Kinh doanh online - xu thế phát triển mới
(Baonghean) - Bán hàng qua mạng hiện đang là một trong những xu thế bán hàng hiệu quả và ngày càng phát triển bởi tính thuận lợi được hỗ trợ nhiều từ internet và điện thoại thông minh (smartphone). Từ những doanh nghiệp lớn cho đến chủ cửa hàng nhỏ lẻ và thậm chí là những bạn sinh viên đam mê kinh doanh cũng có thể kinh doanh được qua mạng xã hội như Facebook, Youtube, Fanpage, hay các shop online.
Đông Nam Á, trong đó Việt Nam với dân số khoảng 92,7 triệu dân, hiện là mảnh đất màu mỡ đối với kinh doanh online. Theo dự báo, đến năm 2020, sẽ có hơn 480 triệu người dân trong khu vực này truy cập internet. Hiện nay, mỗi tháng có tới 3,8 triệu người dùng mới kết nối internet.
Thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt giá trị 88 tỷ USD đến năm 2025. Theo Giám đốc điều hành Hãng chuyển phát nhanh DHL thì mỗi ngày có hơn 150.000 lượt vận chuyển hàng hóa bán lẻ đóng gói tại Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Một trang mạng mua sắm điện tử - Ảnh: Vũ Thủy |
Kinh doanh online được nhận định là “miếng bánh khổng lồ” đối với những nhà bán lẻ với những tiện ích như tiết kiệm chi phí (thuê mặt bằng, nhân viên, nội thất…), không cần vốn đầu tư quá lớn mà vẫn mang lại hiệu quả cao và lâu dài.
Khách hàng từ khắp nơi có thể tham gia mua sắm sản phẩm bất cứ thời gian nào, có thể ghé thăm gian hàng để tìm hiểu về các sản phẩm và dịch vụ nhanh chóng hơn thay vì mất nhiều thời gian hơn để đến trực tiếp. Đây cũng là cơ hội để người bán hàng online cải thiện dịch vụ khách hàng thông qua các phản hồi, tăng tính chuyên nghiệp, cơ hội để quản lý doanh nghiệp từ bất cứ nơi nào trên thế giới.
Tuy nhiên, yêu cầu của khách hàng ngày càng trở nên phức tạp và người bán phải luôn không ngừng đáp ứng. Khi thương mại điện tử trở nên thịnh hành hơn thì những đòi hỏi của người tiêu dùng cũng tăng hơn, họ sẽ bớt dễ tính đối với việc chậm trễ khi nhận hàng cũng như sẽ dễ chán nản nếu hàng hóa được cung cấp không đa dạng, không chất lượng.
Vì vậy, đáng tin cậy, nhanh, thuận tiện là những tiêu chí hàng đầu vô cùng quan trọng đối với những người bán hàng qua mạng. Đảm bảo chất lượng để gây dựng uy tín, tạo dựng niềm tin đối với người tiêu dùng là yếu tố cần thiết thu hút ngày càng nhiều khách hàng trung thành, khiến họ không thể bỏ qua sản phẩm của bạn khi cần, thay vì phải tìm kiếm những nhà cung cấp khác.
Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, sự hài lòng tối đa của khách hàng, hiện một số website thương mại điện tử như Lazada, Zalora, Sendo… đã hỗ trợ để khách hàng gửi trả hoặc đổi lại hàng nếu như không ưng ý sau khi nhận. Đây là một trong những lợi thế của doanh nghiệp nhằm củng cố niềm tin và sự hài lòng, sự trung thành của người mua.
Đa dạng hóa phương thức thanh toán cũng là vấn đề đáng quan tâm vì mỗi quốc gia hay địa phương, địa bàn khác nhau sẽ có những thói quen thanh toán khác nhau. Ở một số nước phát triển như Singapore thì khách hàng thường thanh toán qua thẻ tín dụng, tuy nhiên ở Indonesia, Philippines hay Việt Nam phần đông người tiêu dùng thích thanh toán bằng tiền mặt. Hãy xem việc tiếp cận dịch vụ vận chuyển như là một phần trong chuỗi giá trị. Đa dạng hóa phương thức thanh toán và các dịch vụ khác sẽ tạo nên sự gắn kết và trung thành của khách hàng.
Cuộc sống bận rộn đồng nghĩa với việc khách hàng có ít thời gian rỗi hơn, nên việc giao hàng cần phải phù hợp với thời gian, địa điểm nhận của người mua hơn là phù hợp với người bán hàng hay nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát.
Một trong những cách tốt nhất để người bán tăng giá trị cho người tiêu dùng là đa dạng hóa lựa chọn giao hàng. Bên cạnh việc giao hàng truyền thống tại nhà, tại văn phòng, người bán hàng cũng cần áp dụng những phương thức chuyển phát nhanh, thuận tiện nhất như: Tủ khóa bưu kiện, điểm giao dịch chuyển phát nhanh, những nơi nhận chuyển phát thuận tiện.
Những nơi nhận chuyển phát thường nằm ở vị trí mà khách hàng qua lại thường xuyên, họ chủ động thời gian nhận hàng. Càng nhiều lựa chọn nhận hàng sẽ làm giảm bớt sự vướng bận đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, sau khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng muốn theo dõi quá trình vận chuyển hàng để xem sản phẩm họ mua đã được gửi đi chưa. Vì vậy, người bán cần tạo sự thoải mái và tin cậy đối với khách hàng thông qua gửi mail hoặc tin nhắn để thông báo về tình trạng vận chuyển hàng hóa./.
Lan Hương
(Trung tâm Xúc tiến Thương mại)
TIN LIÊN QUAN |
---|