Kỳ 1: Thư tịch thời Lê Trung Hưng
(Baonghean) - Trong lịch sử, “Bãi Cát Vàng” là cái tên dân gian xứ Đàng Trong đặt cho hai quần đảo san hô lớn tại biển Đông, sau này một số Nho sĩ Đàng Ngoài đã dịch cụm từ đó sang chữ Hán là Hoàng Sa chử, Đại Trường Sa, Vạn Lý Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa.
Đến cuối thế kỷ 18, nhờ sự phát triển của ngành khoa học Hàng hải nói chung và ngành Đo đạc bản đồ biển nói riêng, Bãi cát Vàng được tách thành hai quần đảo riêng biệt: Quần đảo Hoàng Sa ở phía Bắc, người phương Tây gọi là Paracels Islands; quần đảo Trường Sa ở phía Nam, người phương tây gọi là Spratly Islands. Một giáo sĩ người Pháp trên tàu Amphitrite đã từng khẳng định: “Paracel là quần đảo thuộc về vương quốc An Nam”. Còn những cái tên như Tây Sa, Nam Sa, rồi Tam Sa mà người Trung Hoa đặt ra trong thế kỷ 20 để gọi Bãi Cát Vàng của Việt Nam chỉ là những ngụy ngữ, nhằm thực hiện mưu đồ chiếm đóng của họ mà thôi.
Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Từ 600 năm về trước, Bãi Cát Vàng đã được đưa vào bộ Hồng Đức bản đồ từ cuối thế kỷ 15, dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sang thế kỷ 17, các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong chính thức xác lập chủ quyền và trực tiếp cai quản hai quần đảo này bằng việc thành lập và đưa các đội hùng binh phủ Chúa ra khai thác sản vật, trục vớt tàu đắm và hàng hóa của các tàu thuyền phương tây bị đắm ở khu vực này.
Những việc làm này, đã khẳng định quyền tự do xử lý và giải quyết tất cả các vấn đề thuộc về Hoàng Sa và Trường Sa của chính quyền chúa Nguyễn. Việc này vẫn được tiếp tục thực thi và phát triển dưới vương triều các vua Nguyễn ở những thế kỷ sau. Đặc biệt, dưới thời vua Minh Mệnh (1820 -1840), triều đình lập những đội quân vượt biển ra Hoàng Sa - Trường Sa để khảo sát vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, trồng cây và tiến hành một số hoạt động khác. Tất cả những sự việc kể trên, đều được thể hiện rất rõ trong rất nhiều tư liệu lịch sử chính thống của nước ta và một số nước phương Tây. Đặc biệt, nhiều thư tịch cổ Trung Hoa cũng xác nhận việc đó.
Phần vẽ về Bãi Cát Vàng trong tác phẩm Giáp Ngọ niên bình Nam đồ.
Theo dòng chảy lịch sử từ thế kỷ 17 cho tới cuối triều Nguyễn, Bãi Cát Vàng đã được ghi chép, mô tả một cách đầy đủ và chi tiết trong nhiều bộ thư tịch. Đây đều là những tư liệu gốc (original texts), có giá trị lớn về mặt khoa học, lịch sử và pháp lý, góp phần rất lớn vào việc khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều đặc biệt là trong nhiều bộ thư tịch cổ của Việt Nam viết về Hoàng Sa - Trường Sa dưới hai triều Lê và Nguyễn, đã có tới 7 bộ do người xứ Nghệ biên soạn, hoặc tham gia biên soạn.
Thư tịch đầu tiên nhắc tới Bãi Cát Vàng chính là tác phẩm Thiên Nam Tứ chí lộ đồ của Giám sinh Đỗ Bá Công Đạo. Ông người xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Trong khoảng những năm Chính Hòa (1680 - 1705), ông giả dạng lái buôn dong thuyền vượt biển vào Nam thăm dò hình thế sông núi, xem xét đường đi lối lại các nơi. Khi đã khảo sát kỹ càng, ông lại vẽ bản đồ các nơi ở xứ Đàng Trong rồi bí mật trở ra Bắc dâng lên chúa.
Chúa Trịnh rất mừng và tiếp tục cho ông soạn bộ Tứ chí lộ đồ. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập lại có những tấm bản đồ với những phần chú giải rất cụ thể. Trong đó có phần ghi chép về Bãi Cát Vàng như sau: “... Giữa biển có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là Bãi Cát Vàng nhô lên từ đáy biển hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh. Vào mùa mưa Tây Nam, các thuyền buôn từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này... Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các chúa Nguyễn đều phái tới đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm. Họ thu được rất nhiều tiền bạc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm, phải đi mất một ngày rưỡi mới đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu đi từ Sa Kỳ...”.
Tuy chỉ vẻn vẹn trong một đoạn văn ngắn nhưng với 3 chữ Bãi Cát Vàng cũng đủ để cho chúng ta thấy rõ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền kiểm soát và quản lý của người Việt, ít nhất cũng phải từ trước những năm 1680 - 1705. Điều đặc biệt là hai quần đảo này được chú thích rõ ràng bằng chữ Nôm là Bãi Cát Vàng, thể hiện rõ ngôn ngữ dân gian xứ Đàng Trong. Sau này, các Nho sĩ Đàng Ngoài mới dịch sang âm Hán Việt là Hoàng Sa, Hoàng Sa chử...
Bộ sách thứ hai chính là tác phẩm Giáp Ngọ niên bình Nam đồ của Đoan Quận công Bùi Thế Đạt (1704 – 1778). Ông người xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An, là danh tướng nổi tiếng dưới thời Lê Trịnh. Ông khảo sát và vẽ bộ bản đồ “tình báo” này dâng lên chúa Trịnh vào năm Giáp Ngọ (1774), nhằm phục vụ cho công cuộc bình định miền Nam. Bộ bản đồ này vẽ xứ sở Đàng Trong, từ Quảng Bình vào tới núi Đá Bia thuộc Phú Yên. Trong đó Bãi Cát Vàng được vẽ và chú thích ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Nó được vẽ tượng trưng bằng hình những quả núi hình bầu dục, nằm giữa Cù Lao Chàm và Cù Lao Ré ngoài khơi huyện Bình Sơn. Như vậy, đây là tác phẩm thứ hai xuất hiện danh từ Bãi Cát Vàng, sau Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo.
Bộ sách thứ ba là Quảng Thuận đạo sử tập của Tiến sỹ Nguyễn Huy Quýnh. Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1786), tên hiệu là Dần Phong, thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy, ở Trường Lưu, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Năm 1772, ông thi đỗ tiến sỹ và được bổ chức Giám sát ngự sử xứ Sơn Nam. Đến năm 1774, ông giữ chức Kiêm lý lương hướng nhung vụ coi việc quân nhu tham gia vào đội quân Nam tiến bình định Thuận Hóa Phú Xuân. Trong những năm 1778 – 1785, ông giữ chức Đốc đồng rồi Đốc thị Thuận Quảng và bị tử trận ngay tại đây.
Trong khoảng thời gian ở xứ Đàng Trong, ông tập hợp sử liệu kết hợp với sở kiến thực tế soạn nên bộ Quảng Thuận đạo sử tập ghi chép về lịch sử, địa lý, địa hình của mảnh đất Thuận Hóa - Quảng Nam. Sách có đoạn như sau: “Có dân làng An Vãng (Vĩnh), sản nhiều dầu phụng, dệt vải, lập riêng đội Hoàng Sa Nhị, hàng năm 8 chiếc thuyền ra biển nhặt của quý về nộp tại Phú Xuân...”. Trong sách này, tuy không vẽ bản đồ Bãi Cát Vàng nhưng lại chú thích về quê hương Cù Lao Ré của hải đội Hoàng Sa. Kết hợp phần ghi chép này với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục ta thấy dù cả 2 đều là những tác phẩm độc lập nhưng lại có được sự đồng nhất giữa 2 tác giả khi viết về lịch sử hoạt động của hải đội Hoàng Sa.
Bộ sách thứ tư là Đại Việt sử ký tục biên, do Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm lệnh cho 7 vị đại thần là Nguyễn Hoãn, Lê Quý Đôn, Vũ Miên, Ngô Thì Sỹ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn và Nguyễn Sá cùng biên soạn. Trong số này, có quan Đốc đồng xứ Nghệ An là Phạm Nguyễn Du làm Toản tu cho bộ sử. Phạm Nguyễn Du người xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Ông đỗ kỳ thi Hương năm 1773, tới năm 1779 ông thi đậu Hoàng giáp. Ông lại có công trong cuộc Nam tiến bình định Phú Xuân, nên được thăng tới chức Đông các Đại học sĩ, hàm chánh nhất phẩm và được Chúa cho tham gia biên soạn sử.
Trong bộ Đại Việt sử ký tục biên, có phần chép như sau: “Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan huyện Văn Chương phủ Lô Châu (thuộc đất nhà Thanh)...”; “Trong đảo có Bãi Cát Vàng dài ước 30 dặm, bãi phẳng nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi,... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật...”.
Theo thống kê của chúng tôi, ngoài 4 tác phẩm kể trên còn có một tác phẩm rất nổi tiếng viết về Hoàng Sa, Trường Sa nữa là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Như vậy, dưới thời Lê Trung Hưng, trong số hơn 5 tác phẩm viết về Hoàng Sa, Trường Sa thì đã có tới 4 tác phẩm do người Nghệ thực hiện. Tất cả các tác giả đều sinh ra lớn lên ở Đàng Ngoài, nhưng họ luôn xem phần lãnh thổ, lãnh hải của Đàng Trong đều là phần máu thịt của Tổ quốc và dân tộc. Chính vì vậy, họ đều có trách nhiệm bảo vệ, ghi chép một cách đầy đủ và nghiêm túc. Qua đó có thể thấy việc quản lý Bãi Cát Vàng dưới thời các chúa Nguyễn đã trở thành một hệ thống rất chặt chẽ và quy củ!
Trần Tử Quang (Thư viện tỉnh Nghệ An)