Kỳ 21: “Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống …”

26/07/2011 10:04

Vườn quốc gia Pù Mát là điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm hấp dẫn với những cảnh đẹp hùng vĩ, nguyên sơ mà thiên nhiên ban tặng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở “thiên đường xanh” Pù Mát đang rất cần sự quan tâm từ nhiều phía. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Cao Đăng Vĩnh – Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và du lịch Nghệ An xung quanh vấn đề này.

(Baonghean) - Vườn quốc gia Pù Mát là điểm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm hấp dẫn với những cảnh đẹp hùng vĩ, nguyên sơ mà thiên nhiên ban tặng. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở “thiên đường xanh” Pù Mát đang rất cần sự quan tâm từ nhiều phía. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Cao Đăng Vĩnh – Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và du lịch Nghệ An xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết sự kết nối giữa ngành Du lịch tỉnh và Vườn Quốc gia Pù Mát để khai thác tiềm năng to lớn từ du lịch sinh thái ?


Ông Cao Đăng Vĩnh
Giám đốc Sở Văn hoá thể thao và du lịch.

Ông Cao Đăng Vĩnh: Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 12 NQ/TU ngày 30/7/2002 của BTV Tỉnh uỷ Nghệ An về phát triển du lịch Nghệ An thời kỳ 2002- 2010 đã xác định: "Nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển du lịch Nghệ An là phát triển du lịch sinh thái. Nghệ An có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, trong điều kiện hiện nay muốn nâng nhanh lượng khách du lịch quốc tế phải coi phát triển du lịch văn hoá lịch sử và du lịch sinh thái là khâu đột phá".

Ngoài các giá trị về đa dạng sinh học, trong Vườn Quốc gia Pù Mát còn có nhiều cảnh quan đẹp, nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn. Việc đầu tư khai thác phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát và một số điểm ở vùng phụ cận sẽ tạo ra hình ảnh mới, đặc sắc của du lịch Nghệ An trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh nhà đã có nhiều động thái tích cực để khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của VQG Pù Mát như:

- Phối hợp với Ban quan lý VQG khảo sát tiềm năng du lịch và các tuyến du lịch của Vườn phục vụ cho việc lập đề án phát triển du lịch miền Tây Nghệ An thời kỳ 2007 – 2010. Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 94/2007/QĐ-UBND ngày 08/8/2007;

- Phối hợp xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020 và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 2737/QĐ-UBND.VX ngày 12/6/2009;

- Phối hợp xây dựng đề án phát huy bản sắc văn hóa người Thái vào triển du lịch dựa vào cộng đồng tại khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.

Đây là những định hướng quan trọng về phát triển du lịch miền tây Nghệ An nói chung, VQG Pù Mát nói riêng.

Theo các nhà chuyên môn, tại Vườn quốc gia Pù Mát có thể phát triển rất nhiều loại hình du lịch sinh thái: Du lịch Trekking (đi bộ trong Vườn quốc gia) theo các tour trên tuyến khe Khặng, khe Kèm để tìm hiểu thiên nhiên, cách sinh hoạt của nhân dân địa phương; Tham quan hang động, leo núi; Tham quan nghiên cứu khoa học hệ động, thực vật; Du thuyền trên sông Giăng... Ngoài ra, ngành cũng đã xây dựng một số tuyến du lịch hấp dẫn: như tuyến Phà Lài - Khe Khặng; tuyến Phà Lài - Sông Giăng - Khe Khặng…

PV: Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái từ VQG Pù Mát, theo ông cần thực hiện những giải pháp nào ?

Ông Cao Đăng Vĩnh:
Để khai thác có hiệu quả và đảm bảo yếu tố bền vững trước mắt cần thực hiện một số giải pháp mang tính chiến lược:

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho người dân địa phương các kiến thức và chính sách, pháp luật của nhà nước trong việc bảo vệ các tài nguyên rừng, bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá quảng bá tiềm năng, các sản phẩm đặc thù, các tuyến, tour du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Pù Mát trong nước và quốc tế. Tổ chức mời các công ty, hãng lữ hành quốc tế trong nước và trong khu vực khảo sát mở tour du lịch trong Vườn quốc gia, làm cho du khách hiểu rõ hơn về Vườn quốc gia.


Dệt thổ cẩm - nghề truyền thống của bà con vùng đệm Môn Sơn-Con Cuông.

- Đầu tư xây dựng các tuyến đường đi bộ vào các điểm du lịch trong Vườn quốc gia Pù Mát, xây dựng hệ thống đường giao thông từ QL 7 vào tận các bản làng quanh vùng đệm để phục vụ khách tham quan các làng nghề, các di tích văn hoá lịch sử quanh vùng: di tích thành Trà Lân, Bia Mã Nhai, Hang Ốc, di tích lịch sử Cây đa Cồn Chùa (Môn Sơn) và các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái...

- Có chính sách khuyến khích, ưu đãi và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu xây dựng các dịch vụ du lịch, các loại hình và sản phẩm du lịch tại Vườn quốc gia Pù Mát, trên cơ sở phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng biên giới quốc gia.

- Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc dân tộc sinh sống vùng đệm và thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo, đồng thời bảo tồn giá trị tài nguyên thiên nhiên của VQG Pù Mát.

PV: Thưa ông, Nghệ An đã có kế hoạch gì để bảo tồn, khai thác bản sắc văn hóa của người Đan Lai (vùng lõi), các dân tộc quanh vùng đệm VQG Pù Mát phục vụ du lịch ?

Ông Cao Đăng Vĩnh:
Vườn quốc gia Pù Mát cũng là khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số Thái, Mông, tộc người Đan Lai... Khách du lịch có thể đến tham quan các bản làng nơi có các dân tộc thiểu số cư trú để tìm hiểu bản sắc văn hoá dân tộc của họ; Tham quan làng nghề truyền thống sản xuất ra là các loại áo, váy, khăn quàng, vải thổ cẩm, ví, túi xách tay, hàng lưu niệm... Vượt thác ghềnh lên thượng nguồn sông Giăng tham quan bản làng cổ của tộc người Đan Lai…

Như vậy, Nghệ An đang tích cực xúc tiến công tác bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng lõi và vùng đệm để tạo động lực phát triển du lịch. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, từng bước cải thiện đời sống về vật chất lẫn tinh thần, nâng cao dân trí, xoá bỏ hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng dân cư. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh, tập trung thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn với xây dựng tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, đấu tranh chống các khuynh hướng lợi dụng văn hóa để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết. Tăng cường giáo dục ý thức trách nhiệm của nhân dân trong vùng đối với việc bảo tồn giá trị thiên nhiên, văn hóa dân tộc, môi trường tự nhiên, xã hội và an ninh quốc phòng.


Du thuyền trên sông Giăng.

PV: Việc kết nối giữa các tua du lịch trên địa bàn tỉnh với VQG Pù Mát sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Cao Đăng Vĩnh:
Trước mắt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường quảng bá du lịch Nghệ An dưới mọi hình thức, mọi phương tiện. Đồng thời, liên kết phát triển một số sản phẩm du lịch và tua, tuyến du lịch: Tổ chức các tour tham quan các danh lam, thắng cảnh trong vùng; Tổ chức các tour du lịch chuyên đề nghiên cứu khoa học như điều tra các động, thực vật quý hiếm trong Vườn Quốc gia; Tổ chức tuyến du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Pù mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Pù Huống; Liên kết phát triển du lịch sinh thái với du lịch nghỉ dưỡng tại suối Nước Mọc (Con Cuông), Thác Ba Cảnh, Xộp Lượt, Mường Lống (Kỳ Sơn) Thác Đũa (Quỳ Châu), Thác Kèm (Con Cuông), thác Xao Va, thác Bảy Tầng (Quế Phong) ...; Tổ chức các tuyến du lịch gắn với du lịch của tỉnh với VQG và Lào,Thái lan qua cửa khẩu Quốc tế Nậm cắn và cửa khẩu Thanh thủy; Gắn kết tuyến du lịch Cửa lò- Vinh- Nam Đàn, Kim Liên quê Bác - Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn - Cánh đồng chum-LuangPrabang (nước CHDCND Lào); Tổ chức chương trình du lịch cộng đồng tại Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn - Chi Khê của huyện Con Cuông./.

PV: Xin cảm ơn ông!


Văn Trường - thực hiện

Mới nhất
x
Kỳ 21: “Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống …”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO