Kỳ 1: Tràn lan sách lậu
(Baonghean) - Thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền, sao chụp sách bất hợp pháp vẫn liên tiếp xảy ra. Cơ quan hữu trách cũng đã thực hiện nhiều vụ xử phạt vi phạm bản quyền, nhưng hiệu quả đem lại không nhiều.
Những hệ lụy!
Theo báo cáo của Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua đã phát hiện ra hàng trăm tên sách của các nhà xuất bản tên tuổi bị vi phạm bản quyền được công khai "xuất bản" và phát hành. Năm 2011, trong tổng số 37 cơ sở được thanh tra có 14 cơ sở vi phạm; đã tịch thu và tiêu hủy hàng trăm đầu sách, 32 bloc lịch; xử phạt vi phạm hành chính gần 50 triệu đồng. Năm 2012, trong số 28 cơ sở được thanh tra có 15 cơ sở vi phạm, qua đó tịch thu và tiêu hủy hàng chục đầu sách lậu. Trong danh sách vi phạm bản quyền, phần lớn là các giáo trình nổi tiếng phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Với nhiều hình thức in lậu như photocopy sách gốc với bìa có 2 hoặc 4 màu (giống như sách gốc) nhưng ruột sách chỉ có một màu; sách được in giống sách gốc đến 80-90%; sách nhái tương tự như sách gốc về nội dung nhưng có chú thích vài câu tiếng Việt và có tên nhà xuất bản địa phương; sách song ngữ vừa tiếng Việt, vừa tiếng Anh có ghi tên tác giả nước ngoài và người dịch sang tên tiếng Việt, nhưng không hề có hợp đồng chuyển nhượng tác quyền của tác giả hoặc của nhà xuất bản nước ngoài…
Khâu tổ chức in, phát hành sách in lậu được các đầu nậu thực hiện khá tinh vi. Để “qua mặt” người mua và các cơ quan quản lý, sách thật thường được trà trộn với sách giả. Người tiêu dùng nếu không xem xét kỹ sẽ khó phân biệt. Một “chiêu thức” khác mà những kẻ in ấn, phát hành sách lậu sử dụng là tìm cách “đánh” vào tâm lý thích mua của rẻ của khách hàng, tìm cách hạ giá bán xuống thấp hơn nhiều so với sách thật. “Chiêu thức” này được thực hiện thông qua các hình thức giảm giá, khuyến mãi có khi tới 35-50% so với giá bán được ghi ở bìa.
Với sự “hỗ trợ” của khoa học công nghệ, việc in sách lậu được thực hiện dễ dàng. Khoản lợi nhuận kếch sù từ sách lậu đã hút không ít các đơn vị quốc doanh, các tên tuổi lớn trong làng phát hành tham gia vào việc xuất bản và phát hành. Sách lậu tràn ngập ngoài thị trường, từ các điểm sách vỉa hè, tới cửa hàng nhỏ lẻ, cho đến các nhà sách lớn và trong các trường học. Sách lậu còn được tuồn về các địa bàn nông thôn, miền núi; Thí dụ cũng là một cuốn sách, nhưng giá ở Công ty Phát hành sách Nghệ An gấp đôi giá ở một cửa hàng sách tư nhân ở miền núi”. Rõ ràng, các đầu nậu in lậu sách còn sẵn sàng chi mức chiết khấu cao, thậm chí là 50% giá bìa nhằm kích thích các đại lý tiêu thụ.
Nạn in lậu sách gia tăng đã gây ra những thiệt hại không nhỏ về uy tín và doanh thu đối với các nhà xuất bản. Nhà xuất bản bị mất doanh thu, không đủ tài chính để chi trả nhuận bút cho tác giả, dẫn đến tác giả không còn động cơ sáng tác, không còn động cơ để in sách, kinh doanh và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước. Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ - một trong những nhà xuất bản có sách bị in lậu nhiều nhất, nói: “Thực sự mà nói, chúng tôi đã hết cách. Chúng tôi cho rằng thà làm sách mới, chất lượng để “sống chung” với sách lậu còn dễ hơn chống sách lậu...”.
Với chất lượng kém, thậm chí sai lệch về nội dung, hình thức của các tác phẩm, sách lậu đang gây ra những hệ lụy lâu dài đối với người đọc, đặc biệt là việc tiếp thu kiến thức của học sinh, sinh viên trong các nhà trường. Những lỗi về tên sách, tiêu đề, tiêu mục, hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong các cuốn sách in lậu không phải là cá biệt. Trong sách văn học, nếu in thừa hoặc thiếu dù chỉ là một dấu câu thì đã có thể làm sai lệch ý nghĩa của cả văn bản. Đối với sách giáo khoa lậu, nếu in sai hình ảnh, chú thích có thể gây ra những hiểu lầm về mặt nội dung, học sinh sẽ bị lệch lạc trong việc thu nhận kiến thức.
Gian nan chống sách lậu
Trước vấn nạn sách lậu, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường các đợt thanh tra định kỳ và đột xuất. Đội liên ngành phòng, chống in lậu đã ra đời. Sau 2 năm hoạt động, bước đầu đã có những kết quả khả quan. Sau khi thanh tra các cơ sở phát hành sách, cơ sở photocopy đã phát hiện nhiều cuốn sách lậu, có nội dung thông tin sai; hàng chục đầu sách với hàng vạn bản đã bị thu hồi và tiêu hủy; Một lượng lớn giáo trình photocopy bị tịch thu, tiêu huỷ, nhiều nhất vẫn là cơ sở xung quanh khu vực Trường Đại học Vinh. Ngoài tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo định kỳ, Sở còn gửi rất nhiều công văn nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở in, phát hành sách phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Công an Nghệ An thu giữ hàng ngàn cuốn sách lậu tại phường Bến Thủy - TP. Vinh. Ảnh: Hương Giang
Tuy nhiên, tình trạng sách lậu vẫn không có xu hướng thuyên giảm. Theo Thanh tra Sở, tình trạng sách in lậu hoành hành trên thị trường sách thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trước hết, do độc giả có tâm lý thích mua của rẻ nên đã vô tình tiếp tay cho sách lậu. Khi mua sách, khách hàng không có thói quen lấy hóa đơn, các cá nhân kinh doanh trên vỉa hè, công viên... nhập nguồn hàng cũng không cần lấy hóa đơn, do vậy các đại lý có thể nhận "sách giả" trà trộn "sách thật" nhưng vẫn qua mặt được cơ quan quản lý, vì hóa đơn nhập và hóa đơn xuất có số liệu trùng khớp.
Bên cạnh đó, thủ đoạn “làm ăn” của những đầu nậu in sách lậu ngày càng tinh vi, được tổ chức liên hoàn, chặt chẽ từ khâu in ấn, gia công, hoàn thiện đến việc phát tán ra thị trường nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện và triệt phá. Có khi đầu nậu in sách lậu lại tổ chức in ấn ngoại tỉnh, mỗi nơi thực hiện một công đoạn, sau đó gom lại và tổ chức phát tán. Trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, không đủ để kiểm soát hết được thị trường sách rộng lớn, phức tạp; thanh tra chuyên ngành không được phép thanh tra các lĩnh vực khác như tài chính...
Việc thanh tra, kiểm tra các cửa hàng, đại lý, các cá nhân bán hàng rong chỉ là giải quyết "phần ngọn", chứ chưa làm triệt để "tận gốc". Và tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" lại tái diễn. Mặt khác, chế tài xử phạt trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Hiện nay, việc điều chỉnh hoạt động in của các cơ sở in xuất bản phẩm và các cơ sở in không phải xuất bản phẩm không cùng một khung pháp lý, không cùng một chế tài xử lý. Đối với cơ sở in xuất bản phẩm thì phải đáp ứng đủ điều kiện mới được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động. Nhưng đối với cơ sở in không phải là xuất bản phẩm thì chỉ cần đăng ký kinh doanh là được hoạt động, trong khi họ có thể làm một trong số công đoạn in, đồng thời chế tài xử phạt cũng "nhẹ" hơn. In ấn là hoạt động đặc thù, trong khi cơ quan cấp đăng ký kinh doanh lại không có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động in. Có thể nói, quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động in đang thiếu thống nhất và còn nhiều "lỗ hổng". Đây là “kẽ hở” để các cơ sở in, “đầu nậu” “thừa nước đục thả câu”. Thực tế hiện nay, việc xử phạt các vụ vi phạm chưa đủ “sức nặng” răn đe kẻ in lậu sách.
Các nhà làm sách chân chính lại không đủ tiền bạc, nhân lực để chống sách lậu; thậm chí dù có được bồi thường thì số tiền đó cũng không đủ bù lỗ số tiền phải chi ra để theo vụ kiện. Khách hàng, độc giả lại không có thói quen mua sách lấy hóa đơn hay tố cáo các cơ sở in vi phạm và tẩy chay "sách giả". Nhiều đại lý, cửa hàng vì lợi nhuận nên đã tiếp tay phát hành "sách lậu", tìm mọi cách "lách luật". Các cấp, các ngành thì cho rằng, đây là việc quản lý của ngành Thông tin và Truyền thông nên không vào cuộc, nếu có vào cuộc cũng không nhiệt tình, trách nhiệm. Trong khi đó, chế tài xử lý lại không đủ sức răn đe. Vì thế, sách lậu vẫn có đất “sống”!
(Còn nữa)
Lan Oanh (Sở TT-TT)