Kinh nghiệm bảo vệ thiết bị điện mùa mưa
(Baonghean.vn) - Mưa, ngập tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rò rỉ và chập điện nếu người dùng không chú ý và xử lý đúng cách. Để an toàn cho người và tài sản, khi mưa lũ xảy ra cần đảm bảo những nguyên tắc sử dụng thiết bị điện dưới đây.
Sử dụng nguồn điện an toàn
Vào mùa mưa không khí thường rất ẩm, kèm theo mưa giông và sấm sét rất dễ gây các sự cố chập điện, rò rỉ điện năng. Khi sử dụng các thiết bị điện trong nhà nên sử dụng nguồn điện ổn định, an toàn. Nên lắp đặt các thiết bị chống giật, hay các thiết bị bảo vệ nguồn điện UPS… Không nên sử dụng chung ổ cắm cho các thiết bị điện.
Lắp đặt các thiết bị điện đúng cách
Nên đặt các thiết bị điện như máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng… ở những nơi khô thoáng, tránh để nước mưa tạt vào. Nên đặt các thiết bị điện tử cao hơn mặt đất và cách tường; tránh xa nguồn nước và các thiết bị sinh nhiệt khác.
Trường hợp những nhà ở dọc theo khu vực bờ kênh rạch hay khu vực gần sông nước, khi sử dụng đồ điện tử nên có túi hút ẩm và lót giấy báo để hạn chế khả năng ẩm mạch cho các thiết bị điện tử.
Vệ sinh, bảo dưỡng các thiết bị điện định kỳ
Vào đầu mùa mưa điều bạn cần làm là kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện để nắm bắt tình hình sử dụng. Khi phát hiện các hư hỏng cần kịp thời sửa chữa.
Tránh sử dụng các thiết bị điện khi chưa được khắc phục những hư hỏng. Không tự ý sửa chữa các thiết bị điện khi không có tay nghề hay đầy đủ các thiệt bị chuyên dụng.
Ngắt nguồn điện các thiết bị không cần thiết
Khi có mưa dông, điều đầu tiên cần làm là kiểm tra lại tất cả các thiết bị điện trong nhà, rút các nguồn điện chưa cần sử dụng đến. Máy tính, điện thoại đang sạc, hay ti vi, ấm siêu tốc... đều là những thiết bị rất dễ thu hút nguồn điện nên có khả năng cao xảy ra hư hỏng, thậm chí cháy nổ trong mưa bão.
Rút phích cắm điện ngay khi nghe âm thanh bất thường phát ra từ thiết bị điện hay mùi khét; có cảm giác tê nhẹ khi chạm tay vào phích cắm thì phải cắt aptomat tổng, kiểm tra và sửa chữa ngay trước khi sử dụng lại thiết bị.
Không nên lắp dây dẫn điện, aptomat, cầu dao, cầu chì trên các vật dễ cháy như gỗ, giấy, xốp cách nhiệt để tránh gây ra chập điện. Các điểm nối phải đúng kỹ thuật, không được trùng nhau (phải so le), quấn băng keo cách điện.
Mưa dông thường đến bất chợt, khó có thể lường trước. Do vậy, trước khi ra khỏi nhà, bạn nên tắt hết các thiết bị điện để đảm bảo an toàn tài sản.
Bảo vệ các thiết bị điện
Biện pháp chung để bảo vệ an toàn các thiết bị điện là lắp đặt thiết bị chống sét; ttiếp đất cho các thiết bị điện như máy nước nóng, lò vi sóng, máy giặt…
Trong mùa mưa, độ ẩm trong không khí thường cao cần cho các thiết bị điện chạy thường xuyên hơn; không nên bật quạt, mở cửa thoáng khi trời nồm vì không khí ẩm bên ngoài bay vào càng nhiều. Việc dùng quạt để hong khô là sai lầm vì sẽ làm cho hơi nước càng ngưng tụ, ẩm mốc nhiều hơn. Cần hạn chế sự xâm nhập của hơi ẩm vào nhà bằng cách đóng kín cửa lại.
Để phòng chống hiện tượng ẩm, với các đồ điện nhỏ nên có hệ thống hút ẩm, tủ chống ẩm. Hoặc có thể cho vào thùng kín có bóng đèn bật sáng, công suất 25 - 60W tuỳ kích cỡ thùng để làm nóng thiết bị.
Khi các thiết bị điện hư hỏng việc cần làm là ngắt ngay nguồn điện, không nên tự ý thào dỡ và thay thế các thiết bị điện vì rất dễ gây rò rỉ điện mà vào mùa mưa độ ẩm trong không khí cao nên dù chỉ là một rò rỉ nhỏ cũng cực kì nguy hiểm.
Cách khắc phục điện chập tại nhà
- Luôn kiểm tra hệ số điện tải trong nhà.
- Thỉnh thoảng bật điện các thiết bị nhằm sấy khô thiết bị điện tử.
- Tắt các thiết bị không cần thiết.
- Kiểm tra nguồn điện cho thiết bị ngoài trời.
- Không nên bật điện quá công suất chịu tải trên một đường dây. Vì nó sẽ làm nóng dây kết hợp với không khí ẩm ướt làm điện chập nhanh hơn
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|