Kỳ 3: Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

15/07/2013 17:06

Giải quyết tranh chấp đất nông, lâm nghiệp là công tác khó khăn, phức tạp nên cần có những giải pháp vừa đồng bộ, vừa cụ thể. Mỗi ngành, đơn vị, cá nhân liên quan phải xác định rõ được trách nhiệm của mình để thực hiện tốt hơn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, ổn định đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi nói riêng và tỉnh ta nói chung.

(Baonghean) - Giải quyết tranh chấp đất nông, lâm nghiệp là công tác khó khăn, phức tạp nên cần có những giải pháp vừa đồng bộ, vừa cụ thể. Mỗi ngành, đơn vị, cá nhân liên quan phải xác định rõ được trách nhiệm của mình để thực hiện tốt hơn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, ổn định đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi nói riêng và tỉnh ta nói chung.

>>Kỳ 2: Chính quyền các cấp và nông, lâm trường chưa làm hết trách nhiệm

Trước vấn đề tranh chấp đất lâm nghiệp trong thời gian qua, công tác đầu tiên cần phải được các cấp, các ngành thực hiện là tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường, các địa phương và của người dân. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/T.Ư ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và Nghị định 200/2004/NĐ-CP ngày 3/2/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, nhưng thực trạng sử dụng đất và tài nguyên rừng của các lâm trường quốc doanh vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo đánh giá, phần lớn nông lâm trường sử dụng đất kém hiệu quả; năng suất, sản lượng trồng trọt đạt thấp. Các lâm trường được giao quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên còn để tình trạng rừng bị chặt phá, ngày càng nghèo kiệt và tình trạng để đất hoang hoá, diện tích đất chưa sử dụng vẫn còn.

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì về mặt chủ quan là do vẫn còn mang nặng tư tưởng bao cấp, ỷ lại và chờ sự ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; nhiều nơi còn buông lỏng quản lý đất đai, chưa chú trọng thực hiện các giải pháp về quản lý, sử dụng đất đai theo qui định của pháp luật. Vì vậy, một nhiệm vụ cần thiết lúc này là tiến hành rà soát, đánh giá lại công tác quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường. Đối với những diện tích để hoang hóa hoặc sử dụng kém hiệu quả cần thu hồi đất, bàn giao lại cho địa phương quản lý.

Tuy nhiên, khi giao đất cho địa phương, cần ưu tiên cho người dân những diện tích đã sản xuất lâu nay và có khả năng sản xuất hiệu quả. Thực tế cho thấy một số lâm trường trong quá trình giao đất cho dân lại giao những loại đất địa hình hiểm trở, đất xấu, đất dốc, vùng đất xa khu dân cư. Như tại Lâm trường Quế Phong đã từng giao cho dân bản Cọc xã Quế Sơn trên 40 ha đất sản xuất, nhưng do ở địa thế đất dốc không thể canh tác nổi nên không ai nhận đất.



Gia đình ông Nguyễn Văn Thẹo, bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân (Tân Kỳ) mong sớm được cấp đất sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Để nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp đúng mục đích và có hiệu quả, các cấp, các ngành cần thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Thứ nhất là tổ chức giúp các nông, lâm trường tiến hành rà soát lại quỹ đất của mình được giao quản lý. Từ đây, có trách nhiệm xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất. Xác định sản xuất kinh doanh bao nhiêu và còn lại trả về cho địa phương quản lý. Ông Lâm cũng nêu quan điểm: Đối với hơn 43.000 ha đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên thì không nên giao cho người dân. Bởi đây là diện tích được Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý mà không được Nhà nước cấp kinh phí và phải lấy bù kinh phí từ sản xuất, kinh doanh để phục vụ nhiệm vụ khoanh nuôi, bảo vệ. Nếu giao cho người dân thì công tác bảo vệ sẽ khó khăn hơn.

Trên tinh thần người dân đủ điều kiện đều được chia đất để sản xuất với diện tích tối thiểu, các địa phương cũng cần phải tiến hành rà soát, đánh giá lại quá trình giao đất và sử dụng đất trên địa bàn của mình. Hiện vẫn còn một số địa phương còn “thừa” một diện tích đất khá lớn, nhưng lại chưa bàn giao về cho dân để tăng tính hiệu quả sử dụng đất. Giao đất lâm nghiệp cho người dân là tạo tiền đề để có những chủ rừng đích thực phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, tác động tốt đến phát triển lâm nghiệp, đến tình hình phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, ảnh hưởng tích cực đến sản xuất lâm sản hàng hoá và phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn miền núi. Nhiều địa phương “kêu” khó vì do đang thiếu kinh phí để rà soát, trích đo thực trạng. Nhưng các địa phương cần phải xác định rằng, đây là một nhiệm vụ quan trọng vì nó liên quan đến vấn đề an sinh xã hội và tình hình chính trị của địa phương.

Vì vậy, các địa phương cần phải xây dựng, lập kế hoạch, bố trí các nguồn kinh phí của địa phương và Trung ương vào kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm để thực hiện đề án giao rừng, cho thuê rừng đáp ứng tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, cần tập trung tận dụng sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, giao chỉ tiêu và phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để hoàn thành kế hoạch.

Công tác giao đất, giao rừng cần được bám sát và thực hiện đúng theo Nghị định 02/CP ngày 15/3/1995; Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003. Trong quá trình giao đất cần ưu tiên cho người dân tại địa phương, đúng đối tượng. Đặc biệt, khi giao đất cho dân phải giao những loại đất phù hợp, ưu tiên gần khu dân cư để bà con dễ canh tác, sản xuất.

Sau khi đã tiến hành rà soát, giao đất cho địa phương để chia cho người dân, các cấp chính quyền cần tiến hành quy hoạch tổng thể và qua đó, xây dựng phương án sản xuất cụ thể đối với từng địa phương, từng vùng và từng loại đất. Đây là biện pháp lâu dài nhằm phát huy hết tiềm năng giá trị đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta. Thực tế thì hiện nay, giá trị sản xuất đất lâm nghiệp tại các địa phương là không cao.

Nguyên nhân là huyện, xã chưa xây dựng một quy hoạch tổng thể phát triển tốt, phù hợp. Nếu có thì trong quá trình thực hiện còn thiếu sự chỉ đạo, thiếu quan tâm nên dẫn đến việc người dân thích trồng cây gì, thu hoạch khi nào là việc của người dân. Ví dụ như tình trạng người dân bán keo non đã diễn ra nhiều năm nay, khiến sản lượng keo, giá trị kinh tế sụt giảm nhưng chưa có địa phương nào có biện pháp ngăn chặn. Hay việc đưa các giống cây mới vào trồng để giúp dân thoát nghèo nhưng không phù hợp với khí hậu, chất đất, tập quán canh tác của người dân nên chỉ một thời gian phải xóa bỏ, dẫn đến lãng phí nguồn vốn của nhà nước, trong khi đó dân vẫn cứ hoàn nghèo.

Vì vậy, công tác này phải được các địa phương quan tâm hàng đầu, bởi đây là nguồn sống chính của người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các huyện miền Tây, tỉnh cần xây dựng những chủ trương gắn với phát triển lâm nghiệp như xây dựng, thu hút các dự án chế biến gỗ, chế biến dược liệu… để các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu, ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đây, tạo niềm tin đối với người nông dân trong quá trình phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Mong muốn có đất lâm nghiệp để sản xuất, ổn định cuộc sống là một nguyện vọng chính đáng của người dân, đặc biệt là người dân tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, không thể vì lý do đó mà người dân có quyền vào rừng chặt phá, xâm lấn, tranh giành đất với các nông, lâm trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và đối với những đối tượng cầm đầu, xúi giục, kích động người dân cần phải có biện pháp xử lý thích đáng.

Khi người dân đã được chính quyền giao đất một lần nhưng đã bán, chuyển nhượng cho người khác không được giao đất thêm một lần nữa. Đối với những hộ chưa có đất sản xuất có thể tiến hành hợp đồng giao khoán với các lâm trường với hình thức khoán chu kỳ hoặc khoán công đoạn theo Nghị định 135/2005 của Chính phủ. Trong khi các nông, lâm trường có diện tích đất lớn, có trình độ KHKT, có vốn lại thiếu lao động. Người dân có thời gian và sức lao động nhưng lại thiếu đất để sản xuất. Vì vậy, các nông, lâm trường nên tiến hành giao khoán đất rừng sản xuất với người dân.

Mục đích của giao khoán là sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên đất và huy động nguồn vốn, lao động của bên nhận khoán, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh. Bên cạnh đó, khi tiến hành giao khoán có thể đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, các nông, lâm trường và Nhà nước; giúp các lâm, nông trường phát triển ổn định, người dân có việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

Để quản lý tốt diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn, các cấp chính quyền từ huyện đến xã cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản liên quan đến chủ trương, chính sách giao rừng, cho thuê rừng đến mọi tầng lớp nhân dân, để nhân dân tham gia nhận rừng, thuê rừng quản lý, sử dụng. Để người dân yên tâm sản xuất, Chính phủ cần sớm ban hành bổ sung về cơ chế, chính sách hưởng lợi cho các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia nhận đất, nhận rừng và thuê rừng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng của các chủ rừng sau khi được giao, cho thuê rừng. Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được các địa phương đẩy nhanh tiến độ. Các địa phương cần chủ động trong việc xây dựng phương án, kế hoạch, tránh sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Việc cấp GCN QSDĐ cho hộ nhằm hạn chế tình trạng xâm lấn, tranh giành đất lẫn nhau. Khi đất đã có chủ rừng sẽ tạo điều kiện nâng cao tư duy kinh tế cho các chủ hộ, có thêm nguồn lực mới để “gắn đất đai với lao động” và phát triển kinh tế hộ.

Khi có tranh chấp đất xảy ra, các cấp chính quyền từ xã đến huyện cần xác định rõ trách nhiệm của mình để thực hiện một cách kịp thời, quyết liệt. Trước tiên, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về Luật Đất đai. Các địa phương cần phối hợp tốt với các nông, lâm trường để tháo gỡ những khó khăn nhằm ổn định tình hình chính trị - xã hội tại địa phương. Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vai trò của UBND xã trong vấn đề này còn rất hạn chế, chủ yếu dừng ở mức độ hòa giải.

Trong khi huyện có vai trò lớn hơn nhưng lại thiếu phương pháp, cơ sở và nguồn lực để giải quyết. Về mặt quản lý, lâm trường không trực thuộc chính quyền địa phương mà do Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam quản lý nên vai trò của chính quyền huyện, xã trong chỉ đạo lâm trường giải quyết tranh chấp không khả thi. Vì vậy, công tác phối, kết hợp giữa các bên liên quan cần được thực hiện nhịp nhàng, quyết liệt hơn. Mặt khác, việc quy định chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật cho các cấp chính quyền cần được bổ sung trong các văn bản pháp luật.

Nếu thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, chắc chắn tình trạng lấn chiếm, tranh giành đất lâm nghiệp của người dân đối với các nông, lâm trường sẽ được giải quyết. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại các nông, lâm trường và các địa phương. Đây là điều kiện quan trọng để người dân các huyện miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tạo động lực cho các huyện miền Tây Nghệ An ngày càng phát triển bền vững.


Bài, ảnh: Phạm Bằng - Văn Trường

Mới nhất
x
Kỳ 3: Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO