Kỳ 3: Cháy tàu, thủy thủ con tin suýt bị thiêu sống

31/07/2012 11:23

(Baonghean) Ròng rã 8 tháng trời lênh đênh trên biển, thuyền trưởng và 25 thủy thủ con tin đã phải trải qua những giây phút vô cùng khắc nghiệt, phải ăn cơm hẩm, không được tắm giặt. Trên hành trình phiêu dạt vô định, trước khi mắc cạn trong bãi đá ngầm, con tàu xấu số bốc cháy suýt thiêu sống toàn bộ thuyền viên. -->> Xem ­Kỳ 2: Cướp biển trả giá240 ngày lênh đênh

> Xem ­Kỳ 2: Cướp biển trả giá

240 ngày lênh đênh

“Suốt ngày bị giam cầm trong căn phòng 4m2, nhất cử nhất động của con tin đều đặt dưới tầm kiểm soát của bọn cướp biển, hết sức căng thẳng, tù túng!”, Nguyễn Văn Hải (SN 1992), 1 trong 25 thủy thủ trên con tàu bị bắt giữ kể. Hải quê ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, kể từ hôm rời cảng ra khơi đến ngày rơi vào tay hải tặc, anh làm thủy thủ vừa tròn 1 năm.

Bố già yếu, mất sức lao động. Mẹ bị bệnh tâm thần, từng đi khắp nơi chữa trị nhưng không khỏi. Trong nhà lại có thêm một đứa em bị bệnh thần kinh, khi nổi cơn lại vác dao rượt đuổi hàng xóm, đập phá, khiến gia cảnh nghèo lại càng thêm kiệt quệ. Xuất ngoại lần này, Hải mong kiếm được ít tiền gửi về chữa bệnh cho mẹ, cho em, nhưng số phận kém may mắn đã đặt lên vai chàng thủy thủ trẻ gánh nặng. “Em cứ nghĩ rằng mình không còn cơ hội sống sót trở về”, Hải rùng mình.

Tú-lơ-khơ, cờ tướng đánh mãi cũng chán, từng nhóm thủy thủ con tin chẳng biết làm gì ngoài việc ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện hài hước, chuyện yêu đương để giết thời gian. Nụ cười chợt đắng ngắt khi họ nhớ về gương mặt bạn gái nước mắt đầm đìa ngày tiễn đi biển và lời nguyện ước đợi chờ. “Đời ngư phủ lênh đênh, tình cảnh này, sẽ chẳng ai chờ đợi được. Người yêu sẽ đi lấy chồng!”, Hải chua chát.
Những tô cơm được mang đến. Ban đầu, khi trên tàu còn thịt, cá và rau xanh dự trữ, nhóm thủy thủ con tin mỗi bữa ăn có thêm tý thịt, tý rau. Nhưng rồi lương thực, thực phẩm cạn dần, đến bữa ăn chỉ có bát cơm và bát canh lọng bọng nước. Thức ăn hết sạch, họ phải ăn toàn cơm trắng. Cơm trắng đúng nghĩa bởi chỉ có cơm, không muối, không nước mắm, không thức ăn, không rau. Nhưng đến lúc gạo trắng trên tàu cũng hết, bọn cướp Somalia mang đến cho cơm hẩm. “Những hạt gạo đen thui, ẩm mốc, bốc mùi hôi rất khó chịu và rất nhiều sạn, không nuốt nổi nhưng bọn em vẫn phải cố mà nhai để cầm cự, sống qua ngày!”, Nguyễn Văn Hải kể.

Để cải thiện bữa ăn, bọn cướp cho con tin lên boong tàu câu cá. “Cá trên vùng biển này rất nhiều, thả câu vài chục phút là bắt được cá nặng 10-20kg!”, Thủy thủ Hồ Xuân Hương trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu nói. Nhưng lũ cướp biển sống trong điều kiện khắc nghiệt, tính khí thất thường, chúng có thể nổi nóng, bất thình lình trút cơn giận lên đầu con tin mà chẳng cần lý do. Câu được một lúc, chúng lại dùng báng súng lùa con tin xuống hầm, nhốt vào phòng và khóa trái cửa lại.

8 tháng trời lênh đênh trên biển, dưới họng súng uy hiếp của cướp biển Somalia, thủy thủ con tin trên tàu Shiuh Fu No1 hầu như không được tắm giặt. Ăn nằm một chỗ dưới cái nắng oi ả và chịu hơi mặn của nước biển thâm nhập, da của thủy thủ bắt đầu nứt nẻ, bong vảy. Nhiều người lang ben nổi khắp toàn thân, ngứa ngáy khó chịu nhưng vẫn không có thuốc chữa trị. “Mấy tháng trời không tắm rửa, bí bách vô cùng, cơ thể ai nấy đều bốc mùi hôi!”, Lưu Đình Hùng (Nghi Tiến, Nghi Lộc) kể. Mãi đến lúc một số con tin lên tiếng phản đối thì lúc đó thủy thủ tàu Shiuh Fu No1 mới được tắm giặt. Nước ngọt khan hiếm, chỉ để uống và nấu ăn, họ phải tắm bằng nước mặn, buổi sáng đánh răng rửa mặt cũng toàn nước mặn.

Cháy tàu, con tin suýt bị thiêu sống

“Bực tức, căm ghét, nhưng chẳng ai dám manh động vì toán cướp Somalia quá độc ác, tàn nhẫn, chúng lại được trang bị tận răng, súng ống đầy mình!”, Lưu Đình Hùng nói. Trong một lần tàu cuốn neo, một tên chỉ huy bị dây cuốn, ép chân vào thành tàu. Vụ tai nạn khiến kẻ thủ ác bị bật xương bánh chè và bay một mảng da nơi cẳng chân trái.

“Bọn cướp biển dường như chỉ biết mỗi nghề… cướp biển, chứ chúng chẳng biết làm gì khác!”, một thủy thủ nói. Tính tình thì thô lỗ, mỗi lần cần sai bảo con tin làm gì, chúng đều lấy tay ra hiệu, trái ý một tý là thượng cẳng chân hạ cẳng tay tức khắc. Chúng hoàn toàn mù tịt về việc điều hành, sử dụng nguồn điện và các thiết bị phụ trợ trên tàu và chính việc này đã dẫn tới thảm họa cháy tàu Shiuh Fu No1, suýt thiêu sống toàn bộ thủy thủ con tin.

“Dầu ăn trên tàu không nhiều, mặc dù vậy mỗi buổi nấu ăn bọn cướp vẫn đổ dầu đầy chảo và trong một lần bất cẩn như thế, lửa từ bếp gas bắt cháy lên chảo dầu gây hỏa hoạn!”, thủy thủ Nguyễn Văn Hải kể. Ngọn lửa bùng phát trên bếp, nhanh chóng lan sang các phòng lân cận và cháy xuống hầm máy. Khói bốc lên nghi ngút. Tên chỉ huy toán cướp hoảng sợ, vọt lên boong và dùng bộ đàm gọi tàu của đồng bọn đến đưa người của chúng đi sơ tán. Cướp Somalia sẵn sàng bỏ mặc con tàu bốc cháy, bỏ mặc đám con tin bị nhốt dưới hầm để di tản lên tàu cứu hộ.

Đám cháy bao trùm một diện tích rộng lớn, khiến Shiuh Fu No1 sắp biến thành bó đuốc sống giữa biển khơi, nguy cơ toàn bộ thủy thủ con tin bị thiêu cháy là trong gang tấc. Ngay lúc đó, thuyền trưởng huy động các thủy thủ khởi động máy bơm nước, dập lửa. Ông chạy đi ngắt cầu dao điện đề phòng ngọn lửa lây lan khắp thân tàu. Sau gần 1 giờ đồng hồ chiến đấu với giặc lửa, cuối cùng vụ hỏa hoạn trên tàu Shiuh Fu No1 được khống chế. Thuyền trưởng và 25 thủy thủ thoát nạn.

Lửa được dập tắt, toán cướp Somalia chạy tán loạn lên tàu cứu hộ, sau khi quan sát thấy đã hết nguy hiểm, bèn nổ máy quay trở lại tàu Shiuh Fu No1. “Bọn chúng cười nhăn nhở, đi bắt tay từng người, luôn mồm nói cảm ơn!”, thủy thủ Hùng kể. 8 tháng giam giữ, đánh đập con tin, bọn cướp lúc nào cũng mặt đằng đằng sát khí, giờ đây bất ngờ tỏ ra “lịch sự”. Thân thiện hôm trước thì hôm sau, chúng lại đè cổ con tin ra đánh đập.

Vụ cháy lớn đã làm tàu Shiuh Fu No1 bị trọng thương, chiếc tàu con tin lặc lè lê mình hướng vào đất liền. “Lương thực hết, nước uống cũng cạn, hơn nữa lại bị hư hỏng bởi vụ hỏa hoạn nên tàu Shiuh Fu No1 dường như đã kiệt sức, nó cần được nghỉ ngơi, bảo dưỡng mới có thể tiếp tục hành trình ra khơi săn bắt tàu hàng”, thủy thủ Nguyễn Văn Hải nói. Tên cầm đầu hạ lệnh vào đất liền, tàu chạy được vài ngày lại phải dừng lại vì trục trặc kỹ thuật. Chiếc neo cũ bị hư hỏng, bọn cướp dùng máy hàn chế tạo chiếc neo khác nhưng sản phẩm mới cũng không bảo đảm an toàn khi tàu cần dừng đậu. Sóng to gió lớn, chiếc neo bị bật lên khỏi mặt đất, khiến tàu Shiuh Fu No1 trôi dạt trên biển.

Vào gần đất liền, để có thể dừng tàu, một tên trong toán cướp ngu ngốc nêu sáng kiến là điều khiển tàu vào bãi đá ngầm thả neo. Chúng cho rằng chiếc mỏ neo cày dưới mặt đất, khi gặp đá sẽ khựng lại, nhờ đó mà dừng tàu an toàn. Nhưng “sáng kiến” này của cướp biển Somalia đã nhanh chóng biến tàu Shiuh Fu No1 thành một đống phế thải.

“Áp sát bãi đá ngầm vào buổi đêm rất nguy hiểm, nhưng toán cướp vẫn thản nhiên thả neo, tắt đèn đi ngủ. Mỏ neo thủ công không bám được gờ đá, bị trượt, khiến tàu Shiuh Fu No1 ngay tức khắc bị sóng đánh dạt vào đất liền và nằm chết dí trên bãi cát”, thủy thủ Trần Minh Trí cho biết. Kể từ giờ phút đó, tàu Shiuh Fu No1 chấm dứt hành trình đen bạc của mình, biến thành một đống sắt vụn khổng lồ, nằm chơ vơ trên vùng biển của hải tặc Somalia…

Kinh hoàng 3 đêm trắng

Trong số 12 thuyền viên người Việt Nam trên tàu cá Shiuh Fu No1 (Đài Loan) bị cướp biển Somalia bắt cóc thì Lưu Đình Sơn (SN 1991, quê thôn Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông) là một trường hợp đặc biệt – được cho là đã bị cướp biển sát hại.

“Đó là một buổi tối, em đang ngồi cùng mọi người thì bọn cướp ập vào, bảo em cùng với 2 thủy thủ nữa đi theo. Chúng dí súng sau lưng rồi thúc bọn em đi. Nói thật, lúc đó em không phải lo lắng nữa, mà là khiếp sợ. Em nghĩ, vậy là em chết rồi, bọn cướp đưa em đi bắn, thủ tiêu”, Sơn rùng mình. Lưu Đình Sơn và 2 đồng nghiệp được đưa đến một cái chuồng dê, nhốt lại trong đó, chúng đánh đập rồi dọa giết.

3 ngày 3 đêm bị cầm giữ trong chuồng nuôi súc vật hôi hám, bẩn thỉu, Sơn cứ ngồi suy nghĩ, rồi khóc. Anh không thể ngủ và cũng chẳng dám ngủ, bưng bát cơm mà miệng đắng chát, nuốt không trôi. “Em không biết là em có thể chết lúc nào, cứ như nằm trên họng súng, chỉ một cái bóp cò nữa thôi. Em cứ nghĩ, nếu mình chết lúc này, xung quanh không có người thân, bạn bè, chết ở nơi xa xứ, giữa hoang đảo, thấy rất sợ”, Sơn kể.



Lưu Đình Sơn và mẹ. Ảnh: HỒ LÀI

Mỗi phút giây trôi qua là những phút giây thấp thỏm, phập phồng lo âu, Lưu Đình Sơn chỉ có thể phó mặc sự sống của mình cho bọn hải tặc, vì trốn thì chỉ có đường chết, chết vì lạc đường, chết đói, chết khát… Những ngày trên đất liền, anh em bị bắt làm như nô lệ, ăn uống khổ sở, bị giam cầm, đánh đập. Nhiều khi nghĩ, chết đi được thì khỏe hơn. “Nhưng khi đối mặt với cái chết, ai cũng mong được sống”, Sơn nói.

Sau 3 ngày bị cách ly, giam giữ, bọn cướp lại dẫn con tin quay về. Đến lúc được thả về, Sơn òa khóc vì mừng mà vẫn sợ bọn chúng lừa. Khi về đến nơi rồi, anh mới thấy hoàn hồn. Mấy anh em thủy thủ quê Nghệ An ôm nhau khóc.

Ở quê nhà, có người đọc được ở trên mạng, nói là Lưu Đình Sơn bị cướp biển bắn chết rồi, cả làng đồn ầm ĩ đến tai gia đình Sơn, khiến nhà như có tang. Tắt hết mọi hy vọng, nghĩ thế là con đã tử nạn, bố mẹ anh định lập bàn thờ cho Sơn. Nhưng khi gọi điện xuống Công ty TNHH Hải Thanh (Nghi Lộc, Nghệ An), nơi đưa Sơn đi ngày trước, đại diện công ty khẳng định chưa có thông tin chính thức gì. “Sơn chưa chết, cả nhà cứ yên tâm, đừng có lập bàn thờ em!”, đại diện công ty này cho biết. Lúc đó gia đình anh vẫn chưa qua cơn hoảng loạn, nửa tin nửa ngờ, nhưng chẳng ai nghĩ được gì hơn nữa khi tin tức con trai bặt vô âm tín.

Chủ tịch xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) Trần Quang Vệ cho biết: “Chia sẻ với các thủy thủ gặp nạn, Đảng ủy, UBND xã đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân, hỗ trợ mỗi người 500.000 đồng”. Báo Tiền phong ủng hộ thủy thủ Lưu Đình Hùng (xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc) 2 triệu đồng.


Quang Long - Hồ Lài

Mới nhất
x
Kỳ 3: Cháy tàu, thủy thủ con tin suýt bị thiêu sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO