Kỳ 4: Khai thác không đúng quy trình
(Baonghean.vn) Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) có 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng, trong đó có 3 doanh nghiệp đang khai thác (1 doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động) 6 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Trong số đó, một số công ty chưa chấp hành nghiêm túc quy trình khai thác.
(Baonghean.vn) Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) có 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng, trong đó có 3 doanh nghiệp đang khai thác (1 doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động) 6 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Trong số đó, một số công ty chưa chấp hành nghiêm túc quy trình khai thác.
Xem Kỳ 3-> Nỗi lo sập hầm khai thác vàng
Có mặt tại Khe Ngân (khu vực hồ Thủy điện Yên Thắng), chúng tôi thấy những con tàu cuốc làm vàng của Công ty Hải Châu (H-C) đang hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ inh tai, nhức óc. Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác thời gian hoạt động 18 tháng, từ ngày 26/5/2010 đến hết tháng 12/2011. Khai thác theo hình thức cuốn chiếu từ hạ nguồn lên thượng nguồn, bằng máy xúc kết hợp với hệ thống tuyển quặng. Công ty đã sử dụng 6 tàu cuốc và 1 máy xúc lật trong quá trình khai thác công ty đã không kịp thời hoàn trả mặt bằng như cam kết ban đầu. Vì thế mà ngày 15/8/2011, UBND huyện Tương Dương đã phạt hành chính Công ty H-C 15 triệu đồng.
Những tàu cuốc khai thác vàng đang hoạt động tại lòng hồ thuỷ điện
Yên Thắng
Trước khi vào khai thác vàng, Công ty CP Yên Thắng (chủ đầu tư xây dựng Thuỷ điện Yên Thắng) và Công ty H-C đã thống nhất là: Công ty CP Yên Thắng có quyền đình chỉ khai thác nếu xét thấy có ảnh hưởng đến khu vực lòng hồ và đập Thuỷ điện Yên Thắng. Tuy nhiên, sau khi có quyết định cấp phép khai thác khoáng sản, Công ty TNHH H-C đã tự ý đơn phương đưa máy vào khai thác mà không báo cáo với chủ đầu tư, không thực hiện theo biên bản làm việc ngày 20/3/2009. Công ty CP Yên Thắng đã có văn bản ngày 17/6/2010 thông báo tạm đình chỉ việc khai thác tận thu vàng sa khoáng tại lòng hồ Thuỷ điện Yên Thắng kể từ ngày 18/6/2010. Nếu Công ty TNHH Hải Châu vẫn khai thác không đúng quy trình, ảnh hưởng tới lòng hồ thì Công ty CP Yên Thắng sẽ làm văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này công ty này vẫn đang hoạt động khai thác vàng.
Trên địa bàn xã Yên Hoà có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác vàng thì hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng đối với Công ty Việt - Lào được cấp phép 5 năm khai thác vàng gốc lộ thiên tại bản Xốp Kha. Trong quá trình hoạt động, công ty này đã tự ý chuyển nhượng mỏ cho đơn vị khác (tuy trên danh nghĩa vẫn đứng tên Công ty Việt -Lào).
Ông Lô Thái Sinh-Chủ tịch UBND xã Yên Hoà cho biết: Xã đã thành lập đoàn lên kiểm tra tại mỏ, căn cứ theo hồ sơ khai thác thì phát hiện công ty thực hiện sai với quy trình khai thác, như đào đất đá ngổn ngang không trả lại mặt bằng. Đặc biệt, trong quá trình nghiền đất đá tuyển vàng, công ty không sử dụng bể lắng lọc mà xả thẳng xuống khe, suối gây ô nhiễm cho dòng khe Líp và bà con dân bản ở Xốp Kha. Cũng tại đỉnh Phu Phen - Công ty Bảo Lâm được cấp phép khai thác 3 năm, tuy làm với quy mô nhỏ nhưng tại điểm mỏ không có bể chứa lắng lọc, đào khoét núi không đúng với hồ sơ thiết kế.
Ông Lô Hoài Thơm-Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho biết: Tại địa bàn xã Yên Na UBND tỉnh vừa cấp phép cho Công ty Đầu tư xây dựng S.E.V ngày 25/6/2011 được khai thác quặng vàng với thời gian 5 năm tại bản Na Khốm với diện tích 65 ha. Được phép sử dụng khai thác hệ thống hỗn hợp. Đến thời điểm này, công ty đã thực hiện xong phần hỗ trợ tiền đất cho dân.
Theo quy định của Nhà nước, tiền hỗ trợ là 1.700 đồng/m2 đất, nhưng công ty đã thực hiện theo yêu cầu của bà con hỗ trợ 3.000 đồng/m2 đất. Ông Thơm nói: Hiện nay Công ty S.E.V đang thực hiện thăm dò và xây dựng cơ sở hạ tầng mỏ, đối với cấp xã chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra, thường xuyên, giám sát, nếu công ty khai thác sai quy trình, gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ báo cáo kịp thời lên với các ban ngành để xử lý.
Ông Lương Văn Thơm, người dân bản Na Khốm than vãn: Gia đình bị mất 2 sào đất do trúng vào toạ độ khai thác vàng của công ty. Dù được đền bù 3.000 đồng/m2, cao hơn quy định của Nhà nước, nhưng chúng tôi vẫn mong Nhà nước cần quy hoạch lại đất nương rẫy để bà con có đất sản xuất lúa, ổn định lương thực.
Nhóm phóng viên