Kinh nghiệm từ Nghĩa Đàn

(Baonghean) - Là huyện miền núi, diện tích đất sản xuất lâm nghiệp rất lớn nhưng nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, tuyên truyền, giải thích đến từng hộ dân, từng chủ rừng nên ở Nghĩa Đàn không có người dân nào bị lừa đảo bằng hình thức gom sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Khi thấy hiện tượng có dấu hiệu lừa đảo ở một số tỉnh khác, UBND huyện Nghĩa Đàn cũng có các động thái cảnh báo, tuyên truyền đến tận người dân.

Trưa 17/4, trời nắng chang chang, anh Vũ Anh Tuấn - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn vẫn đội đầu trần cùng với ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội và anh Trần Trung Duyệt, cán bộ kiểm lâm xã dò theo con đường đất đến khu rừng bạch đàn của ông Trần Quốc Sâm ở xóm Khe Bai để giải thích, tuyên truyền cho chủ rừng về một số chính sách mới của huyện.

Cầm trên tay Công văn số 161 ngày 10/4/2013 của UBND huyện về việc ngăn chặn hành vi “thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có hành vi lừa đảo”, anh Vũ Anh Tuấn lần lượt giải thích cho chủ rừng về tác dụng của cuốn sổ đỏ đất sản xuất lâm nghiệp, những hành vi lừa đảo của một số cá nhân, tổ chức khi đến nhà dân vận động chủ rừng đưa sổ đỏ để chạy dự án hỗ trợ trồng rừng bằng tiền mặt,… Sau một hồi chăm chú lắng nghe, ông Trần Quốc Sâm thật thà cho biết, là những chủ rừng, kinh tế còn khó khăn nên khi nghe có ai hứa sẽ hỗ trợ tiền để trồng rừng, người dân sẵn sàng giao bìa đỏ mà không suy nghĩ gì nhiều. “Cũng may mà ủy ban huyện liên tục có những cảnh báo kịp thời chứ nếu không thì chúng tôi sẽ là những người bị lừa đầu tiên”, ông Sâm cười lớn và tâm sự rằng, thực ra, cách đây 5 - 6 năm, các chủ rừng như ông đã nhận được những cảnh báo như thế này.

Tuyên truyền cho chủ rừng, ngăn chặn các hành vi lừa đảo

tại xã Nghĩa Hội.

Anh Vũ Anh Tuấn cho biết, Nghĩa Đàn có diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lên đến hơn 22000 ha trải đều ở 24 xã trong toàn huyện, hầu hết số diện tích này đều đã được giao và cấp quyền sử dụng đất hợp pháp cho các chủ rừng. Với một diện tích và số lượng bìa đỏ lớn như vậy, việc quản lí, kiểm tra các hành vi bất minh của một số cá nhân, tổ chức liên quan đến rừng là rất khó khăn. Chính vì vậy, ngay khi UBND tỉnh có Công văn số 1488 ngày 24/3/2013 cảnh báo tình trạng gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hành vi lừa đảo gửi đến các huyện, thành thị, dù ở Nghĩa Đàn chưa xảy ra dấu hiệu gì nhưng ủy ban huyện vẫn kịp thời có biện pháp cảnh báo đến tận người dân. Anh Tuấn cho biết, những biện pháp ngăn ngừa này đã được UBND huyện thực hiện cách đây nhiều năm và mang lại hiệu quả rất tốt.

 Năm 2006, có một doanh nghiệp tìm đến Nghĩa Đàn đặt vấn đề hỗ trợ người dân trong một dự án trồng rừng, số tiền mà họ hứa lên đến 3000 tỷ đồng, huyện chỉ cần giúp công ty gom sổ đỏ có chứng thực là sẽ được giải ngân và thực hiện dự án. Đứng trước  dự án lớn như vậy, UBND huyện đã họp và thống nhất sẽ tiếp nhận dự án nhưng phải rất thận trọng. Sau khi tiến hành phô tô, chứng thực một số bìa đỏ, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện không giao ngay cho doanh nghiệp mà có các động thái thăm dò, tìm hiểu và thử thách. Trước những động thái như vậy, chỉ một thời gian rất ngắn sau, không hiểu sao người đại diện của công ty bặt vô âm tín, không thể liên lạc được. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường từ dự án, UBND huyện đã họp và phổ biến đến tận các phòng ban chức năng, xã, thị trấn để cảnh báo cho nhân dân biết.

Những năm 2008, 2009, khi người dân Nghĩa Đàn đang tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc thì có một số tổ chức, cá nhân âm thầm đi đến từng hộ dân ở các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Thọ, Nghĩa Yên, Nghĩa Hội,… vận động họ giao bìa đỏ để được hỗ trợ tiền từ dự án trồng rừng. Nhận thấy ở đây có những dấu hiệu bất thường, ngày 12/3/2009, khi các cơ quan quản lí cấp trên chưa có văn bản hướng dẫn nào, UBND huyện Nghĩa Đàn đã đề nghị các ngành Nông nghiệp, Kiểm lâm, Công an huyện vào cuộc.

Đồng thời đề nghị các cơ quan, ban ngành trong huyện kiểm tra, quản lý những đối tượng đang có hành vi bất minh trên địa bàn, tăng cường việc tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và cảnh giác về những hành vi lừa đảo núp bóng các dự án trồng rừng có nguồn vốn từ nước ngoài. Cũng vào thời điểm này, một số địa phương khác trong tỉnh rộ lên tình trạng gom sổ đỏ đi “chạy” dự án trồng rừng nhưng nhận sổ đỏ xong, các công ty hoặc cá nhân đi gom này biến mất khiến người dân hoang mang, lo lắng. Ở Nghĩa Đàn, nhờ có biện pháp phòng ngừa sớm nên không có một chủ rừng nào bị lừa.

Sau hai đợt phòng ngừa sớm và đạt hiệu quả cao, các phòng, ban chức năng đã tham mưu cho ủy ban huyện đề ra quy trình, kiểm tra quản lý việc người dân sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ngay từ cấp xã. Ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho biết, mấy năm gần đây, mỗi khi người dân mang sổ đỏ đất sản xuất lâm nghiệp đi làm thủ tục hành chính như công chứng, đóng dấu, các cán bộ xã sẽ hỏi xem mục đích của họ là gì, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, lập tức sẽ báo lên các cơ quan cấp huyện để có biện pháp ngăn chặn, xử lí.

Nghệ An từng là một trong những huyện rộ lên hành vi lừa đảo bằng hình thức gom sổ đỏ để hỗ trợ dự án trồng rừng. Vào thời kỳ cao điểm, toàn tỉnh có hàng chục ngàn chủ rừng giao sổ đỏ rồi không biết tìm ai để lấy lại, một số cán bộ cũng có động thái tiếp tay cho những kẻ lừa đảo này. Đầu năm nay, hiện tượng trên lại tiếp tục xuất hiện trở lại, các cơ quan như Bộ Công an, Bộ NN&PTNT lần lượt ra văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành địa phương có biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa kịp thời, xác minh, điều tra xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để lừa đảo. UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và các huyện triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trên.

Ông Vi Văn Định - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Kinh nghiệm lớn nhất mà địa phương rút ra được trong quá trình nhiều năm đấu tranh với loại tội phạm mới này là sự cảnh giác cao độ, sự quan tâm, sâu sát với chủ rừng để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu, các hành vi bất thường. Quan trọng hơn là phải tìm hiểu kỹ các cá nhân, tổ chức, các dự án trồng rừng định thực hiện trên địa bàn. Khi đã xác định được đây là những dự án ma, những tổ chức lừa đảo thì phải lập tức lên tiếng cảnh báo và tăng cường tuyên truyền đến tận từng người dân để họ hiểu và cảnh giác.

Từ kinh nghiệm ở Nghĩa Đàn, thiết nghĩ, nếu địa phương nào cũng có được sự cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng ngay từ đầu, có hình thức quản lí chặt chẽ, có biện pháp tuyên truyền kịp thời và thường xuyên đến tận các chủ rừng thì chắc chắn, hình thức lừa đảo trên sẽ ngăn chặn được.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

tin mới

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.