Kỳ 3: Đầu tư dàn trải, thiếu sự quan tâm, sâu sát

21/03/2013 13:58

(Baonghean) - Có “nguồn cung” dồi dào, VĐV có tố chất tốt, nhưng với cách làm thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự quan tâm sâu sát, Nghệ An đang lãng phí những tiềm năng TDTT của mình...

>>Kỳ 2: Thứ hạng nào cho thể thao Nghệ An?

Với địa bàn trải rộng, mỗi địa phương trong tỉnh ta đều có những môn thể thao truyền thống và có thế mạnh riêng, thuận lợi cho việc tổ chức các phong trào thể thao, đầu tư mở các lớp năng khiếu nghiệp dư, tuyển chọn các VĐV, như các môn: bóng đá, cầu mây, đá cầu, cờ vua ở TP. Vinh, Thị xã Thái Hòa, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Diễn Châu; các môn võ: TX Cửa Lò, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc; bóng chuyền: Hưng Nguyên, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Tương Dương, Quỳ Hợp; bơi, lặn: TX Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên; bi sắt: TP Vinh, Diễn Châu, Tương Dương; cử tạ: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương; điền kinh: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn; vật: Nam Đàn, Yên Thành, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Hàng năm, toàn tỉnh cũng tổ chức hàng chục giải thể thao cấp tỉnh cho nhiều bộ môn, nhiều lứa tuổi, tạo cơ hội cho các VĐV tuyến huyện có dịp được thi thố tài năng và cũng là dịp để tuyển chọn các VĐV có tiềm năng vào đội tuyển của tỉnh. Thế nhưng tại các giải đấu này, công tác tổ chức vẫn đang còn quá sơ sài, VĐV được cử tham dự giải thì xem như là một dịp để xuống TP Vinh đi chơi, Ban tổ chức thì tìm cách rút ngắn thời gian để đỡ kinh phí, thế nên mới có chuyện phóng viên cứ theo giấy mời đến đưa tin bế mạc thì giải đã kết thúc trước đó mấy ngày. Do công tác tuyên truyền kém nên người hâm mộ, khán giả cũng chẳng biết giải diễn ra lúc nào để đến xem và cổ vũ, nên các giải đấu này cứ luôn diễn ra trong tình trạng rất im ắng. Tại các giải đấu này, người ta cũng ít thấy xuất hiện các HLV, BHL các đội tuyển đến xem để tìm chọn nhân tài cho đội tuyển của tỉnh.



Giải vô địch Karate cấp tỉnh chỉ có VĐV và… trọng tài tham dự.

Trong lúc đó, tại Trung tâm Đào tạo huấn luyện thể thao tỉnh cũng thường xuyên có khoảng 300 VĐV tham gia tập luyện; ngân sách chi cho sự nghiệp đào tạo, huấn luyện VĐV, tham gia thi đấu năm 2012 hơn 19 tỷ đồng; chế độ dinh dưỡng cho VĐV các tuyến đã được điều chỉnh theo văn bản của Trung ương và phù hợp với thực tế thị trường, về tiền công là 30.000 - 80.000 đồng/ngày/VĐV, 90.000 -120.000 đồng/ngày/HLV; về chế độ dinh dưỡng thường xuyên tăng lên từ 90.000 - 150.000 đồng/người/ngày, chế độ dinh dưỡng tham gia thi đấu tăng lên từ 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày...

Đáng lẽ ra, với nền móng và sự đầu tư đó, thể thao Nghệ An phải gặt hái được nhiều thành tích hơn nữa chứ không phải lẹt đẹt, thấp thua nhiều địa phương khác như trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nguyên nhân chính làm cho thể thao thành tích cao Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng hiện có là: Hệ thống tuyển chọn VĐV năng khiếu Nghệ An chưa có quy chế rõ ràng, mà còn dựa trên cảm tính, cảm quan của HLV ở bộ môn đó. Nên mới xảy ra tình trạng có VĐV tiềm năng như Nguyễn Thị Huyền (môn karate) - liên tiếp đoạt HCV ở giải vô địch tỉnh thì không được tuyển chọn, còn ông HLV trưởng bộ môn này lại có tới 2 người con có suất trong đội tuyển. Công tác tuyển chọn VĐV chưa tốt, công tác huấn luyện còn buồn hơn bởi còn có HLV làm việc theo kiểu tay ngang, chưa từng có thành tích đáng kể trong thi đấu và bằng cấp cũng chưa đầy đủ mà vẫn được chọn là HLV trưởng bộ môn. Việc quản lý VĐV, HLV vẫn còn lỏng lẻo nên dẫn đến có những VĐV, HLV phải chấm dứt sự nghiệp vì vi phạm pháp luật (HLV Vương Thành Lê, VĐV Nguyễn Thị Hương Trà...). Nhiều VĐV khi được gọi lên đội tuyển còn thiếu sự tu dưỡng, kiểm tra giám sát nên bị sa sút về phong độ và bị trả về địa phương...

Bên cạnh đó, trong điều kiện dù kinh phí chưa dồi dào, đáng lẽ ra nên tập trung đầu tư tối đa cho những môn, những VĐV có triển vọng giành huy chương tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, được vào đội tuyển quốc gia để tham dự các đấu trường châu lục, thì ngành TDTT Nghệ An lại đầu tư dàn trải, duy trì hàng trăm VĐV, hàng chục bộ môn (16 bộ môn chính thức, 2 bộ môn thử nghiệm) tại Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao của tỉnh. Cùng với đó, hàng năm, công tác kiểm tra, đánh giá về chất lượng huấn luyện, chất lượng VĐV, HLV cũng không được chú trọng.

Nói về sự thiếu quan tâm, sâu sát của lãnh đạo ngành TDTT, một HLV đã ví von rằng: "Chúng tôi như một đứa con được sinh ra rồi để… "sống chết mặc bay". Điển hình cho tình trạng này là việc Liên đoàn Võ thuật Nghệ An từ khi được thành lập (2000) đến nay cũng chỉ đại hội 1 lần rồi hoạt động cầm chừng. Sau một thời gian tồn tại, đội tuyển bóng chuyền nam của tỉnh đã bị giải tán từ năm 2006; năm 2008 đội tuyển bắn súng cũng bị giải tán; đội tuyển bóng chuyền nữ từng tạo được dấu ấn khi liên tiếp 2 năm 2003 – 2004 lọt vào đến trận chung kết giải bóng chuyền A1 toàn quốc, nhưng ngay sau đó Sở TDTT đã ra quyết định giải tán rồi lại được thành lập lại vào năm 2008...

Nói về việc thành tích thể thao chưa tương xứng với tiềm năng của mình, ông Phạm Minh Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm TDTT TP. Vinh - Trưởng đoàn karate Nghệ An giai đoạn 1991-1997 đưa ra dẫn chứng: Trước đây bộ môn karate ở Nghệ An phát triển rất mạnh, có những lần như ở Giải vô địch toàn quốc 1995, các VĐV chúng ta đoạt 3 HCB, 4 HCĐ, thời điểm đó các phong trào karate ở Thanh Hóa và Hà Tĩnh chưa có, các HLV của họ phải sang Nghệ An học và tập luyện. Vậy mà, đến nay, Hà Tĩnh đã có các VĐV Võ Mạnh Tuấn, Nguyễn Văn Sử đoạt HCV tại SEA Games, Thanh Hóa có Bùi Thị Ngân đoạt HCV SEA Games và HCB châu Á... còn các VĐV karate Nghệ An vẫn chỉ là... tiềm năng, thậm chí chuyên môn còn thua sút so với trước rất nhiều. Đây cũng là tình trạng chung của các bộ môn thể thao đang được huấn luyện và đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và huấn luyện TDTT tỉnh hiện nay, bởi ngoại trừ bóng đá ra, đến nay Nghệ An vẫn chưa có 1 môn thể thao mũi nhọn nào khác có thể cạnh tranh ngang ngửa với các tỉnh, thành khác trong cả nước chứ chưa nói đến đấu trường quốc tế.

Đem vấn đề “lãng phí tiềm năng thể thao của Nghệ An” trao đổi với Lê Công - HLV trưởng Đội tuyển karate Việt Nam, ông nói: Là một HLV làm việc lâu năm ở đội tuyển quốc gia, tôi thấy Nghệ An có nhiều VĐV có tố chất tốt, có triển vọng, nhưng muốn phát huy được tiềm năng đó những người làm công tác thể thao cần phải có sự đoàn kết, cùng nhau nhìn về một hướng. Các HLV phải sâu sát, quan tâm đến các VĐV hơn nữa. Về công tác tuyển chọn VĐV cần phải tổ chức các giải đấu từ cấp độ ở các địa phương rồi lựa chọn ra các VĐV có tiềm năng để đưa về huấn luyện. Trong công tác huấn luyện cũng cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Người làm công tác huấn luyện phải thổi được “lửa nhiệt huyết” vào các VĐV, để mỗi VĐV đều có ý thức phấn đấu hết mình.


Muốn thể thao phát triển cũng phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa thể thao để kết hợp được sự đầu tư của Nhà nước và tài trợ của các “mạnh thường quân”.


Bài, ảnh: Đức Dũng

Mới nhất

x
Kỳ 3: Đầu tư dàn trải, thiếu sự quan tâm, sâu sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO