Kiểm soát việc khai thác ồ ạt cây cu li
(Baonghean) - Cây cu li còn có các tên gọi khác là cù liền, cù lần, cây long khỉ, là tên gọi dân gian của cây kim mao cẩu tích. Đây là một loài thuốc quý đã được sử dụng rộng rãi trong Đông y. Hiện nay, ở Tương Dương đang rộ lên tình trạng khai thác ồ ạt loài cây này.
Người dân sơ chế cu li trước khi bán cho thương lái. |
Những ngày qua, dọc tuyến đường đèo từ Thủy điện Bản Vẽ vào xã Yên Na, huyện Tương Dương có rất nhiều người dân tập kết cây cu li để chờ thương lái vào thu mua. Cu li được chất thành đống với đủ loại kích thước, hình thù khác nhau. Khu vực tập kết cu li sôi động với tiếng cười nói, gọi nhau í ới của các gia đình đang tìm cách vận chuyển cu li từ đỉnh núi xuống, tiếng dao chặt, rồi thương lái đến thu mua…
Người dân cho biết trước đây cây cu li mọc rất nhiều nhưng đang dần khan hiếm |
Anh Nguyễn Văn Tới, bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa cho biết, trước đây, cây cu li mọc rất nhiều trên núi Vẽ, quanh các con khe ẩm thấp. Nhưng, mấy năm gần đây, người đi khai thác quá nhiều nên loài này cũng hết. Hiện nay, những người thợ đào cu li như anh phải đi từ lúc mờ sáng, vượt qua đỉnh núi Vẽ, vào sâu các vùng núi khác mới tìm thấy cây cu li. Sau khi tìm được bãi cu li mọc, anh và mọi người cùng nhau dọn sạch phần thân cây phía trên rồi dùng cuốc đào sâu để lấy phần củ, sau đó cõng xuyên rừng về bãi tập kết. Nếu như trước đây, cu li mọc nhiều, bán với giá thấp nên ít người đi khai thác thì nay, thương lái vào tận chân núi để tìm mua với giá 16 - 18 ngàn đồng/yến. Dù giá không quá đắt nhưng dễ bán nên người dân đổ xô đi khai thác khiến cho loài cây này ngày càng khan hiếm. Mỗi ngày, nếu tìm được bãi cây mọc, mỗi tốp có thể đào được từ 2 - 3 tạ cu li.
Cu ly được thương lái mua với giá 16 đến 18 nghìn đồng 1kg |
Cu li sau khi được đưa xuống núi còn phải qua công đoạn gọt dũa, bỏ bớt phần rễ, thương lái mới thu mua. Ông Lục Văn Mão, trú tại xã Yên Na cho biết, cây cu li đồng bào Thái gọi là cây cút năng ni, có tác dụng làm thuốc bổ xương, lông của cây này có tác dụng cầm máu, đã được sử dụng từ lâu đời. Cây mọc ở vùng núi cao, quanh năm ẩm ướt, phần rễ chạy ngang dưới đất khoảng 30cm. Theo ông Mão, mấy năm gần đây thương lái thường đánh xe tải, vào tận Yên Na, Yên Hòa, Yên Thắng để săn loài cây này. Một số thương lái từ dưới xuôi, cũng có một số người từ Quỳ Hợp theo Quốc lộ 48C sang tìm mua. “Không biết họ mua về để làm gì, có người nói là chế biến thuốc Nam, có người nói là nhập lại cho lái buôn. Người dân chúng tôi chỉ biết đi khai thác rồi bán để kiếm thêm thu nhập còn họ mang đi đâu, làm gì thì không ai biết”, Ông Mão cho biết.
Cây cu li là một loại dược liệu quý. Thế nhưng, lâu nay, bà con các vùng miền núi khai thác ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch và chưa được địa phương hoặc đơn vị chuyên ngành nào kiểm soát. Điều này chắc chắn sẽ sớm khiến loại dược liệu này nhanh chóng bị biến mất. Đây là vấn đề cân quan tâm của huyện Tương Dương cũng như các huyện có những loại cây dược liệu qúy…
Khoa - Phương
Theo sách Đông y, cây cu li còn có tên khác là cẩu tích, có tên la tinh là Cibotium barometz (L.) J. Sm., thuộc họ cẩu tích - Dicksoniaceae. Đây là loài cây có thân yếu, lá lớn có cuống dài 1-2m, màu nâu nâu, ở phía gốc có vẩy hình dải rất dài màu vàng và bóng phủ dày đặc. Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ỏ thân rễ có tanin và sắc tố. Cẩu tích có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp. Các nghiên cứu tác dụng của cây giúp chống viêm, ức chế chủ yếu giai đoạn viêm cấp tính. Lông cẩu tích có tác dụng cầm máu có tính cơ học bằng cách hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông. Trong Đông y, cẩu tích dùng để chữa phong hàn, thấp tê đau lưng, nhức mỏi chân tay, khó cử động, đau dây thần kinh toạ, chứng đi tiểu són không cầm, di tinh, bạch đới… |