Kỳ 1: Những thăng trầm nghề

05/04/2013 18:11

(Baonghean) - Tháng 2 âm lịch, mùa thu lộc nhung. Về vùng bãi ngang huyện Quỳnh Lưu những ngày này không khí làng xóm chộn rộn người đi cắt lộc, thu mua lộc. Thật thú vị khi có dịp nhâm nhi chén rượu huyết hươu - “sản phẩm phụ” của lộc nhung, nghe chuyện thăng trầm nghề nuôi hươu.

Nguyễn Văn Kế (xóm 7 Quỳnh Yên) là hộ có trang trại nuôi hươu lớn ở Quỳnh Yên - Quỳnh Lưu với 27 con.

Chỉ vào ngôi nhà gỗ lợp ngói ngót cả tỷ đồng, Kế nói: Tất cả từ hươu mà ra. Năm 1990 lấy vợ, của hồi môn của 2 gia đình, cộng vốn liếng góp được 2,8 cây vàng, chung được 2 chân hươu với anh em bạn bè. Vào thời điểm đó được xem là may mắn bởi vì chỉ một hai năm sau, khi cao điểm của “sốt” hươu, số tiền đó chỉ mua nổi “1 móng” hươu. Đó là những năm 90 - 91 của thế kỷ trước, khi nơi địa đầu xứ Nghệ này người người buôn hươu, nhà nhà bàn chuyện hươu, đến như Hội Nông dân cũng “vào cuộc”. Rồi hươu bỗng rớt giá từ 50 - 60 triệu đồng một con hươu cái xuống vài trăm ngàn đồng, bán cũng không ai mua. Nhiều hộ dân dốc hết vốn liếng vào hươu bị “phá sản”, kéo theo nhiều hệ lụy, bi kịch từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Với đầu óc nhạy bén, Nguyễn Văn Kế nhận đây là một cơ hội làm ăn. Khi con hươu rớt giá mọi người “bán tống bán tháo” là lúc Kế thu gom. Có thời điểm trong chuồng nhà có đến sáu, bảy chục con hươu các loại. Vừa mua vừa bán mỗi cặp hươu qua tay, Kế lãi vài trăm ngàn là chuyện thường. Tại thời điểm rớt giá, tổng đàn hươu trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu chỉ còn khoảng 4.000 con (trước đó có khoảng 15.000 -16.000 con). Như vậy có hơn chục ngàn con hươu qua tay các “đại lý” như Kế về các địa phương trong, ngoài tỉnh.



Hươu đến kỳ thu hoạch nhung của gia đình anh Nguyễn Văn Kế
(xóm 7, Quỳnh Yên Quỳnh Lưu)

Đến thời điểm hiện nay, khi con hươu đã trở lại với giá trị đích thực của nó thì nuôi hươu đang trở thành một nghề phát triển cho thu nhập ổn định, đóng góp đáng kể vào đời sống hàng ngày của người dân.

Là người tham gia nuôi hươu từ những năm 80 của thế kỷ trước, trải qua các thời kỳ thăng trầm và lúc nào trong chuồng cũng có 3-4 con hươu, ông Phạm Hữu Doanh - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Nghĩa lại có nhìn nhận khác về giá trị thực của con hươu. Ông Doanh cho biết: Kể cả những lúc "sốt" hươu lên đỉnh điểm, gia đình ông vẫn “kiên định” mục tiêu là nuôi hươu lấy nhung. Ông lý giải giá trị của hươu là nhung, nên giá hươu đực bao giờ cũng phải cao hơn hươu cái. Việc giá trị hươu cái bị đẩy lên cao nhiều lần so với hươu đực là điều bất hợp lý. Nó bị “thổi” do những người đi buôn để trục lợi. Giá trị cặp nhung luôn bình ổn kể cả lúc sốt đến thời điểm hiện nay.

Hươu là con vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, từ những năm 60 của thế kỷ trước, Quỳnh Nghĩa có 2 người nuôi hươu là ông Tô Duy Hảo và Hồ Công. Ngày đó những nhà giàu có mới có điều kiện nuôi, và nuôi hươu để lấy nhung dùng trong gia đình, chứ chưa thành hàng hóa. Từ những năm 1980 thì hươu mới trở thành hàng hóa. Và đến bây giờ hươu vẫn là vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao so với trâu, bò, lợn… Ông làm phép tính: Chi phí cho một con hươu trong 1 năm gồm có 50kg ngô, thức ăn hàng ngày là lá cây phụ phẩm nông nghiệp hết khoảng hơn 1 triệu đồng, cộng với 100.000 đồng khấu hao chuồng trại. Tổng chi cho 1 đầu hươu hết khoảng 1,2 triệu đồng; thu hoạch được 0,7 kg nhung. Tại thời điểm hiện nay bán được 7 triệu đồng, trừ chi phí, người nuôi “lãi ròng” 5,8 triệu đồng. Giá hươu giống hiện nay khoảng 6 triệu đồng/con hươu đực và khoảng 4 triệu đồng con hươu cái. Với chu kỳ cho nhung của hươu là 17 năm, thì con hươu vẫn là con vật mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Khi con hươu trở lại với giá trị thực của nó, thì phong trào nuôi ngày càng phát triển. Từ năm 2000 trở lại nay, đàn hươu ngày càng tăng. Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, hiện tổng đàn hươu của huyện đã lên đến 15.000 con, đã xuất hiện hình thức nuôi theo trang trại với số lượng khoảng 50 con tại các địa phương vùng bán sơn địa. Theo ước tính, sản lượng nhung hươu toàn huyện năm 2013 đạt khoảng 4 tấn. Với giá bán hiện nay 9 triệu đồng/kg sẽ cho thu nhập 36 tỷ đồng. Chưa kể đến thu nhập từ hươu con và các sản phẩm khác từ hươu như cao, thịt…

Qua thời kỳ suy thoái, hiện nay hươu đang trở thành một vật nuôi chính góp phần vào kinh tế nông nghiệp ở Quỳnh Lưu. Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nghề nuôi hươu phát triển một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất?

(Còn nữa)


Công Sáng

Kỳ 1: Những thăng trầm nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO