ sở vi phạm (Báo Nghệ An đã đăng tải thông tin này). Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn trong quá trình thanh tra, Giám đốc sở đã trực tiếp báo cáo sự việc lên lãnh đạo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời gửi Công văn số 1262/CV-KHCN-Ttra ngày 21/10/2014 đề nghị Công an tỉnh cử cán bộ có trình độ, nghiệp vụ giúp đỡ đoàn thanh tra trong quá trình công tác. Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Quản lý trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành lập Chuyên án 114C đấu tranh làm rõ các hành vi gian lận trên.
Tính đến ngày 25/11/2014, qua thanh tra 51 cơ sở kinh doanh xăng dầu, đoàn đã phát hiện và tiến hành xử lý 23 cơ sở vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 1.395.185.000 đồng. Thủ đoạn lắp đặt IC chương trình giả bị phát hiện trong đợt thanh tra năm nay rất tinh vi, có trình độ công nghệ cao, nếu bằng mắt thường rất khó để phân biệt với IC chương trình thật. Công an tỉnh cũng đã tiến hành bắt giữ 4 đối tượng bán IC chương trình giả cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An (trong đó có 1 đối tượng ở Hà Nội), thu giữ hơn 200 IC chương trình, 2 thiết bị nạp chương trình…, đồng thời có kế hoạch điều tra mở rộng vụ án.
Giải pháp kiểm soát sau thanh tra
Trước tình hình vi phạm như trên, cho thấy cần phải có những giải pháp ngăn ngừa và xử lý đồng bộ, đủ mạnh. Trước hết cần phải tuyên truyền giáo dục sâu rộng hơn cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng và các nội dung khác về kinh doanh xăng dầu. Công khai hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng danh tính các cơ sở có hành vi gian lận về đo lường, để người tiêu dùng biết. Trên cơ sở đó hình thành một mạng lưới giám sát rộng rãi của nhân dân đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu. Có thể nói sự tẩy chay, hoặc dè dặt, cảnh giác của người tiêu dùng mới chính là hình phạt có tính răn đe cao nhất đối với các cơ sở vi phạm. Kết quả của cuộc thanh tra, cùng với hiện trạng kinh doanh của các cơ sở cũng phải được thông báo cho chính quyền địa phương cấp huyện và xã, phường biết, để góp phần tăng cường quản lý nhà nước trên địa bàn. Đồng thời, danh sách và thủ đoạn vi phạm của các cơ sở bán lẻ cũng phải cung cấp cho các tổng đại lý xăng dầu trên địa bàn, để các tổng đại lý có biện pháp xử lý các cơ sở này theo hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết, như phạt, cắt hợp đồng...
IC chương trình giả được lắp đặt trong bo mạch cột đo xăng dầu. Ảnh: M.H |
Đối với những cơ sở tái phạm thì phải xử lý nghiêm khắc hơn như: tịch thu phương tiện đo, đình chỉ kinh doanh, thậm chí truy tố trước pháp luật. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng như Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường, UBND cấp huyện cũng phải tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện các biện pháp nghiệp vụ, để phát hiện kịp thời và xử lý chính xác các hành vi vi phạm.
Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang triển khai các giải pháp nhằm xóa bỏ tận gốc hành vi gian lận mới này. Đó là: Phối hợp với các hãng sản xuất phương tiện đo kiểm tra đồng loạt tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, xác định chính xác IC chương trình thật, giả để triển khai dán tem niêm phong IC chương trình; phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin để xây dựng phần mềm đọc được chương trình cài đặt trong IC, nhằm chủ động phát hiện được IC giả mà không cần phải có sự trợ giúp của các hãng sản xuất. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã có kế hoạch phối hợp với Cục Thuế Nghệ An trong quản lý đồng hồ (công tơ) tổng trên từng phương tiện đo xăng dầu nhằm triệt tiêu hành vi trốn lậu thuế.
Việc Nghệ An phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm tinh vi như vậy không đồng nghĩa với sự quản lý kém, hay có nhiều vi phạm hơn các tỉnh khác. Gian lận đo lường về xăng dầu là hiện tượng phổ biến cả nước nhưng Nghệ An là tỉnh sâu sát, phát hiện sớm các kiểu gian lận để thanh tra, xử lý nghiêm túc. Phát hiện và xử lý được kiểu gian lận mới này là điều không đơn giản, cho thấy quan điểm cũng như phương pháp hợp lý nhằm đấu tranh ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là sự thể hiện bản lĩnh của thành viên đoàn thanh tra: không bị cám dỗ trước sự mua chuộc, không mềm yếu, run sợ trước mọi hình thức đe dọa…
Xăng dầu càng biến động về giá cả, các thủ đoạn kinh doanh gian lận nhằm kiếm lợi bất chính sẽ càng tinh vi và phổ biến. Các thủ đoạn đó thường xuất hiện cùng với các phương tiện và thiết bị đo lường mới. Tuy nhiên, nếu thường xuyên cảnh giác, thực hiện đúng các quy định về kiểm định và kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, các cơ quan chức năng, tạo ra được áp lực xã hội rộng rãi mạnh mẽ của nhân dân và các phương tiện truyền thông, thì chắc chắn sẽ ngăn ngừa, hạn chế được vi phạm, lập lại kỷ cương và môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Nguyễn Mạnh Hà