Kinh nghiệm thành công của Bí thư Lượng

19/08/2013 18:32

(Baonghean) - Gần 10 năm nay, đời sống mọi mặt của người dân bản Nưa, xã Yên Khê (Con Cuông) có nhiều khởi sắc. để có sự đổi thay tốt đẹp như hôm nay Bà con người Thái nơi đây ghi nhận một phần công lao của ông Vi Văn Lượng - Bí thư Chi bộ bản...

Ông Vi Văn Lượng sinh năm 1950, từng giữ các chức vụ Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó ban Tuyên giáo, Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện, Chủ tịch Nội Nông dân huyện và Bí thư Đảng ủy xã. Năm 2005, ông Lượng về nghỉ hưu và sau đó được cán bộ, đảng viên Chi bộ bản Nưa bầu làm Bí thư. Lúc bấy giờ, đời sống kinh tế - xã hội bản Nưa còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả hoạt động của chi bộ Đảng còn ở mức thấp. Trước tình hình đó, ông Lượng trăn trở tìm giải pháp để giúp bản làng ngày một khởi sắc. Trước tiên, ông nghĩ phải hướng dẫn bà con thay đổi cung cách làm ăn, mạnh dạn đưa giống lúa mới vào sản xuất. Cùng với đó la đầu tư phân bón, khoa học kỹ thuật để tăng năng suất và sản lượng. Nhờ thế, thu nhập của người dân bản Nưa ngày càng tăng cao.

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, ông Vi Văn Lượng vận động bà con bản Nưa xây dựng nếp sống văn hóa mới và cam kết cùng quyết tâm xây dựng danh hiệu Làng Văn hóa. Bắt đầu từ công tác vệ sinh môi trường, hàng tuần, Chi hội Phụ nữ, Thanh niên phát động hội viên, đoàn viên ra quân làm vệ sinh đường sá sạch đẹp. Mỗi tổ chức đoàn thể trong bản đều tổ chức cho các hội viên ký cam kết không để thành viên trong gia đình mình vi phạm pháp luật và dính vào các loại tệ nạn xã hội. Nhìn thấy nguy cơ bản sắc văn hóa dân tộc Thái đang từng ngày bị mai một, ông Vi Văn Lượng quyết định đứng ra vận động nhân dân, lấy Chi hội Phụ nữ làm nòng cốt để thành lập CLB Dân ca- Nhạc cụ dân tộc Thái với 20 thành viên thuộc nhiều lứa tuổi. Chủ trương này được bà con bản Nưa đồng tình và ủng hộ.

Hàng tháng, các gia đình trong bản thường góp tiền, gạo, gây dựng nguồn kinh phí để CLB hoạt động thường xuyên. Những làn điệu dân ca (khắp, lăm, nhôn, xuối), dân vũ (múa sạp, múa xòe, khắc luống) và các loại nhạc cụ (cồng chiêng, khèn bè, sáo, pí) của dân tộc Thái đã được bảo tồn. CLB trở thành nòng cốt của đội văn nghệ xã Yên Khê trong các đợt giao lưu văn hóa - văn nghệ. Bản Nưa nằm trên tuyến đường du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Pù Mát, là điểm du lịch cộng đồng nên các đoàn du khách tham quan thường ghé vào. Đến đây, được giao lưu với CLB Dân ca - Dân vũ, nhiều du khách tỏ ra thích thú và khâm phục bà con bản Nưa. Và điều quan trọng là từ năm 2008, bản Nưa đã được đón nhận danh hiệu Làng Văn hóa, bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi.



Ông Vi Văn Lượng thường xuyên đọc Báo Nghệ An

Là Bí thư Chi bộ, ông Vi Văn Lượng chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển Đảng. Để chi bộ sinh hoạt có hiệu quả, ông đã chủ động xây dựng quy chế sinh hoạt. Mỗi tháng ông tổ chức ít nhất 3 cuộc họp, thứ nhất là tổ chức giao ban các đoàn thể; tiếp đến đánh giá kết quả hoạt động tháng trước và lên kế hoạch cho tháng sau; cuối cùng là phân công mỗi đảng viên phụ trách từng lĩnh vực, từng cụm dân cư, và có báo cáo, đánh giá cụ thể để nắm bắt, tổng hợp tình hình. Ông Lượng còn chủ trương đẩy mạnh việc phát huy vai trò của tổ tự quản, xây dựng tình cảm xóm làng nên bà con bản Nưa luôn đoàn kết và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, cùng nhau chia sẻ vui buồn. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của người đứng đầu, Chi bộ bản Nưa từ chỗ hoạt động thiếu hiệu quả đã vươn lên đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh trong 5 năm liên tục (từ 2008 - 2012), được tỉnh và huyện tặng Giấy khen.

Hỏi về kinh nghiệm, Bí thư Vi Văn Lượng chia sẻ: “Muốn thành công, mình phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để đề ra mục tiêu và giải pháp thích hợp. Thường xuyên theo dõi báo, đài để nắm bắt chủ trương, cập nhật tình hình để phổ biến cho bà con. Khi đó, bà con sẽ đồng tình, ủng hộ, công việc dù khó đến mấy cũng sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò các đoàn thể cũng giữ vai trò hết sức quan trọng, có thể xem đó là nòng cốt của mọi phong trào...”.


Tường Anh

Mới nhất
x
Kinh nghiệm thành công của Bí thư Lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO