Kinh nghiệm từ mô hình điểm

18/06/2012 16:57

(Baonghean) - Những hiệu quả bước đầu trong việc thực hiện thí điểm mô hình “xây dựng cánh đồng mẫu” tại huyện Tân Kỳ được đánh giá cao. Từ thực tế này, nhiều kinh nghiệm và bài học sẽ được rút ra nhằm tiến tới nhân rộng cánh đồng mẫu tại nhiều địa phương…

Tân Kỳ là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh ta thực hiện đề án thí điểm “xây dựng cánh đồng mẫu”. Theo đó, đầu năm 2012, huyện Tân Kỳ đã xây dựng 2 mô hình cánh đồng kiểu mẫu trên diện tích 60 ha tại 2 xã Nghĩa Hoàn và Nghĩa Dũng. Tại xã Nghĩa Hoàn, cánh đồng mẫuđược thực hiện tại 2 xóm Lâm Xuân và Xuân Sơn với tổng diện tích là 30 ha được cơ cấu bằng giống lúa thuần VTNA2; và tại xã Nghĩa Dũng, đã lựa chọn 30 ha tại xóm Cửa Đền thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu với cơ cấu giống ngô LV 14 của Tổng công ty VTNN Nghệ An. Những hộ tham gia mô hình được công ty hỗ trợ 30% chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không tính lãi suất và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, người nông dân còn được hướng dẫn quy trình xuống giống, mật độ gieo cấy, lượng phân bón...



Mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ)


Ông Nguyễn Bá Thức - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết: So với các huyện đồng bằng thì Tân Kỳ gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm để xây dựng cánh đồng mẫu. Hầu hết đất sản xuất có địa hình là đồi núi, độ dốc tương đối cao, không bằng phẳng. Bên cạnh đó, việc canh tác của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, hệ thống thủy lợi đã xuống cấp và chưa có điều kiện tu sửa.

Trong huyện, Nghĩa Hoàn và Nghĩa Dũng là 2 xã có mặt bằng canh tác tương đối bằng phẳng, nhận thức canh tác của người dân tương đối cao, đãcơ giới hóa trong nhiều khâu sản xuất. Đây là lựa chọn để huyện chỉ đạo thực hiện thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu. Ông Hà Xuân Niêm, Trưởng ban Nông nghiệp xã cho biết: “Trên tổng diện tích 30 ha, chúng tôi đã thống nhất gieo cấy một loại giống. Nhờ sự hỗ trợ của phía công ty mà năng suất vụ xuân năm nay cao hơn các năm trước. Cụ thể, mỗi sào đạt từ 3 tạ trở lên (trước chỉ đạt 2,7-2,8 tạ/sào). Không chỉ thế, người nông dân còn được tập huấn các tiến bộ KHKT trong việc chăm sóc cây nên giảm được ngày công lao động, giảm chi phí đầu tư. Tính trung bình, mỗi sào lúa cho lợi nhuận 1.200.000 đồng”.

Gia đình bà Hà Thị Hội ở xóm Xuân Lâm (Nghĩa Hoàn) là một trong 155 hộ tham gia mô hình. “Ban đầu, chúng tôi thấy rất ái ngại. Đưa một giống lúa mới vào canh tác, rồi áp dụng nhiều hình thức sản xuất mới có sự liên kết với doanh nghiệp nênchưa quen. Nhưng khi được cán bộ của huyện và công ty phân tích, tuyên truyền những cái được nên chúng tôi tham gia rất hăng hái”. Vừa rồi, gia đình bà Hội thu hoạch hơn 4 sào lúa, đạt năng suất 3,1 tạ/sào. So với những năm trước, năm nay, nhà bà Hội được mùa.

Còn tại xã Nghĩa Dũng, 30 ha ngô tại xóm Cửa Đền đến thời điểm này đang xanh tốt, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Đây là diện tích đất bồi ven sông nên về mùa mưa lũ không thể canh tác. Toàn xã có 50 hộ tham gia mô hình, mỗi hộ trung bình từ 0,4 - 0,7 ha. Ông Trần Quang Chính, xóm trưởng xóm Cửa Đền cho biết: Với những hộ dân tham gia mô hình, họ hưởng ứng nhất là việc được các cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn cách làm đất, gieo trỉa rồichăm sóc, bón phân cho ngô. Điều mà lâu nay chúng tôi chỉ làm bằng kinh nghiệm và sự mò mẫm. Vì thế, hiện nay cây ngô đang phát triển rất tốt. Chúng tôi giảm được rất nhiều ngày công cũng như chi phí sản xuất khi tham gia mô hình này.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng cánh đồng mẫu tại huyện Tân Kỳ đang chỉkhởi đầu. Trên một diện tích 30 ha, sử dụng một loại giống và hình thành liên kết với doanh nghiệp trong việc hỗ trợ chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Từ đây, người nông dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất. Việc hình thành cánh đồng mẫu lớn sẽ tạo được vùng hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế cao,người nông dânbiết gắn sản xuất với thị trường, sản xuất ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm,bảo vệ môi trường. Cái được lớn nhất là tạo ra tập quán canh tác mới và mối quan hệ sản xuất giữa nông dân với nhau, với các "nhà" gắn bó hơn, vì nhau hơn.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong thực tế lấy từ ví dụ điển hình tại huyện Tân Kỳ. Đó là việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất cũng như việc bảo quản sau thu hoạch còn chưa đồng bộ. Ở các khâu cấy, gặt lúa vẫn sử dụng phương pháp thủ công, rồi chưa có hệ thống sân phơi tập trung hay lò sấy khi thu hoạch trong thời tiết mưa nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi của huyện Tân Kỳ hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Tại Nghĩa Hoàn, có 13,5 km kênh mương thì mới chỉ có 8km được bê tông hóa nhưng đã hư hỏng rất nhiều. Công tác “dồn diền đổi thửa” còn trong quá trình thực hiện nên đồng ruộng còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc cơ giơi hóa vào sản xuất và áp dụng các biện pháp canh tác hiện đại, tiên tiến.


Phạm Bằng

Mới nhất
x
Kinh nghiệm từ mô hình điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO