Kỳ 1: “Quýt làm, cam chịu”
Từ năm 2004, Bộ Lao động 2 nước Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt tại Hàn Quốc. Từ đó, đã có 63.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, đem lại nguồn thu không nhỏ. Tuy nhiên, mới đây Bộ Lao động Hàn Quốc đã tiếp tục tạm dừng chương trình này với lý do đưa ra: Việt Nam có tỷ lệ người lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng quá cao. Việc này đã khiến cho 12.000 lao động đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên toàn quốc trực tiếp bị ảnh hưởng; trong đó Nghệ An là tỉnh có số lượng lao động“chờ” đông bậc nhất: gần 3000 người.
(Baonghean) - Từ năm 2004, Bộ Lao động 2 nước Việt Nam-Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt tại Hàn Quốc. Từ đó, đã có 63.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, đem lại nguồn thu không nhỏ. Tuy nhiên, mới đây Bộ Lao động Hàn Quốc đã tiếp tục tạm dừng chương trình này với lý do đưa ra: Việt Nam có tỷ lệ người lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng quá cao. Việc này đã khiến cho 12.000 lao động đã qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên toàn quốc trực tiếp bị ảnh hưởng; trong đó Nghệ An là tỉnh có số lượng lao động“chờ” đông bậc nhất: gần 3000 người.
Tình cờ gặp lại Lê Văn Huế đang tất bật với mấy lồng gà phía cuối chợ Đội Cung (T.P Vinh), tôi ngạc nhiên: “Chị tưởng em “bay” sang Hàn rồi?”. Cậu thanh niên sinh năm 1988 này cười buồn: “Chờ gần 1 năm rồi chị ơi. Em chẳng biết tính bài gì cho tương lai, đành ban ngày đi phụ đứa em vặt lông gà ở chợ, đêm về lại lần mò lên mạng xem thông tin mới, không biết khi nào bên Hàn Quốc mới tiếp nhận lao động Việt trở lại?”
Chen chúc mua hồ sơ, đăng ký dự tuyển thi tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Nghệ An
Trong thời gian chờ đợi được tuyển dụng, Lê Văn Huế kiếm sống bằng nghề… vặt lông gà
Huế quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nhưng định cư tại TP. Vinh đã vài năm nay. Cũng vì ở quê khó khăn, Huế xin cha mẹ vào Vinh với mấy người em họ tìm đường làm ăn. Trong số em họ của Huế, có anh Võ Sỹ H. (quê Nghi Liên, Nghi Lộc) đã đi lao động Hàn Quốc mấy năm, thấy có triển vọng nên khuyến khích Huế sang bên đó. Huế vừa đi vặt lông gà ở chợ Đội Cung, vừa tham gia khóa học tiếng tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Huế đã vẽ ra một tương lai cho mình sau khi vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn (đạt 188 điểm) tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm ngoái: Sẽ chăm chỉ lao động, kiếm một chút vốn về giúp đỡ bố mẹ già, có thể mở mang kinh doanh gì đó. Thế rồi lại nghe một “cò” nói như “đinh đóng cột” rằng: Huế là người ngoại tỉnh nên phải có bằng trung cấp nghề mới đạt yêu cầu để đi, muốn đi sớm thì phải đẩy hồ sơ lên trước. Muốn đẩy hồ sơ lên trước và có luôn cả bằng trung cấp thì “chạy” 5000 USD. Huế cuống cuồng vay mượn, may sau này có người giúp nên Huế đòi lại được số tiền “chạy để được đi sớm” ấy. “Đợt đi kiểm tra ở Hà Nội em cũng tiêu tốn đến mấy triệu đồng”. Huế kể thêm rằng, sau khi thi chứng chỉ tiếng Hàn xong, những ai đạt yêu cầu thường được “cò” liên hệ chạy tiền để đưa tên lên mạng và đẩy hồ sơ đi sớm. “Không biết có phải do em đòi lại tiền không mà bây giờ không thấy tên em trên mạng. Cũng không biết giờ đây hồ sơ của mình đang nằm ở đâu nữa”. Thế là, không chỉ nóng lòng chờ đợi cái ngày phía Hàn nhận lao động trở lại mà Huế còn đang phấp phỏng không biết vì sao mình chưa có tên. Chờ đợi nhiều lúc khiến Huế “tắt” cả hy vọng.
Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1984) là trẻ mồ côi, sống tại Làng trẻ SOS Vinh từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp THPT rồi đi học nghề nhưng không xin được việc làm, năm 2010, Hải quyết tâm học tiếng Hàn với ước mơ đi xuất khẩu lao động để “đổi đời”. Hơn 1 năm miệt mài học tiếng và chờ đợi, Hải cùng cậu bạn ở Làng trẻ là Nguyễn Hữu Nhàn vay mượn tiền bạc, khăn gói ra Hà Nội dự một kỳ kiểm tra “gắt gao hơn cả thi đại học”. Nhưng Hải và Nhàn đều đỗ với số điểm rất cao. Cả hai vui mừng nộp hồ sơ, ung dung chờ ngày được “bay”. Suốt thời gian chờ đợi, cả hai hầu như không làm được việc gì, ngày nào cũng lên mạng để xem hồ sơ của mình thế nào, có được phía Hàn tuyển dụng hay không. Khi mà thời hạn của tấm chứng chỉ tiếng Hàn sắp hết thì họ lại nhận được tin phía Hàn tạm ngừng tuyển lao động Việt. “Nghe tin mà chúng em rụng rời chân tay. Bao nhiêu hy vọng, mơ ước tan dần. Không biết bao giờ cơ hội mới đến với những người tận cùng như chúng em nữa?” - Hải tâm sự. Cả Hải và Nhàn cho biết, để có được tấm chứng chỉ dự thi tiếng Hàn, họ đã phải vất vả thuê phòng trọ, ăn cơm bụi suốt 1 năm trời. Trong suốt thời gian chờ đợi, họ không làm được việc gì nên hồn. Một số công ty ở Vũng Áng, Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh cũng liên hệ, gọi đi làm nhưng họ không dám nhận lời vì sợ lỡ cơ hội sang Hàn.
Hoàng Văn Bình (SN 1985) quê Bích Hào, Thanh Chương cũng rơi vào trường hợp “dở khóc dở mếu” như Huế, Hải và Nhàn. Sau khi đi xuất khẩu lao động sang Malaysia nhưng không đủ tiền trả nợ, Bình trở về học nghề đóng tàu, nhưng khi tốt nghiệp cũng không xin được việc. Bình tiếp tục học thêm để trở thành thợ cơ khí và thợ cửa nhựa có tay nghề khá, được nhiều công ty sản xuất cửa mời về làm. Đang làm việc với mức lương 5 triệu đồng/tháng, Bình đi học rồi vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong niềm vui của cả gia đình. Biết được Bình nhấp nhổm đi Hàn, công ty cửa nhựa mà Bình làm việc đã cho Bình nghỉ việc. Đằng đẵng chờ đợi ngày được gọi đi, Bình cùng người thân sống trong thấp thỏm lo âu bởi số tiền vay để học tiếng sắp đến hạn phải trả, chứng chỉ cũng sắp hết hạn. Có người yêu rồi, nhưng Bình cũng chưa dám cưới cũng vì sợ nếu đang chuẩn bị cưới mà được gọi thì lỡ việc. Đến nay, khi nghe thông tin phía Hàn ngừng tuyển lao động, Bình hụt hẫng đến độ bi quan, nhiều khi tìm đến cờ bạc, rượu chè để giải khuây. “Cũng vì lao động Việt bên đó trốn ở lại nhiều quá nên những người như chúng em lỡ cơ hội. Bây giờ không chỉ em mà cả nhà đều khóc mếu”, Bình thở dài.
Nỗi niềm của Huế, Hải, Nhàn, Bình kể trên cũng là nỗi niềm chung của gần 3000 lao động đạt điểm đã làm hồ sơ, gửi sang phía Hàn Quốc chờ tuyển và gia đình họ tại địa bàn tỉnh ta. Từ nhiều năm nay, thị trường Hàn Quốc là một thị trường được ưa chuộng của người lao động Việt Nam. Việc hợp tác đưa lao động Việt sang Hàn là một thành công lớn giữa 2 Bộ, 2 nước, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động Việt Nam. Hiện Việt Nam có khoảng 75.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, trong đó số đi theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động ngoài nước của Hàn Quốc (gọi là EPS) khoảng 63.000 người. Nghệ An là tỉnh có số lượng người lao động đi Hàn lớn nhất nhì cả nước (theo chương trình EPS từ 2005 đến nay là khoảng 5.000 người). Lao động Việt tại Hàn có mức thu nhập khá cao, bình quân từ 900-1.200 USD/tháng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nổi cộm tình trạng nhiều lao động hết hạn lao động đã trốn ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách lao động mà hai nước đã kí kết. Tỷ lệ ở lại bất hợp pháp của lao động Việt Nam là quá cao, đến trên 50%, trong đó Nghệ An là địa phương bị “điểm danh” có số lao động bất hợp pháp thuộc diện cao nhất. Một số xã, phường được chỉ đích danh: Khánh Sơn, Đà Sơn, Lĩnh Sơn, Nghi Hải, Nghi Hòa, Nghi Tân, Vĩnh Tân... Hiện tại, con số lao động Nghệ bất hợp pháp, chỉ tính riêng từ năm 2005 (theo diện EPS) là 383 người. Đây là lý do khiến phía Hàn ra thông báo tạm ngừng tuyển lao động Việt (Việt Nam cũng là nước duy nhất bị “nói không” tại đất nước này).
Những ngày vừa qua, sau khi nhận được thông tin từ phía nước bạn, gần 12.000 lao động Việt đã vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn (Nghệ An có 2.946 người) trong thời gian chờ đợi đã không khỏi bàng hoàng. Phần đông trong số họ đều xuất thân từ những làng quê nghèo mang khát vọng đổi đời. Họ chắt bóp, vay mượn để học hành, thi cử, nay lại đứng trước nguy cơ bị từ chối là một gánh nặng quá sức đối với họ.
(Còn nữa)
Thùy Vinh