Kinh nghiệm ngâm ủ, gieo và chăm sóc mạ vụ xuân

18/12/2013 15:39

(Baonghean) - Ngâm, ủ giống chuyện tưởng chừng như đơn giản, thế nhưng vụ sản xuất nào cũng có không ít trường hợp ngâm, ủ giống bị hỏng với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài nguyên nhân do chất lượng hạt giống kém thì có các nguyên nhân phổ biến như: Ngâm giống không no nước (ngâm nước không đủ thời gian) nên hạt giống không hút đủ nước để chuyển hóa tinh bột thành đường bột thúc mầm phát triển. Ngược lại ngâm hạt giống quá lâu làm thối phần nội nhũ, tinh bột lên men, cả hạt giống thối luôn.

Cũng có nhiều trường hợp ngâm hạt giống đủ nước, nhưng khi ủ giống thì lại bị hư hỏng nặng. Đó là các trường hợp ủ mãi không thấy hạt giống nứt mầm hoặc có nứt mầm nhưng tỉ lệ hạt có mầm rất ít. Đây là trường hợp thường xẩy ra trong vụ xuân, do khi ủ hạt giống không được tấp tủ kín, lại gặp nhiệt độ không khí ngoài trời quá thấp (từ 160C trở xuống) nên khi ủ hạt giống không đủ ấm để mầm giống phát triển thành cây mạ.

Ngoài ra còn có trường hợp hạt giống sau khi ủ có hiện tượng rễ ngắn, mầm dài hoặc rễ dài, mầm ngắn. Đây là nguyên nhân trước khi ủ hạt giống vẫn chưa no nước (thiếu nước) nên mầm dài, rễ ngắn hoặc khi ủ hạt giống bị nén quá chặt, lại không được đảo trộn nên mầm giống thiếu không khí để thở và từ đó mới có chuyện mầm ngắn, rễ dài….

Để khắc phục những tồn tại nói trên, đề nghị bà con nông dân cần thực hiện tốt những biện pháp sau đây:

- Hạt giống trước khi ngâm ủ: cần được phơi lại dưới nắng nhẹ từ 1 – 2 giờ để làm tăng khả năng hút nước.

- Hạt giống khi ngâm: Vụ xuân thời gian ngâm giống thời tiết thường diễn ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí từ 17, 180C trở xuống. Vì vậy khả năng hút nước của hạt giống rất chậm. Cho nên hạt giống trong vụ xuân nên được ngâm trong nước ấm 540C (3 sôi + 2 lạnh) để hạt giống hút nước nhanh và còn có tác dụng tiêu diệt các loại nấm, vi khuẩn ký sinh ngoài vỏ lúa. Lượng nước khi ngâm trung bình 1 kg giống 1,5 lít nước.

- Thời gian ngâm và kỹ thuật ngâm: Ngâm trong nước ấm 540C (3 sôi + 2 lạnh) trong thời gian từ 5 – 6 giờ, sau đó vớt hạt giống ra đãi, rửa sạch và thay nước sạch vào tiếp tục ngâm. Trong thời gian ngâm cứ 5 – 6 giờ thay nước lại 1 lần và ngâm trong khoảng thời gian 28 – 30 giờ là được. Ngâm xong vớt hạt giống lên, đãi thật sạch, đãi khi nào ngửi không có mùi hôi thì cho vào thúng, mủng… để ủ.

Trong quá trình ủ phải thường xuyên kiểm tra bằng cách:

Nếu nhúng tay vào trong thúng ủ giống mà tay khô thì lập tức phun nước vào, đảo trộn lại hạt giống để hạt giống có đủ độ ẩm.

Nếu nhúng tay vào thúng, mủng ủ giống mà tay ướt, nhớt, phải ngay lập tức dùng nước rửa sạch nhớt bám vào hạt giống rồi sau đó tiếp tục ủ lại hạt giống, nếu không rửa lại hạt giống kịp thời thì hạt giống không mọc mầm được và sẽ bị thối.

Nếu nhúng tay vào giữa thúng, mủng hạt giống đang ủ thấy tay lạnh thì cần dùng nước ấm phun vào hạt giống và đảo trộn đều để hạt giống có điều kiện mọc mầm.

Nếu thấy hạt giống đã nảy mầm, nhưng mầm dài ra và rễ lại ngắn thì phải phun thêm nước vào và đảo trộn hạt giống rồi tiếp tục ủ. Ngược lại nếu thấy mầm quá ngắn, rễ lại quá dài thì phải đảo trộn hạt giống từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống, từ dưới lên để cung cấp đủ dưỡng khí cho mầm phát triển.

Trong quá trình ủ, nếu thấy mầm hạt giống đã ra dài bằng 2/3 chiều dài rễ thì đem mộng ra ruộng để gieo là vừa.

Ruộng mạ khi gieo phải đảm bảo sạch cỏ dại, đất cày bữa kỹ nhuyễn, trang phẳng mặt luống, luống rộng 1,2 – 1,4 mét, khi gieo, gieo đều và ném hạt giống nhẹ tay để hạt giống chìm sâu 2/3 hạt mầm vào đất.

Gieo xong phủ kín nilon lên luống mạ và thường xuyên gữa cho đất ruộng mạ liền bùn, không bị nứt nẻ.

Khi nào cây mạ có từ 2,5 – 3 lá thì xúc cấy được và trước khi xúc cấy 3 – 5 ngày phải mở dần nilon che phủ mạ để cây mạ tiếp xúc và làm quen dần với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, nhằm làm tăng khả năng chống chịu của cây mạ khi gặp thời tiết không thuận lợi.

Doãn Trí Tuệ

Mới nhất

x
Kinh nghiệm ngâm ủ, gieo và chăm sóc mạ vụ xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO