Kỳ 2: Chính quyền các cấp và nông, lâm trường chưa làm hết trách nhiệm
Để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp kéo dài, phức tạp có một phần lớn trách nhiệm của các nông, lâm trường và đặc biệt là hệ thống cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện. Các địa phương, đơn vị phải nhận ra được trách nhiệm của mình để có những giải pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.
(Baonghean) - Để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp kéo dài, phức tạp có một phần lớn trách nhiệm của các nông, lâm trường và đặc biệt là hệ thống cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện. Các địa phương, đơn vị phải nhận ra được trách nhiệm của mình để có những giải pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.
>>Kỳ 1: Tranh chấp đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp
Để xảy ra tình trạng người dân vào rừng lấn chiếm đất, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các nông, lâm trường (chủ thể được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp). Phải khẳng định rằng, các nông, lâm trường chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác quản lý, sử dụng đất. Trước đây, các nông, lâm trường được giao quản lý, sử dụng một diện tích đất sản xuất khá lớn nhưng không sử dụng hết để đất bỏ hoang hoặc cho người dân sử dụng theo hình thức phát canh, thu tô.
Mặt khác, nhiều nông, lâm trường quản lý đất lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người dân chiếm đất để sử dụng. Như Lâm trường Qùy Hợp được giao quản lý, sử dụng 7.500 ha đất, ngoài 4.500 ha đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi bảo vệ, còn lại 3.000 ha được quy hoạch trồng rừng sản xuất. Nhưng hiện nay, lâm trường chỉ mới tiến hành sản xuất được 1.500 ha. Như vậy, còn khoảng 1.500 ha chưa được sử dụng. Lâm trường Đồng Hợp, được giao quản lý 3.500 ha, trong đó có 1.750 ha rừng phòng hộ, còn lại quy hoạch 2.500 ha rừng sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, lâm trường mới chỉ trồng được 1.200 ha, còn 1.300 ha chưa được sử dụng. Lâm trường Quế Phong có diện tích đất lâm nghiệp là 3.300 ha, trong đó có 1.800 ha rừng tự nhiên, 410 ha rừng trồng và 590 ha quỹ đất chưa được sử dụng.
Khi phát hiện được sự việc người dân vào lấn chiếm đất, các nông, lâm trường phải là đơn vị đầu tiên tiến hành ngăn chặn và thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Do buông lỏng trong công tác quản lý nên đã để cho quá trình lấn chiếm kéo dài nhiều năm. Tại xã Châu Lý (Qùy Hơp), người dân đã vào xâm chiếm đất lâm trường để làm nhà ở, sản xuất ổn định từ những năm 1995 nhưng mãi đến năm 2004, Lâm trường Qùy Hợp mới tiến hành “đòi” lại đất.
Khi đó, cả người dân và chính quyền xã mới biết, diện tích mà người dân sản xuất bấy lâu nay, đã được Nhà nước giao cho Lâm trường Quỳ Hợp quản lý, sử dụng. Còn tại Lâm trường Đồng Hợp, khi tiến hành trồng rừng tại Tiểu khu 262 trên địa bàn xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), lâm trường chưa phối hợp tốt cùng chính quyền cơ sở tuyên truyền công khai kế hoạch trồng rừng nên dẫn đến tình trạng, có người được ký hợp đồng trồng rừng, nhưng có người lại không. Vì thế, một số hộ dân thấy không công bằng nên đã vào xâm chiếm để sản xuất. Đến khi, tình trạng lấn chiếm đã lan rộng với diện tích lớn, số hộ xâm lấn ngày càng nhiều và thời gian kéo dài thì các lâm trường mới “cầu cứu” các cơ quan chức năng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa được thể hiện rõ cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng tranh chấp đất trở nên phức tạp. Khi phát hiện thấy người dân cố tình xâm chiếm rừng trái phép, các địa phương chưa vào cuộc kịp thời để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các đối tượng theo pháp luật, đồng thời chưa chủ động báo cáo cấp trên để có biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác vận động tuyên truyền trong nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, về bảo vệ và phát triển rừng chưa được thực hiện tốt.
Đối với chính quyền cấp huyện, khi được báo cáo về tình trạng người dân lấn chiếm, tranh chấp đất đai chưa vào cuộc quyết liệt, theo dõi sát sao diễn biến xẩy ra và có những chỉ đạo cụ thể. Khi nhận biết chính quyền cơ sở không đủ khả năng để xử lý dứt điểm vụ việc đã chưa nhanh chóng vào cuộc, dẫn đến kéo dài tình trạng mất trật tự an ninh trên địa bàn. Đồng thời, cần phối hợp với các cấp, ngành chức năng để khảo sát, nắm bắt tình hình, nhu cầu sử dụng quỹ đất của nhân dân, nhằm tìm ra giải pháp để từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân, gắn với phát huy hiệu quả diện tích đất rừng đã giao cho lâm trường nhưng chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Trước mâu thuẫn trong thực tế là: Người dân thiếu đất sản xuất nhưng các nông, lâm trường lại sử dụng không hết. UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các nông, lâm trường và các cấp chính quyền rà soát thực trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường để cắt đất và chia cho người dân. Trước năm 2002, hệ thống 37 nông, lâm trường của toàn tỉnh được giao quản lý 432.000 ha đất nhưng sau 3 lần tiến hành rà soát, sắp xếp và đổi mới thì đã tiến hành bàn giao, trả về cho địa phương quản lý hơn 382.000 ha.
Đến nay, diện tích của các nông, lâm trường được giao quản lý, sử dụng còn lại là khoảng 70.000 ha. Trong đó, các nông trường hiện đang quản lý, sử dụng 14.500 ha, các lâm trường quản lý 58.000 ha. Trong diện tích 58.000 ha của các lâm trường thì có 43.000 ha đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Đây là diện tích không tổ chức sản xuất mà chỉ khoanh nuôi, bảo vệ. Còn lại diện tích đất sản xuất chỉ còn gần 15.000 ha.
Thực tế, các nông, lâm trường đã thực hiện chủ trương của tỉnh về việc tiến hành rà soát và giao đất lại cho địa phương quản lý. Từ năm 2002-2013, Công ty TNHH-MTV lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã trả về địa phương là 23.439 ha. Đối với vụ việc phát sinh tại xã Châu Bình, ngày 21/6/2013, Lâm trường Cô Ba đã có Tờ trình số 46/TT-LT gửi UBND tỉnh xin được trả về cho địa phương là 1.767 ha.
Còn tại Lâm trường Quế Phong, năm 2005, lâm trường đã giao trả cho địa phương 5.601 ha. Những năm qua người dân vẫn bức xúc về nhu cầu đất sản xuất nên lâm trường tiếp tục làm thủ tục giao trả cho 2 xã Quế Sơn và Mường Nọc là 1.395 ha. Tại huyện Qùy Hợp, trước tình hình người dân thiếu đất sản xuất và đã xâm lấn vào đất của Lâm trường Qùy Hợp và Lâm trường Đồng Hợp, UBND tỉnh đã đã ban hành Quyết định số 212 vào tháng 8/2012, tiến hành cắt lại 3.800 ha của 2 lâm trường này giao về cho 10 xã trên địa bàn huyện Qùy Hợp.
Như vậy, tổng diện tích đất lâm nghiệp mà các nông, lâm trường giao lại cho địa phương trong những năm qua là rất lớn. Vậy, tại sao người dân vẫn thiếu đất sản xuất? Trong vấn đề này, cần chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền các địa phương từ cấp xã đến cấp huyện trong công tác giao đất cho người dân. Tại huyện Qùy Hợp, mặc dù đã được bàn giao 3.800 ha đất nhưng đến nay, nhiều người dân vẫn chưa được giao đất. Ông Vi Thanh Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp lý giải: Huyện đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc chia đất lâm nghiệp cho dân.
Nguyên nhân là do giữa diện tích đất thực tế dân đang sản xuất và đất giao trên văn bản đang có phần chồng chéo nhau, diện tích đất của các bản đang xen kẽ với nhau. Hơn nữa, công tác rà soát, đo đạc chưa thực hiện được vì kinh phí quá lớn. Tại xã Châu Bình (Qùy Châu) có 3.986 ha đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, xã chỉ mới giao đất cho 635 hộ dân với diện tích 2.889 ha, diện tích còn lại là hơn 1.000 ha xã chưa giao cho dân vì thế mà vẫn đang còn khoảng 1.600 hộ dân chưa có đất để sản xuất. Tại huyện Quế Phong, hiện vẫn còn gần 39.000 ha đất lâm nghiệp chưa được huyện, xã giao cho người dân. Trong khi đó, toàn huyện đang có trên 10.000 hộ chưa có đất rừng để sản xuất. Như vậy, sự chậm trễ trong việc giao đất cho người dân là một nguyên nhân khiến cho tình trạng xâm lấn, tranh chấp đất trở nên phức tạp.
Để người dân yên tâm sản xuất trên diện tích được giao thì công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho những hộ cá nhân có đủ điều kiện là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này tại các huyện miền núi vẫn đang rất chậm. Như huyện Qùy Châu, cho đến thời điểm hiện tại, toàn huyện mới cấp được 20.516 ha/86.324 ha, đạt 23,77%. Tại huyện Qùy Hợp, hiện mới chỉ cấp được 17,768/24,833 ha, đạt 70,63%. Ngoài những nguyên nhân khách quan như kinh phí để rà soát, cấp giấy còn thiếu, diện tích đất lớn thì phải thấy rằng, hệ thống cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện chưa xác định rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sát sao. Từ đó, các huyện chưa xây dựng được phương án cụ thể, bố trí cán bộ trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các xã và người dân nên khi gặp vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời.
Điều 182, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền xã, thị trấn là “phải chỉ đạo thường xuyên việc kiểm tra phát hiện các hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật… Trong thời hạn không quá một (01) ngày kể từ khi phát hiện vi phạm hoặc được báo cáo có vi phạm thì phải tổ chức việc kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm, xử phạt hành chính theo thẩm quyền và yêu cầu tự khôi phục lại tình trạng sử dụng đất ban đầu”.
Phạm Bằng - Văn Trường