Từ năm 2005 trở lại đây, điện thoại di động phủ sóng ngày càng rộng, cáp Internet được kéo tới tận các thôn xóm và từng gia đình, ngày càng nhiều hơn các kênh thông tin, tuyên truyền, giải trí khiến số khách hàng đến vớibưu điện văn hoá xã (BĐVHX) thưa thớt dần. Vai trò của các điểm BĐVH xã ngày càng mờ nhạt.
Hiệu quả kinh doanh giảm
Nằm sát tỉnh lộ, ở trung tâm cụm xã nhưng điểmBĐVHX Diễn Phúc (Diễn Châu) hết sức vắng vẻ, heo hút. Có khi cả ngày chẳng có ai ra vào. Chị Phạm Thị Dung, nhân viên điểm BĐVHX Diễn Phúc cho biết: "Ngày đông cũng chỉ vài người đến, chủ yếu là các cụ hưu trí đến đọc sách báo, còn khách hàng đến sử dụng các dịch vụ bưu chính thì hầu như không có. Có tháng điện thoại bàn ở điểm (BĐVHX) không phát sinh cuộc gọi nào và tiền dịch vụ điện thoại chỉ là con số không. Doanh thu từ dịch vụ bưu chính chưa nổi 100 nghìn đồng/tháng".
Khang trang, thoáng mát, tiện lợi về giao thông nhưng điểm BĐVHX Thanh Dương (Thanh Chương) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Không có khách vào ra và doanh số giảm sút một cách trầm trọng. Mặc dù tại điểm BĐVHX này được trang bị thêm 5 máy vi tính nối mạng Internet từ dự án "Nâng cao khả năng truy cập Internet công cộng tại Việt Nam" do Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tài trợ nhưng vẫn không "hút" được khách.
Rất ít khách hàng đến sử dụng dịch vụ Bưu chính tại điểm BĐVHX Thanh Văn (Thanh Chương)
Nếu như trước đây, doanh thu từ 38 điểm BĐVHX ở Thanh Chương bình quân đạt từ 75 triệu đến 80 triệu đồng/tháng thì nay con số đó giảm xuống chưa đầy 20 triệu đồng. Ông Thái Văn Sung, Giám đốc Bưu điện huyện Thanh Chương cho biết: "Hầu hết các điểm BĐVHX trên địa bàn huyện hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh doanh giảm sút một cách nghiêm trọng. Bắt đầu từ năm 2006 đến nay, để duy trì hoạt động của các điểm BĐVHX, trung bình mỗi tháng bưu điện huyện phải bù lỗ 20-25 triệu đồng. Và đến nay đã có 3 điểm BĐVHX trên địa bàn phải đóng cửa vì hiệu quả kinh doanh quá thấp, người dân không có nhu cầu sử dụng dịch vụ."
Ở huyện miền núi Anh Sơn, hiệu quả kinh doanh của các điểm BĐVHX cũng không khả quan hơn. Nếu như trước đây doanh thu từ 19 điểm BĐVHX trên địa bàn huyện xấp xỷ 70 triệu đồng/tháng thì nay chỉ đạt khoảng 15 triệu đồng. Cùng chung tình trạng đó, huyện Diễn Châu phải bù lỗ cho khoảng 12 điểm BĐVHX, và doanh thu trung bình từ các điểm BĐVHX chỉ ở mức 414.000đ/tháng/điểm, trong lúc đó, tiền chi thù lao cho nhân viên ở mỗi điểm đã lên đến 650.000đ/điểm/tháng.
Theo số liệu từ bưu điện tỉnh, trung bình mỗi năm ngành phải bù lỗ cho các điểm BĐVHX khoảng 1,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã có 20 điểm BĐVHX tạm đóng cửa, ngừng hoạt động.
Theo Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Đình Chiến, nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của các điểm BĐ-VHX giảm sút là do trước đây, các dịch vụ viễn thông chưa được phổ cập cho nên phần lớn nguồn thu của các điểm BĐVHX chủ yếu từ dịch vụ viễn thông (bà con đến điểm BĐVHX thường để gọi điện thoại). Nhưng nay, dịch vụ viễn thông phát triển rầm rộ với nhiều loại hình (điện thoại cố định, điện thoại không dây, di động, Internet....) tới tận từng gia đình nên doanh thu của các điểm BĐVHX giảm rõ rệt.
Mặt khác, do cơ sở vật chất, trang thiết bị một số điểm xuống cấp, lạc hậu; dịch vụ nghèo nàn; các thiết bị phục vụ khách hàng như: buồng điện thoại chật chội, nóng nực; số sách báo được bổ sung hàng năm quá ít ỏi, nhiều sách báo quá cũ, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của người dân... Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên BĐVH xã chỉ học hết phổ thông, không qua đào tạo về nghiệp vụ bưu điện, chỉ tham gia các khóa tập huấn của ngành nên cung cách phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Vì vậy, các điểm BĐVHX hiện đang lâm vào tình trạng "Bỏ thì thương, vương thì nặng"...
Lay lắt đời sống nhân viên
Kinh doanh không có lãi nên đời sống của người lao động ở các điểm BĐVH Xã gặp khó khăn. 100% nhân viên làm việc tại các điểm BĐVHX theo hình thức thuê khoán với mức thu nhập bình quân 650.000đ/tháng. Để được hưởng mức thu nhập đó, các nhân viên ở các điểm BĐVHX phải đảm bảo các yếu tố: đi làm đầy đủ, mở cửa phục vụ đúng giờ qui định; bán đủ mức khoán về tem, phong bì, sim, thẻ...
Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên BĐVHX Thanh Dương (Thanh Chương) than vãn: "Gắn bó với BĐVHX đã 10 năm nay, nhưng chỉ hợp đồng theo hình thức thuê khoán, không được đóng bảo hiểm... Hàng tháng, ngành giao định mức bán 3 triệu đồng tiền thẻ điện thoại, 200.000đ tiền tem, phong bì. Sim, thẻ thì còn bán được chứ tem, phong bì phải đi nhập lại cho các đại lý khác với giá rẻ và phải bỏ tiền lương để bù lỗ. Tháng nào không đủ định mức, bị trừ lương, chỉ nhận được 400.000đ/tháng. Với thu nhập chừng đó, không đủ để nuôi sống bản thân..."
Để có tiền xoay xở cho cuộc sống hàng ngày, chị Tạ Thị Ngân, nhân viên BĐVHX Diễn Hoa (Diễn Châu) nhận làm thêm việc (thay vai trò của người bưu tá), kinh doanh thêm văn phòng phẩm, mở dịch vụ Photocoppy, nhận phát triển thuê bao di động cho các mạng...
Nhờ đó, thu nhập của chị đạt mức từ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Để có được mức thu nhập đó, chị phải tranh thủ buổi trưa đạp xe đi phát thư, phát bưu phẩm; đi thu nợ tiền điện thoại. Nhưng không phải nhân viên bưu điện xã nào cũng có thể làm thêm tăng thu nhập như chị Ngân, vì nếu địa bàn xã rộng thì nhân viên BĐVHX không thể kiêm vai trò của bưu tá, và việc mở thêm các dịch vụ khác cũng không đơn giản.
Bà Cao Thị Kim Quế, Phó Giám đốc Bưu điện huyện Diễn Châu cho biết: "Bắt đầu từ năm 2011, Bưu điện huyện triển khai mô hình nhân viên BĐVHX kiêm phát xã nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được ở 1 điểm (BĐVHX Diễn Hoa). Nguyên nhân là vì các xã địa bàn rộng, nhân viên BĐVHX không đủ thời gian để làm tròn vai trò của một bưu tá, phần nữa là do một số bưu tá không "chuyển nhượng" công việc của mình sang cho người khác và phần lớn, chính quyền một số địa phương không đồng ý, tạo điều kiện để triển khai mô hình này..."
Hiệu quả kinh doanh giảm, hoạt động cầm chừng, thu nhập của nhân viên bưu điện văn hóa xã quá thấp, đa phần các điểm BĐVHX đều rơi vào tình trạng "thu không đủ chi". Nhưng cũng không thể xóa bỏ các điểm bưu điện văn hóa xã vì phương châm hoạt động của mô hình là "Kinh doanh chỉ là phương tiện, phục vụ người dân là mục tiêu chính. Do vậy cần phải có một cuộc "lột xác" cho mô hình điểm BĐVHX.
Thanh Phúc