Kinh tế trang trại hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn

07/07/2014 22:14

(Baonghean) - Với tổng giá trị sản lượng hàng năm hơn 900 tỷ đồng, trong đó trên 85% là sản phẩm hàng hóa, có thể nói phát triển kinh tế trang trại là một hướng đi đúng hướng và hiệu quả trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.

Mô hình trang trại ở Nam Thành - Yên Thành. Ảnh: Văn Trường
Mô hình trang trại ở Nam Thành - Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Ông La Văn Toán (bản Hòa Sơn - xã Tà Cạ - Kỳ Sơn) bắt đầu xây dựng trang trại từ năm 1997, chủ yếu là khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăn nuôi tổng hợp. Ở vùng miền núi, đó là cách làm được coi là đúng hướng và hiệu quả. Với 10 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, gồm đủ các loại cây gỗ quý như 300 cây săng lẻ, 500 cây đinh hương và 1.000 cây gỗ xoan… khi đưa vào khai thác sẽ đem về nguồn thu rất lớn. Ông Toán chia sẻ: Xã Tà Cạ là vùng đất nghèo, đời sống gia đình trước đây rất khó khăn. Nhờ được chính quyền địa phương tạo điều kiện dồn điền đổi thửa, cho thuê đất, vay vốn ngân hàng, chuyển giao tiến bộ KHKT, qua gần 20 năm bắt tay vào làm kinh tế trang trại, từ hộ nghèo, trong nhà chẳng có gì, nay tôi đã làm được nhà kiên cố, mua sắm được các đồ dùng đắt tiền, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài diện tích rừng nhận khoanh nuôi bảo vệ, gia đình tôi còn nuôi thêm hàng chục con dê, lợn, ngan gà, ao cá và đặc biệt trong ao lúc nào cũng có vài ba trăm con ba ba. Trong 3 năm trở lại đây, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình thu về khoảng 125- 130 triệu đồng/năm. Ngoài 6 lao động chính của gia đình, còn thuê thêm 3 lao động thời vụ với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Nam Đàn được coi là một trong những địa phương phát triển khá mạnh về loại hình kinh tế trang trại. Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Nguyễn Xuân Quế cho biết: Phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh tế trang trại là một chủ trương quan trọng của Nam Đàn, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Các trang trại nhỏ, gia trại được khuyến khích chuyển nhượng cho nhau để mở rộng quy mô. Tính đến tháng 12/2013, toàn huyện có 685 trang trại, gia trại, tăng 653 trang trại so với năm 2000, với tổng diện tích đất 903 ha, giải quyết việc làm cho khoảng 1.460 lao động thường xuyên và 1.400 lao động thời vụ. Đặc biệt trong đó, có 325 ha đất xa xấu, hoang lác, vùng trũng đã được đưa vào làm trang trại với mức lãi ròng thấp nhất là 40 - 50 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, Nam Đàn đã có 32 trang trại đạt tiêu chí. Đặc biệt, toàn huyện có 348 trang trại chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao, có 26 trang trại đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Có được kết quả đó là nhờ Nam Đàn đã có những bước đi phù hợp, hiệu quả. Từ năm 2001 đến nay, các trang trại đều được hỗ trợ, cho vay vốn đầu tư và được hỗ trợ lãi suất. Tính đến nay, huyện đã trích ngân sách hỗ trợ gần 4 tỷ 760 triệu đồng để người dân có xây dựng và phát triển kinh tế trang trại.

Ông Nguyễn Xuân Dinh (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu) cho biết: Để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn, Quỳnh Lưu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho 47 chủ trang trại được nhận đất, thuê đất. Các trang trại đều được miễn thuế thu nhập, được miễn đóng thuế đất nông nghiệp đối với phần diện tích trong hạn điền, được tạo điều kiện vay vốn; nhiều chủ trang trại được hỗ trợ vốn để xây dựng các mô hình mới như trồng mít nghệ ở Tân Thắng, nuôi tôm theo quy trình Vietgap. Đặc biệt, Quỳnh Lưu rất quan tâm đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm - khâu quan trọng và được cho là còn nhiều bất cập trong giai đoạn hiện nay. Ngoài hệ thống chợ nông thôn được mở rộng, một số trang trại sản xuất hàng hóa lớn được tạo điều kiện liên hệ với các công ty tiêu thụ sản phẩm, tham dự các hội thảo, cung cấp thông tin về thị trường. Một số trang trại tại các xã Ngọc Sơn, Tân Thắng được tham gia vào các dự án phi chính phủ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết 4 nhà được hình thành như mô hình liên kết giữa người sản xuất rau Quỳnh Lương, HTX sản xuất rau an toàn Phú Lương với Viện Khoa học Bắc Trung bộ và Siêu thị Metro Hà Nội để sản xuất và tiêu thụ hàng trăm tấn rau an toàn mỗi năm. Hay mô hình liên kết giữa người dân sản xuất giống ngô ở An Hòa, HTX Bút Lĩnh với Công ty CP VTNN Nghệ An và cán bộ Sở NN&PTNT trong sản xuất và tiêu thụ giống ngô lai F1...

Phát triển kinh tế trang trại được coi là một trong những hướng đi phù hợp nhằm phát triển kinh tế vùng nông thôn, miền núi. Từ những năm 2000, Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế quan trọng này. Việc dồn điền đổi thửa được tập trung đẩy mạnh, các cơ chế, chính sách nhằm tạo quỹ đất, khuyến khích tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế trang trại được ban hành. Việc chuyển nhượng, thuê, mượn… để tích tụ đất làm trang trại đã trở thành phong trào tại hầu khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Mặc dù còn là một tỉnh nghèo, tổng thu ngân sách chưa đủ trang trải nhưng từ năm 2000 đến nay, năm nào tỉnh ta cũng có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có kinh tế trang trại. Ngoài ra, còn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để hỗ trợ hệ thống hạ tầng đối với các vùng trang trại tập trung có khối lượng hàng hóa lớn. Đặc biệt, nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa của trang trại đã được ban hành, đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Từ 178 trang trại năm 2000, đến năm 2012 toàn tỉnh đã có gần 3.000 trang trại, với đủ các loại hình trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp. Và đến nay, theo tiêu chí mới, toàn tỉnh có 420 trang trại, trong đó 116 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các địa phương đã quan tâm đến công tác quy hoạch vùng trang trại tập trung để phát triển kinh tế hàng hóa, đầu tư xây dựng hạ tầng tạo điều kiện để các trang trại phát triển. Nhờ kinh tế trang trại phát triển đã tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động nông thôn, góp phần phân công lại lao động, xóa đói giảm nghèo, hiệu quả kinh tế ngày càng được nâng lên. Theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT, thì đến năm 2013, tổng giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ của 420 trang trại đạt 903.917 triệu đồng, bình quân một trang trại đạt 2 tỷ 152 triệu đồng, thu nhập bình quân một trang trại đạt trên 547 triệu đồng, nhiều trang trại cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.

“Kinh tế trang trại là bước phát triển mới đúng hướng của kinh tế nông hộ gắn với mục tiêu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đưa công nghiệp vào nông thôn. Đặc biệt, nó đã góp phần khai thác có hiệu quả một diện tích lớn đất trống, đồi núi trọc, đất xấu hoang hóa, tạo tiền đề khuyến khích tập trung và tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Một số trang trại đã sản xuất và cung cấp giống tốt, làm dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng, là mô hình để người dân học tập nhân rộng. Dù còn một số hạn chế như thực hiện quy hoạch trang trại ở một số địa phương chưa hiệu quả, một số vấn đề về sử dụng đất ở các trang trại chưa được xử lý kịp thời, trình độ quản lý của các chủ trang trại và tay nghề người lao động còn hạn chế, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập…, nhưng với tổng giá trị sản lượng hàng năm hơn 900 tỷ đồng, trong đó trên 85% là sản phẩm hàng hóa, có thể nói phát triển kinh tế trang trại là một hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi”- ông Hồ Ngọc Sỹ khẳng định.

Phú Hương

Mới nhất
x
Kinh tế trang trại hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO