Kỳ 2: Đêm trắng Vịnh Bắc bộ

28/05/2015 09:18

(Baonghean) - Trên hải trình theo những ngư dân ra vùng đánh cá chung, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh “thành phố về đêm” giữa mênh mông đại dương; những chuyến rượt đuổi tìm tăm cá, sự tương trợ lẫn nhau của những ngư dân cũng như không khí lao động hăng say, miệt mài giữa trùng khơi...

TIN LIÊN QUAN

Các ngư dân đánh vây huyện Quỳnh Lưu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ
Các ngư dân đánh vây huyện Quỳnh Lưu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ.

Vào lúc nửa đêm chúng tôi bị đánh thức bởi những tiếng gọi hỏi lao xao của các ngư dân. Tàu đã dừng lại và tất cả thuyền viên tập trung 2 bên mạn. Họ đang thả tấm dù vải rộng gần 200m2 xuống biển. Trong ánh sáng chói lóa của 30 bóng đèn sợi đốt, mỗi bóng 1000W lắp hai bên mui tàu, hiện rõ những cánh tay rắn chắc của các ngư dân từ từ buông dù xuống mặt nước. Tấm dù có tác dụng giữ cho tàu trôi chậm theo dòng hải lưu mà không cần phải thả neo. Khi đó máy dò cá sẽ liên tục quét tìm luồng cá trong phạm vi 350m quanh tàu. Những chú cá đầu tiên bị thu hút bởi ánh sáng đã vây quanh mạn. Thi thoảng tôi bị giật mình bởi sự ham vui đến liều lĩnh của những “cậu” cá chuồn khi chúng bất ngờ rẽ sóng bay lên cao lóng lánh va vào thành tàu. Đêm đánh vây sắp bắt đầu...

Các ngư dân đánh vây huyện Quỳnh Lưu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ
Các ngư dân đánh vây huyện Quỳnh Lưu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ

1h sáng, những chấm đỏ xuất hiện với mật độ càng dày hơn trên máy dò cá. Thuyền trưởng Trần Xuân Khai với phong thái điềm tĩnh dõng dạc nói: “Thu dù!”. Mặc cho những vạt nước không ngừng hắt ngược lên mạn, mặc cho từng đợt, từng đợt gió không ngừng quật lên làm xõa những mái tóc xơ cứng của những thuyền viên căng sức kéo. Khi tấm dù đã nằm gọn trong lòng boong, chiếc thuyền thúng được máy nâng hạ xuống mặt sóng. Chiếc máy phát điện 1.000W đã được đặt sẵn trong lòng thúng. Trần Xuân Lai là người lĩnh trách nhiệm chèo thúng và giữ cho 2 bóng đèn cao áp rực sáng. “Giao điện” - từ khoảng cách 50m so với vị trí của con tàu, tiếng Lai hét lên nghe rất rõ. Toàn bộ đèn trên tàu vụt tắt. Lúc này chiếc thuyền thúng do anh Khai chèo không ngừng chao trên mặt sóng loang loáng. Chúng tôi cũng hồi hộp đến nghẹt thở mỗi khi những đợt sóng chực trùm lên chiếc mủng mong manh. Trong ca bin, một cách quyết đoán, Thuyền trưởng Khai rồ máy, tăng hết tốc lực. Con tàu 350 sức ngựa chồm lên đạt vận tốc tối đa. Vàng lưới dài hơn 500m lao vụt xuống biển theo tốc độ con tàu. Trên boong, các thuyền viên - người cố gắng giữ cho lưới được buông đều, người duy trì pheng chì đáy lưới để chúng không bị quấn vào nhau.

2 phút, 5 phút, 7 phút… con tàu băng băng đè những cơn sóng dữ dằn để cố gắng tạo một vòng tròn vây xung quanh chiếc thuyền thúng đang không ngừng chao đảo trên mặt nước. Lũ cá đang bị thu hút bởi ánh sáng ở đó. Sau 10 phút với sức rướn của một chú tuấn mã, chiếc tàu đã khép chặt vòng vây. Những con cá nhoái, cá hố thân dài trắng lóa hoảng hốt, bất lực tìm lối thoát... Hai múi đầu vàng lưới gấp rút được giữ chặt, một nhóm 7 thuyền viên bắt đầu ra sức kéo phao lưới; nhóm khác gò lưng kéo pheng chì và dây bo đáy lưới. Lúc này có thể hình dung vàng lưới bị dây bo dài gần 700m buộc thắt đáy, tạo thành một chiếc oi khổng lồ không cho đàn cá thoát ra. Mỗi vàng vây khi buông xuống nước có sức nặng lên đến vài, ba tấn. Vì vậy, việc kéo lưới diễn ra vô cùng vất vả. Với sự giúp sức của các loại máy tời cáp, máy thu pheng, máy nâng, những mét lưới cuối cùng được kéo lên mạn tàu.

Phía túi đựng của lưới, cá quẫy mạnh. Muôn vạn con cá đốm, cá trích và cá nhoái nằm gọn trong túi, thỉnh thoảng bị sóng đánh nổi bụng trắng lóa. Lúc này, một chiếc vợt khổng lồ được gắn vào cần cẩu. Các thuyền viên điều khiển chiếc vợt, từ từ múc cá trong túi lưới. Chiếc vợt đựng đầy cá được treo lơ lửng giữa boong. Một thuyền viên đi tới, nhẹ nhàng rút sợi dây dưới đáy. Cá cứ thế lần lượt được đưa xuống boong tàu… Đến 8h30 phút sáng, mẻ cá cuối cùng được đưa ra khỏi lưới. Phải mất 1 giờ đồng hồ sau đó, việc dọn lưới mới hoàn tất. Lát lưới hôm nay, tàu của anh Khai thu được 1 tấn cá đốm, vài khay cá hố, vài khay bạc má và mực…

Ngư dân tranh thủ nghỉ ngơi sau 1 đêm vật lộn với biển cả
Ngư dân tranh thủ nghỉ ngơi sau 1 đêm dài vật lộn với biển cả

Nếu như trên đất liền, thời gian khoảng 9 - 10h sáng luôn nhộn nhịp, thì ở biển khơi, đây đang là thời gian tĩnh lặng nhất. Sóng vẫn dập dềnh. Mặt trời chiếu thẳng vào con tàu khiến không khí trở nên oi bức, ngột ngạt. Đây cũng là lúc mà các thành viên trên tàu ngả lưng, nghỉ ngơi sau một đêm làm việc vất vả. Trên tấm phản ghép, những tấm lưng trần chen chúc nhau, bám đầy vảy cá. Để tránh nóng, một số người chăng bạt trên boong, ngủ ngon lành trên đống lưới vừa kéo. Biển cả bao la. Con tàu nhỏ thật yên bình…

Ngày thứ hai lênh đênh trên Vịnh Bắc bộ, chúng tôi mới có thời gian tìm hiểu về trang thiết bị của tàu, về nghề vây và chứng kiến những hình ảnh mà có lẽ, trong đời, ít người được gặp. Mặt trời dần lặn. Hoàng hôn ở Vịnh Bắc bộ đẹp mê hồn. Ráng chiều khổng lồ ôm lấy những đám mây đủ hình thù kỳ thú. Sóng biển lăn tăn. Phía xa, mặt trời như một quả cầu lửa tạo nên một thứ ánh sáng mê hoặc. Thế nhưng, có vẻ như mọi người trên tàu đều không chú ý nhiều đến khung cảnh vừa hoành tráng, vừa nên thơ của biển chiều. Thuyền trưởng Khai vẫn kiên nhẫn nhìn lên màn máy dò. Các thuyền viên vẫn thoăn thoắt với chiếc kim vá lưới.

Sau bữa cơm chiều, trời tối hẳn. Thuyền trưởng Khai lệnh thu neo, buông dù và kích hoạt dàn đèn. Theo lời giải thích của lão ngư Nguyễn Công Bảy thì việc đánh đèn là động tác bắt buộc khi đánh cá. Giữa đêm tối bao la, đàn cá sẽ tìm về vùng sáng để kiếm thức ăn. Lợi dụng điểm này, các tàu dùng đèn để dụ cá về phía mình. Chiếc dù nằm dưới nước này có tác dụng dắt con tàu sáng đèn chầm chậm đi theo con nước. Đây chính là cách mà người dân gom cá lại một chỗ trước khi cất mẻ lưới quyết định.

Tàu câu mực của ngư dân Quỳnh Nghĩa đang hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ
Tàu câu mực của ngư dân Quỳnh Nghĩa đang hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ.

Khoảng 20 giờ, từ boong tàu, nhìn ra 4 phía, chúng tôi bị bất ngờ vì một khung cảnh hoàn toàn khác lạ so với ban chiều. Sóng dập dồn. Hàng trăm khối sáng xuất hiện khiến đại dương như một thành phố trong đêm. Phía trên đài icom, tiếng bộ đàm liên tục gọi hỏi thăm tọa độ của nhau, hỏi thăm mẻ lưới lúc trước và cả những lời cười đùa vui vẻ của những ngư dân dạn dày sương gió. Như thường lệ, Thuyền trưởng Trần Xuân Khai đăm chiêu nhìn 2 chiếc máy dò cá trước đầu tàu. Trong khi chiếc máy dò ngang quét hết vòng này sang vòng khác nhưng chưa thấy chấm đỏ nào, thì chiếc máy dò đứng cũng đang hiện lên những mảng màu xanh nước biển dày đặc trên màn hình. Thuyền trưởng Khai cho biết, nhiệm vụ của máy dò ngang là quét xung quanh phạm vi tàu khoảng 350 mét. Nếu phát hiện đàn cá, máy sẽ báo trên màn hình những chấm đỏ. Nếu chấm đỏ càng đậm thì lượng cá càng lớn. Trong khi đó, máy dò đứng xác định được độ sâu vùng có cá tại nơi con tàu đang neo đậu.

Chiếc máy dò liên tục quét, đến 0h vẫn có rất ít đốm nhỏ xuất hiện. Thuyền trưởng đăm chiêu. Bỗng nhiên, từ máy ICom phát ra tiếng gọi dồn dập “vây đâu! vây đâu! vây đâu”. Nhận ra giọng nói người quen, Thuyền trưởng Khai cầm lấy chiếc bộ đàm, hỏi tình hình người đầu kia rồi ra lệnh thuyền viên thu dù, nổ máy chạy thẳng. Con tàu lao vun vút trong đêm, ra vùng đánh cá chung trên Vịnh Bắc bộ. Vừa giữ chặt bánh lái, thuyền trưởng vừa liên tục hỏi vị trí tọa độ... Thủy thủ Nguyễn Duy Định giải thích, tàu vây đang đi theo tiếng gọi của chiếc tàu 2 sào. Ở đó, họ phát hiện có đàn cá ngừ đang giỡn ánh sáng quanh tàu mình nên đã chia sẻ thông tin qua bộ đàm cho tàu vây đến đánh…

Gần 1 giờ đồng hồ sau, tàu chạy đến tọa độ xác định. Nhìn lên màn hình, Thuyền trưởng Khai phân tích, đây là đàn cá ăn nổi trên mặt nước nhưng số lượng không nhiều. Sau dăm phút cân nhắc, anh quyết định không buông lưới mà chạy tiếp ra phía ngoài, nơi một con tàu câu mực khác cũng đang gọi trên đàm. Vị trí mới cách khoảng 5 hải lý. Gần 2 giờ sáng, tàu dừng, Thuyền trưởng Khai ra lệnh thả vây nếu không mặt trời sẽ lên, cá di tản hết…

Câu mực đêm trên Vịnh Bắc bộ.
Câu mực đêm trên Vịnh Bắc bộ.

Trong lúc chờ đợi kéo lưới lên bờ, bất ngờ xuất hiện một ngư dân chèo thúng từ tàu câu mực sang. Hỏi mới biết, anh là người đã gọi đàm cho tàu cá đến thả vây. Anh tên Nam, ở xã Quỳnh Nghĩa, có thâm niên hơn 10 năm đi tàu 2 sào câu mực ở Vịnh Bắc bộ. “Trên biển, anh em phải tương trợ, chia sẻ thông tin cho nhau. Đây không chỉ là nguyên tắc mà là trách nhiệm với đồng nghiệp và với cả bản thân mình. Nhờ sự sẻ chia, tương trợ này mà chúng tôi mới có thể vượt qua muôn vàn khó khăn giữa trùng khơi bão tố cũng như có thêm sức mạnh để vươn khơi, bám biển bất chấp sự những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, anh Nam tâm sự.

Mẻ lưới kết thúc sớm vì chỉ được vài tạ cá trích, cùng một ít cá ù. Kéo lưới xong, anh Nam nhận nửa khay cá, thêm vài lít rượu và một ít rau rồi chèo thúng trở về tàu mình. Thuyền trưởng Khai giải thích, ngư dân vùng biển là vậy. Thường sau mỗi lần cất lưới sau khi tiếp nhận thông tin luồng cá từ tàu câu mực, những chủ tàu vây chia lại 10% giá trị sản lượng để trả công. Nếu lát lưới không được như kỳ vọng, hai bên bắt tay nhau, hẹn ngày tái ngộ. “Có làm như vậy thì mới bền được lâu. Đây cũng chính là cách mà chúng tôi liên kết với nhau khi rời đất liền”, anh Khai nói thêm.

Ngư dân bám biển lấy đêm làm ngày. Trong những đêm trắng giữa trùng khơi ấy, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, sự nguy hiểm từ thiên nhiên và cả con người nhưng ngư dân xứ Nghệ vẫn kiên cường bám biển. Những khối ánh sáng từ các đoàn tàu vây, tàu giã cào, 2 sào, 4 sào hay tàu câu mực với hơn 1.300 chiếc vẫn ngày đêm tỏa sáng, làm nên những thành phố lung linh, huyền ảo giữa đại dương. Giữa ánh sáng gần gũi, ấm áp ấy, chợt dậy lên niềm tin ở đâu có ngư dân, ở đó có Tổ quốc…

Đ.Tuấn - N.Khoa

Mới nhất
x
x
Kỳ 2: Đêm trắng Vịnh Bắc bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO