Kinh nghiệm làm giao thông nông thôn ở Long Thành

12/01/2015 09:26

(Baonghean) - Cuối năm 2014, Long Thành là 1 trong 5 xã của huyện Yên Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Góp phần vào kết quả đó là Đảng bộ và nhân dân xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng gắn với chỉnh trang giao thông nông thôn.

Chúng tôi về Long Thành (Yên Thành) một ngày đầu năm 2015. Từ Tỉnh lộ 538, đường vào xã được đổ bê tông rộng đẹp. Tuyến đường vào xóm Đông Yên trước đây chỉ rộng chưa đầy 3m, ô tô không vào được, nhưng nay, sau quyết liệt ra quân mở đường, giải phóng mặt bằng, đường được mở rộng 6m, 2 xe ô tô có thể tránh nhau. Hai bên đường, tường rào của các hộ dân được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Mọi ngõ xóm phong quang, ngăn nắp.

Đường vào xóm Đông Yên (Long Thành, Yên Thành) khang trang, sạch đẹp.
Đường vào xóm Đông Yên (Long Thành, Yên Thành) khang trang, sạch đẹp.

Là một xã vùng sâu trũng của huyện, được biết đến là địa bàn ngập lụt thường xuyên nên kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư. Ông Lê Công Đấu - Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Long Thành là xã có truyền thống làm giao thông nông thôn. Hàng chục năm nay, kế hoạch làm giao thông nông thôn, thủy lợi được thông qua tại các nghị quyết đại hội. Xã đã tiến hành mở rộng truyến đường đi Bảo Thành qua Giáo xứ Rú Đất dài 2 km, rộng 9 km, hai bên có mương kẹp, trồng cây xanh. Tuyến đường này thời điểm đó giá trị khoảng 3 tỷ đồng, kể cả tái định cư. UBND xã chịu trách nhiệm cấp đất tái định cư theo hình thức đất đổi đất, xây dựng cống qua đường, giáo xứ chịu trách nhiệm di dời 8 hộ dân. Đây cũng là kinh nghiệm chọn điểm của chúng tôi trong giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đã tranh thủ được tiếng nói của linh mục trong GPMB đối với các hộ giáo dân”.

Từ tuyến điểm Rú đất, Giáp Ngói, xã tiếp tục chỉ đạo 17 xóm đồng loạt mở rộng giao thông. Đến nay, hệ thống giao thông thuận lợi, tuyến Tỉnh lộ 534 (6 km) được nhựa hóa theo tiêu chuẩn đường cấp 4. Đường huyện Trung Long (3 km), Long - Nam - Khánh dài 3 km (di dời 6 hộ dân) đã đưa vào sử dụng năm 2012; đường vượt lũ thị trấn - Tăng Thành - Long Thành - Viên Thành (5 km) chạy qua địa bàn xã Long Thành đã hoàn thiện. Tuyến đường làng nghề Tây Yên đi Rú đất - Văn Trai 6 dài 3 km đã GPMB xong và thi công đường làng nghề đưa vào sử dụng năm 2013. Ngoài các dự án đầu tư của Nhà nước (Tỉnh lộ 534), người dân tham gia hiến đất khoảng 5 ha. Có đường giao thông, việc giao thương buôn bán thuận tiện, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 25 triệu đồng/năm.

Là xã đồng bằng dân cư đông, sống tập trung theo truyền thống nên công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, các công trình dân sinh, nhà ở dày nên việc mở rộng chỉnh trang theo kế hoạch gặp nhiều khó khăn, nhất là kinh phí đền bù. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân nên chủ trương mở rộng, nâng cấp hạ tầng và chuyển đổi ruộng đất lần 2 ở đây nhanh chóng hoàn thành. Để có được kết quả đó là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ nhân dân về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi lâu dài để xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người trong việc mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường giao thông nông thôn. Đẩy mạnh phong trào hiến đất, góp đất để làm giao thông, làm thủy lợi trong nhân dân.

Ông Đặng Trọng Lạn - Xóm trưởng xóm Đông Yên, cho biết: “Phong trào này đã trở thành ý thức tự giác, hầu như bắt buộc trên cơ sở chỉ giới cắm mốc được xác định từ giai đoạn 2005 - 2007. Ví dụ như chuyển đổi ruộng đất lần 2 toàn xã đã có 150 ha đất phục vụ cho xây dựng hạ tầng. Lấy địa bàn dân cư làm chủ đạo, phối hợp với mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín và tổ liên gia làm nòng cốt. Mọi việc đều do dân góp, dân làm, dân bàn, thông qua các chỉ tiêu, kế hoạch, xóm triển khai và chủ đầu tư quyết toán qua dân. Vì thế, quá trình GPMB làm các tuyến giao thông cũng như chỉnh trang đồng ruộng nhân dân rất ủng hộ, đoàn kết, không có một đơn thư nào”.

Ông Lê Công Đấu - Chủ tịch UBND xã Long Thành cho biết thêm: “Trong GPMB, chúng tôi làm theo hình thức cuốn chiếu, dễ làm trước, khó làm sau và tiến tới đồng bộ. Cá biệt có những hộ do khó khăn về kinh tế chưa có điều kiện dỡ nhà, các công trình kiến trúc thì chúng tôi cho chậm lại giải phóng sau. Chúng tôi chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ đảng ủy, HĐND, UBND, phối hợp với MTTQ các đoàn thể thông qua chủ trương, kế hoạch, đề án và cơ chế, chính sách hỗ trợ. Từ đó, tạo phong trào thi đua mạnh mẽ, tập trung thống nhất, lấy động lực từ nhân dân để đẩy nhanh tiến độ và huy động tối đa các nguồn lực tài chính như con em xa quê, doanh nghiệp… tạo sức mạnh tổng hợp”.

Việt Phương

Mới nhất

x
Kinh nghiệm làm giao thông nông thôn ở Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO