Kiểm tra Bộ TN&MT: Văn phòng Chính phủ tham mưu chưa chuẩn

22/12/2016 15:17

Buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường thể hiện rõ tinh thần thẳng thắn, khách quan.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra Bộ TN&MT. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Ngày 21/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã kiểm tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.

Từ đầu năm tới ngày 5/12, Bộ đã hoàn thành 501 nhiệm vụ, còn lại 92 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 7 nhiệm vụ quá hạn.

Tổ công tác của Thủ tướng dành phần lớn thời gian để Bộ TN&MT giải trình, làm rõ 7 nhiệm vụ chậm trễ, đồng thời giải trình làm rõ thêm về 7 vấn đề lớn mà Thủ tướng yêu cầu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ TN&MT phản ánh các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ để Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Nếu vướng mắc từ phía VPCP thì VPCP cũng sẽ nhận trách nhiệm.

VPCP tham mưu “ra đầu bài” chưa chuẩn

Về nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng, đến nay đã quá hạn gần 4 tháng, đại diện Bộ TN&MT cho biết hiện đã họp hội đồng thẩm định và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này. Tuy nhiên, đại diện Bộ cho rằng “đề bài” này chưa chính xác, đúng ra phải là xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng.

Theo Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, đây là nhiệm vụ rất cấp bách, nên Bộ vẫn triển khai.

Nghe ý kiến này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lập tức yêu cầu đại diện Vụ chức năng thuộc VPCP báo cáo. Đại diện Vụ chức năng cho rằng trong quá trình triển khai, nếu thấy “đề bài” chưa chính xác thì Bộ cần kiến nghị lại.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình với giải trình của cấp dưới. Ông khẳng định VPCP phải nhận lỗi với Bộ TN&MT.

“Như vậy, Bộ TN&MT vừa làm vừa đề nghị sửa đề bài. Ngày 5/8 giao nhiệm vụ mà yêu cầu phải báo cáo trong tháng 8, trong hơn 20 ngày thì sao làm được. Thời gian để thực hiện nhiệm vụ này phải tính bằng tháng, vì làm quy hoạch rất khó, dù đây là nhiệm vụ cấp bách”, Bộ trưởng thẳng thắn.

“Hơn nữa, lãnh đạo Chính phủ đã có ý kiến đồng ý sửa đề bài rồi, mà lãnh đạo Vụ không biết. Một lần nữa, thay mặt VPCP, tôi xin lỗi các đồng chí”, Bộ trưởng nói tiếp.

Một nhiệm vụ khác bị chậm trễ là xây dựng đề án về cơ chế phối hợp trong nước giải quyết các vấn đề môi trường trong các hiệp định thương mại tự do. Tổng cục Môi trường lý giải, chậm trễ là do những diễn biến mới liên quan tới tương lai của TPP sau bầu cử Tổng thống Mỹ, nên cần thời gian để nghiên cứu thêm. “Chậm nhất tuần sau sẽ trình Bộ trưởng để trong tháng 12 này trình Thủ tướng”, lãnh đạo Tổng cục cam kết.

Về việc xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT, hiện đã quá hạn 21 ngày, Bộ cho biết sẽ cố gắng hết sức để trình trong tháng 12, hiện vẫn còn một số vấn đề khác nhau cần làm rõ thêm.

Đáng chú ý, Bộ có tới 4 nhiệm vụ chậm trễ liên quan tới việc giải quyết 4 vụ khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Bộ cho biết có 3 vụ sẽ xong trong tháng 12, 1 vụ xin lùi thời hạn sang tháng 1/2017. “Đây là những nhiệm vụ đột xuất mà Thủ tướng giao, nằm ngoài kế hoạch thanh tra mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà phê duyệt từ đầu năm. Mọi năm Bộ xử lý khoảng 15-20 vụ, riêng năm nay đột xuất tới 40 vụ, trong đó có những vụ rất phức tạp, đã kéo dài tới 20 năm”, đại diện Thanh tra Bộ cho biết và đề nghị cho thêm thời gian với các vụ việc tương tự.

Kiểm tra 336 doanh nghiệp lớn có xả thải

Giải trình về những vấn đề mà Thủ tướng nhắc nhở, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã triển khai việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tới sự cố môi trường biển. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp làm việc, chờ ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số tập thể và cá nhân liên quan. Bộ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật bảo đảm tính nghiêm minh, chính xác, dân chủ, những vấn đề thuộc thẩm quyền sẽ xử lý ngay.

Về công tác cảnh báo, dự báo, Bộ TN&MT cho biết hiện nay mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống dự báo bão vẫn còn rất bất cập, so với khu vực thì chỉ hơn Lào và Campuchia. Kèm theo đó, 2016 là năm khí hậu diễn biến rất thất thường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc tới những kết quả trong việc dự báo, như trong đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, lãnh đạo các tỉnh đều nói dự báo rất chính xác, nếu không thiệt hại còn lớn hơn nữa.

Liên quan tới công tác quản lý nhà nước về môi trường, Bộ trưởng cho biết thêm, sau sự cố môi trường biển, theo ý kiến của Thủ tướng, Bộ đã tiến hành kiểm tra 336 doanh nghiệp có xả thải từ 500 m3 trở lên mỗi ngày và đang hoàn chỉnh kết luận. Nếu theo quy định của luật thì có tới 90% doanh nghiệp nói chung không đáp ứng yêu cầu về môi trường. Bộ sẽ có báo cáo cụ thể với Thủ tướng để thấy được “bức tranh chung” về thực trạng môi trường hiện nay và đề xuất các giải pháp.

Về vấn đề tích tụ ruộng đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng quan trọng nhất là cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để người dân yên tâm góp đất sản xuất, bởi tâm lý người dân vẫn chưa yên tâm khi giao đất cho người khác.

Bộ trưởng cũng cho biết đang nghiên cứu, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản và xử lý tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông.

Đặc biệt, thừa nhận đội ngũ cán bộ ở địa phương còn nhiều bất cập, như ở các Phòng TN&MT cấp huyện thì cán bộ kiêm nhiệm, tới xã thì có thể mỗi nhiệm kỳ một người khác nhau làm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin theo mô hình của VPCP. Ông cũng nhận định, tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính và kỷ luật, kỷ cương đang lan tỏa từ VPCP tới Bộ.

Thủ tướng yêu cầu làm nhanh, làm ngay, làm gọn

Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá Bộ TN&MT đã có báo cáo đầy đủ, cụ thể, giải trình rõ ràng về các vấn đề. Với khối lượng công việc rất lớn, Bộ đã rất tích cực, cố gắng trong thực hiện các nhiệm vụ, một phần là nhờ Bộ đã thành lập Tổ công tác của Bộ trưởng để đốc thúc các đơn vị cấp dưới thực hiện.

“Các đồng chí đặt vấn đề nhiều nhiệm vụ giao trong thời gian ngắn. Nhưng công việc đòi hỏi phải nhanh. Tinh thần của Thủ tướng là không thể để kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ, cần tập trung làm nhanh, làm ngay, làm gọn. Quy chế làm việc của Chính phủ cũng đã nêu rõ, nếu Bộ nào không trả lời trong 5 ngày thì coi như đồng ý, nếu xảy ra vấn đề gì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ TN&MT phát huy tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ được giao đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, đồng thời thực hiện đúng những cam kết trước Quốc hội, trước Thủ tướng, nhất là những vấn đề được dư luận rất quan tâm liên quan tới sự cố môi trường biển.

Đặc biệt, nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Bộ TN&MT là xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, đồng thời sớm công bố môi trường biển đã hoàn toàn sạch để người dân yên tâm sản xuất, sử dụng thủy hải sản.

Cùng với đó, quan tâm trả lời kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do VPCP đang vận hành.

Liên quan tới tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết hiện mới chỉ có duy nhất VPCP đã trình Thủ tướng ký ban hành Nghị định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Tổ công tác cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT làm đầu mối duy nhất quản lý môi trường, tránh tình trạng chồng chéo, phân tán nhiệm vụ này cho các Bộ Xây dựng, NN&PTNT như hiện nay.

Theo baochinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN

Kiểm tra Bộ TN&MT: Văn phòng Chính phủ tham mưu chưa chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO