Kỳ 1: “Cát tặc” hoành hành

08/08/2013 15:15

Thời gian qua,  tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh diễn ra ồ ạt, công khai, làm sạt lở nhiều đoạn bờ sông Lam, sông Hiếu, sông Con, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhiều công trình, tuyến đê xung yếu. Thực trạng này diễn ra trong nhiều năm nay nhưng hầu như không thấy các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, gây bức xúc trong nhân dân.

(Baonghean) - Thời gian qua, tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh diễn ra ồ ạt, công khai, làm sạt lở nhiều đoạn bờ sông Lam, sông Hiếu, sông Con, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhiều công trình, tuyến đê xung yếu. Thực trạng này diễn ra trong nhiều năm nay nhưng hầu như không thấy các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, gây bức xúc trong nhân dân.

Đứng từ cống ba ra Nam Đàn phóng tầm mắt ra bờ sông Lam thấy những con tàu sắt đen sẫm, bụng lặc lè cát đang về bến để xả cát. Sát chân cầu Nam Đàn là một bến cát khổng lồ của ông Trần Văn Nhưng ở khối Yên Khánh - Thị trấn Nam Đàn đang hoạt động rất nhộn nhịp.Trên bến là máy xúc, máy cẩu đang múc cát cho từng đoàn xe ô tô vận tải. Bến cát này nằm sát với cống ba ra Nam Đàn, ông Nhưng còn cho xây lấn cả trụ cầu chiếm hành lang cống ba ra. Bến cát của ông Nhưng nằm ở địa điểm xung yếu, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy, gây mất an toàn cho cầu Nam Đàn và cống ba ra, song không hiểu sao nó vẫn ung dung tồn tại nhiều năm qua. Một người dân địa phương bức xúc cho biết: Bến cát này làm đảo lộn cuộc sống của người dân nơi đây, xe ô tô vào ra liên tục chở cát, gây bụi mù mịt. Tàu thuyền hút trộm cát ven sông và hút cả vào khu vực trụ cầu, nếu khai thác cát trái phép không được ngăn chặn thì cầu Nam Đàn có thể bị sập bất cứ lúc nào.

Tại khu vực cống Ba Ra- Nam Đàn có khoảng hơn chục con tàu đang nằm gần mép cống và càng ngạc nhiên hơn là có cả những con tàu chứa đầy cát chui vào cả lòng cống để ẩn nấp, gây ách tắc dòng chảy. Tính từ chân cầu Nam Đàn chưa đầy 1 km mọc lên gần 10 bến cát, quy mô hoạt động khá lớn. Các bến đều có cần trục, máy xúc để múc cát cho ô tô vận tải từ khắp nơi về lấy cát. Như bến của ông Đình, ông Hoàn, Xuân Thủy…

Ngay từ sáng sớm cho đến chiều, các tàu cát lớn bằng sắt với sức chứa từ 70-100 m3 tỏa ra các điểm ở Thị trấn Nam Đàn và dọc các xã Nam Tân, Nam Thượng, Hùng Tiến …thi nhau hút cát gây sạt lở bờ sông. Bà Nguyễn Thị L ở xóm 4 xã Nam Tân than thở: Cả gia đình chỉ biết dựa vào đất bãi bồi để sinh sống mà nay anh coi, hút cát gây sạt lở, bây giờ đất canh tác đã nằm ngoài sông, giờ chỉ còn khoảng chưa đầy 1 sào để trồng đậu, không biết lấy gì mà sinh sống. Nhiều điểm do khai thác cát quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, đe dọa cả đất thổ cư của vùng ven Thị trấn Nam Đàn.


Bến cát của ông Trần Văn Nhưng ở sát công trình cầu Nam Đàn và cống ba ra.

Tại Đô Lương, vấn đề khai thác cát trái phép đang diễn ra nóng bỏng. Ngay tại xã Bồi Sơn - Đô Lương có 2 bến cát của anh Quế và anh Bé khá quy mô. Khi chúng tôi chụp ảnh bến cát thì Quế đe dọa: “Bé nó vừa đi “trại” về đó …”. Theo phản ánh của người dân thì tàu thuyền của Bé và Quế với công suất lớn đi hút cát khắp nơi cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi lần đường ra gần mép sông, gần với công trình Trạm bơm xã Bồi Sơn.

Các tàu hút cát đang công khai hoạt động, tiếng động cơ nổ ầm ầm như một công trường. Tàu cát sục “vòi rồng” đến đâu thì ở đó nước ngầu lên. Chúng tôi chụp ảnh thì các đối tượng trên tàu cho tắt máy neo đậu sát bờ. Theo tìm hiểu thì tàu của Quế và Bé “đánh” cát khắp nơi từ Bồi Sơn đến Lam Sơn, Tràng Sơn …Thậm chí ngay cả bờ kè sông Lam (khu vực trọng yếu) chỉ cách con đường Tỉnh lộ 15 đi Tân Kỳ khoảng hơn 30m, các tàu cát cũng sục vòi rồng để lấy cát bất chấp sạt lở bờ kè, công trình Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để kè chống sạt lở cho xã Tràng Sơn.

Bà Lê Thị T ở xóm 6 xã Bồi Sơn cho hay: Dọc con đường Ngọc - Lam - Bồi nhiều đoạn sạt lở đã ăn vào gần sát đường. Ngay tại phía trước đền Quả Sơn, cả một dọc kéo dài đã bị sạt lở và có nhiều vết nứt. Hiện nay sạt lở còn đe dọa diện tích đất thổ cư của bà con các xóm 5 - 6. Chúng tôi quan sát tại Trạm bơm Bồi Sơn các vết lở đã khoét sâu vào tận hành lang của Trạm. Ông Nguyễn Văn B ở xóm 2 xã Bồi Sơn nói thêm: Trước đây gia đình làm 3 sào ngô nhưng 2 sào đã bị lở xuống sông, bây giờ chỉ còn 1 sào ngô không thể nuôi nổi 4 miệng ăn. Tàu thuyền ở đây khai thác hút cát sát ngay ở bãi bồi làm lở đất canh tác của dân xuống sông.

Người dân nhiều lần đã tổ chức ra đẩy đuổi nhưng quay về là tàu thuyền lại đến hút. Cứ đà này thì người dân chẳng có đất để canh tác mưu sinh nữa. Hiện nay nhiều đoạn sông ở Tràng Sơn, Bồi Sơn, Lam Sơn …được Nhà nước đầu tư tiền của để kè chống sạt lở, nhưng trước vấn nạn hút cát công khai trắng trợn, bạ đâu hút đó không có sự quản lý của các cấp chính quyền địa phương thì nhiều bờ kè đang bị đe dọa sạt lở. Đất canh tác và đất ngụ cư của bà con nhiều xã dọc sông Lam đang kêu cứu.

Tại khu vực cống Ba Ra- Đô Lương theo quy định bảo vệ công trình cách hạ lưu và thượng lưu trên 500 mét. Theo một cán bộ Trạm quản lý ba ra Đô Lương thì các đối tượng khai thác cát vẫn lợi dụng đêm tối để vào khu vực cấm khai thác. Trạm thường xuyên phải canh trực để đẩy đuổi. Bên cạnh đó là khai thác cát trái phép ở Hưng Nguyên diễn ra khá nhức nhối, điểm nóng tập trung ở xã Hưng Lam, tại đây hàng chục tàu cát của người dân địa phương hút cát ven bờ sông gây sạt lở đất canh tác của bà con, gây bức xúc trong dư luận.

Ngược lên các huyện miền Tây xứ Nghệ, tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, hoạt động khai thác cát diễn ra rất công khai. Ngay tại khu vực eo Vực Bồng xã Bồng Khê (Con Cuông) thời điểm này có 5 - 7 tàu khai thác cát trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm, tàu hút cát đặt vòi rồng ngay tại bờ sông, thậm chí cho hút ngay sát eo Vực Bồng, công trình trọng điểm vừa được Nhà nước kè chống sạt lở.

Tại dọc dòng sông Nậm Mộ đoạn Thị trấn Mường Xén và Tà Cạ (Kỳ Sơn) tàu khai thác cát hút vô tội vạ ở ven bờ sông, thậm chí còn phá con đường ven sông Nậm Mộ để hình thành bến cát. Đối với huyện Tân Kỳ, từ đầu năm 2013 đến nay, đoàn liên ngành của tỉnh đã truy quét, đẩy đuổi các tàu khai thác trái phép. Tuy nhiên đến thời điểm này tại dọc dòng sông Con khu vực Nghĩa Đồng vẫn có một số tàu thuyền hút trộm cát sạn.

Có thể nói rằng sau một thời gian lực lượng chức năng của tỉnh vào cuộc truy quét đẩy đuổi, tình hình có giảm. Nhưng đến thời điểm này thì khai thác cát trái phép lại tái diễn, hoạt động công khai và có chiều hướng gia tăng.
(còn nữa)


Bài, ảnh: Minh Hà

Kỳ 1: “Cát tặc” hoành hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO