Kinh tế tập thể khó tiếp cận vốn

13/06/2012 18:29

(Baonghean) Thực hiệnNghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành loạt chính sách tín dụng mở, hạ mặt bằng lãi suất, ưu tiên 4 lĩnh vực, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận vốn tiếp tục duy trì sản xuất. Nhưng trên thực tế, nhiều thành phần kinh tế vẫn khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt là khu vực kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng.


Ông Nguyễn Gia In- Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên chia sẻ: Làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), bình quân mỗi năm đóng mới 65 chiếc tàu thuyền công suất từ 30- 700 CV phục vụ thị trường trong cả nước. Làng nghề hiện có 400 lao động, cần vốn sản xuất rất lớn. Để đóng được 1 con tàu cần từ 50 khối gỗ trở lên, tàu lớn trên 100 khối gỗ, bình quân 1 khối gỗ theo giá hiện nay là 10 triệu đồng/khối.

Nhu cầu vốn hàng năm của làng nghề cần trên 10 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, mua nguyên liệu đóng tàu, nhưng từ trước đến nay HTX chưa vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất do HTX không có bìa đất để thế chấp. Nếu có mượn được bìa đất của người trong HTX để thế chấp thì đất ở nông thôn giá trị rất thấp, chẳng thấm vào đâu. Các hợp đồng đóng tàu của HTX cũng không có giá trị để thế chấp vay vốn ngân hàng. Hàng chục năm nay HTX luôn phải vay vốn lãi suất cao trong dân để mua nguyên liệu.




Đóng tàu vỏ gỗ tại HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên.

Ông Tăng Tiến Huỳnh- Chủ nhiệm HTX thủ công nghiệp Thắng Lợi(huyện Yên Thành) cho biết: Tôi thường xuyên phải lấy bìa đất của gia đình mình để thế chấp vay vốn cho HTX, nhưng ngân hàng cũng chỉ giải quyết cho vay được 50 triệu đồng. Trong khi HTX luôn cần vốn lưu động 500 triệu đồng để mua nguyên liệu và trả tiền thu mua hàng mây tre đan xuất khẩu cho bà con nhân dân 7 xã của huyện Yên Thành và 3 xã của huyện Diễn Châu. Mỗi đợt thu mua hàng, tôi phải vất vả tìm cách vay mượn vốn nội bộ và cả bên ngoài để kịp thời trả tiền hàng cho bà con, giữ uy tín với người lao động.


Bà Hồ Thị Tân- Chủ nhiệm HTX công nghiệp- thương mại cổ phần Quyết Thành (Thành phố Vinh) thổ lộ: Thời gian gần đây, lãi suất tiền gửi liên tục được điều chỉnh hạ, nhưng chúng tôi vẫn phải vay vốn với lãi suất cao. HTX Quyết Thành đang vay vốn tại một Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh, khi lãi suất huy động 14%/năm, thì lãi suất cho vay 22,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi hạ xuống còn 13%/năm, lãi suất vay vốn dài hạn mà chúng tôi phải trả là 21,5%/năm. Và khi lãi suất tiền gửi tiếp tục hạ xuống còn 11%/năm, thì đối với lãi suất vay vốn dài hạn, HTX vẫn đang phải trả cho ngân hàng là 21,5%/năm. Khi chúng tôi đến làm việc trực tiếp với bộ phận tín dụng của ngân hàng đề xuất điều chỉnh hạ lãi suất vay vốn, thì được cán bộ tín dụng cho biết “việc này phải trình ra Hội sở, do đó phải chờ Hội sở quyết định. Đối với cho vay trung dài hạn, niên độ 3 tháng điều chỉnh 1 lần, do vậy, lên hoặc xuống cũng 3 tháng mới điều chỉnh”.


Ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho biết: Chính sách về tín dụng đối với khu vực HTX đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Theo quy định của Trung ương thì các HTX được bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác để tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Nhưng trong thực tế, nhất là 10 năm gần đây, các HTX tiếp cận vốn rất khó khăn, do đó dư nợ của lĩnh vực này rất thấp ở ngân hàng. HTX nguồn tài chính nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, tài sản thế chấp ít, nhỏ.

Tỷ lệ được cấp quyền sử dụng đất thấp, đối với những HTX đã được cấp bìa nhưng bìa đó cũng không có giá trị để thế chấp với ngân hàng, do đó hầu như các Chủ nhiệm HTX đều phải lấy bìa đất của cá nhân gia đình để thế chấp vay vốn. Về tín chấp, ngân hàng thiếu tin tưởng đối với HTX. Về phía tổ chức tín dụng, các ngân hàng cho rằng các HTX điều kiện vay vốn không đảm bảo nên cho vay dè dặt, ít, hoặc không cho vay.

Trong khi các loại hình HTX không “nhạy bén” trong tìm cách tiếp cận nguồn vốn. Thực tế cho thấy trong tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại hàng năm thì dư nợ cho vay các đối tượng loại hình HTX chỉ chiếm khoảng 0,05%/năm dư nợ hàng năm. Ngoài ra, các loại nguồn vốn ưu đãi khác như: các gói kích cầu của Chính phủ năm 2009, 2010; cho vay không cần thế chấp “tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các HTX” theo Nghị định 41… Song trên thực tế, HTX không được tiếp cận. Hoặc vay chính sách xoá đói giảm nghèo, ngay những kênh ưu đãi này HTX cũng không được vay, hoặc vay rất thấp.


Thời gian gần đây, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã có các cơ chế mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đó là tín hiệu vui cho cả nền kinh tế, song hiện tại, tình hình tiếp cận vốn của khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn chưa có tiến triển khả quan hơn. Chính rào cản trong tiếp cận vốn càng làm cho sản xuất kinh doanh của khu vực HTX đã khó lại càng khó.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Kinh tế tập thể khó tiếp cận vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO