Kỳ 6: Nghề cứu hộ động vật ở Vườn quốc gia Pù Mát
(Baonghean) - Trung tâm cứu hộ động vật ở Vườn quốc gia Pù Mát như một “bệnh viện” sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc cho những loài thú bị thương, nghiên cứu các đặc điểm sinh thái rồi trả chúng về với môi trường thiên nhiên. Nghề này cũng lắm gian truân.
Chúng tôi đến Trung tâm cứu hộ động vật VQG Pù Mát giữa ngày hè nắng gắt. Khách tứ phương đổ về tham quan trung tâm VQG khá đông. Chủ yếu họ xin vào Trung tâm cứu hộ động vật để ngắm các con thú đang được chăm sóc chữa trị. Anh Nguyễn Tất Hà cán bộ Trung tâm cứu hộ cho biết: Trung tâm không những là nơi nghiên cứu khoa học mà còn là nơi mọi người có thể đến tham quan các hoạt động độc đáo của từng loài vật. Từ đó thức tỉnh tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm trong mỗi du khách tham quan. Đặc biệt các em học sinh khắp nơi trong huyện Con Cuông dịp hè này thỉnh thoảng được cha mẹ đưa đến Trung tâm để xem thú. Thấy các chú “bác sĩ” chăm sóc, chữa bệnh cho loài thú những em nhỏ cũng cảm động và thương các con vật lắm, các cháu mong cho những con thú mau khỏi bệnh để được thả vào rừng.
Anh Trần Xuân Cường bên con gấu vừa nhận về.
Người tâm huyết với nghề cứu hộ động vật đầu tiên phải nói đến là anh Trần Xuân Cường-Phó giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát. Ngay từ những ngày đầu thành lập, anh Cường đã cùng với đồng nghiệp cứu sống được rất nhiều loài thú. Anh Cường nhớ lại: Hàng năm các hạt kiểm lâm và các Trạm QLBVR trên địa bàn tỉnh bắt được những vụ buôn bán động vật hoang dã đều đưa về Trung tâm để chăm sóc, chữa trị sau đó mới thả vào rừng. Chỉ tính riêng năm 2006-2008 Trung tâm đã cứu hộ được hàng trăm con rùa đá, rùa hộp trán vàng, trên 100 con khỉ, 40 con beo lửa, 30 con gấu cùng nhiều loài chim quý... Các con vật đa số bị thương do đánh bẫy, săn bắn, rồi bị kiệt sức, đưa vào Trung tâm được phân loại thả vào từng chuồng sắt để chữa trị.
Còn nhớ hồi tôi về thăm Trung tâm những năm 2005, anh Trần Đức Linh quê Hà Nội đã có 10 năm làm việc tại đây, nay chuyển công tác ở Đại học nông nghiệp. Khi đó Trung tâm được chuyển về 2 chú gấu ngựa và gấu chó mới chỉ cân nặng khoảng 2 kg, anh Cường và Linh đã phải thay “mẹ gấu” chăm sóc chúng như những đứa trẻ sơ sinh mới lọt lòng. Anh Linh nói: Trời lạnh phải cho gấu ngủ chung đắp chăn sưởi ấm, nửa đêm pha sữa bỏ vào ống cho gấu bú, gấu háu đói nên một ngày phải cho uống sữa đều đặn 7 lần. Hàng ngày nó cứ lẽo đẽo theo người như con chó nuôi trong nhà, qua giai đoạn “cai sữa” thì hàng ngày phải tập cho nó ăn cháo. Ngủ chung với người được khoảng hơn 3 năm thì anh em đưa gấu nhốt vào chuồng sắt vì giai đoạn đó gấu đã lớn, móng vuốt dài đêm ngủ nó gầm gừ trông rất sợ. Giai đoạn gấu trưởng thành, VQG Pù Mát có kế hoạch đưa chúng trả về thiên nhiên, khi thả thử ở xung quanh vườn thì thấy 2 con gấu này không thể tự kiếm ăn sinh tồn được, VQG Pù Mát lại phải đưa chúng về nuôi nhốt.
Khỉ mốc đang được cứu hộ tại Trung tâm.
Loại gấu bị thương được chữa trị vài tháng rồi thả vào rừng là chúng hoà nhập với môi trường tự nhiên ngay, đối với gấu nuôi từ sơ sinh đã quen với nuôi nhốt mà thả vào rừng chúng sẽ chết đói. Hiện 2 con gấu này, một con đã chuyển cho VQG Tam Đảo, con còn lại đang nuôi nhốt tại Trung tâm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Mặc dù được con người nuôi, nhưng bản tính hoang dã của loài thú dữ vẫn trỗi dậy, người lạ trêu đùa là nó vẫn tấn công.
Anh Nguyễn Tất Hà – cán bộ Trung tâm tâm sự: Chúng tôi còn phải chăm sóc nhiều loài thú khác rất phức tạp, như rùa trán hộp vàng, thức ăn “khoái khẩu” là món giun đất. Nắng cũng như mưa, anh em phải vào rừng đi đào giun “bồi bổ” sức khoẻ cho rùa, rồi hàng ngày chữa trị những vết thương lở loét. Đối với loài khỉ cách chăm sóc cũng độc đáo, phải hiểu chúng, như loại khỉ mốc thường sống ở độ cao trên 1000 m, ngủ trong hang đá, thức ăn chủ yếu là lá chuối non và quả cây, sống trầm lặng không ồn ào. Vì thế khỉ mốc được nuôi ở khu vực vắng vẻ hơn bao quanh là cây cối um tùm, cán bộ Trung tâm đều đảm bảo được thức ăn ưa thích cho chúng.
Anh Nguyễn Tất Hà bên tủ lạnh chứa thức ăn cho động vật.
VQG Pù Mát là nơi được đánh giá bậc nhất về đa dạng sinh vật, đặc biệt là có nhiều loài thú quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên vẫn chưa thực sự xứng tầm. Nói là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cho “oách” chứ “trung tâm” chỉ là ngôi nhà cấp 4 nhỏ rộng 2 gian, vừa đủ lọt thỏm bộ bàn ghế và chiếc giường ngủ, các thiết bị y tế phải chuyển xuống gian bếp. Hiện tại Trung tâm đang chăm sóc 1 con gấu ngựa, 4 nhím, 2 khỉ, 1 cầy dông, 34 con rùa mỏ vẹt, trán vàng ... Trang thiết thiết bị chỉ có 1 tủ lạnh, 1 tủ mát và một số dụng cụ ý tế. Vì cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nên việc chăm sóc và chữa trị cho nhiều cá thể động vật rất khó khăn. Cả Trung tâm nhưng chỉ có 2 cán bộ, hầu hết các chuồng sắt nhỏ hẹp mưa gió đều có thể tạt vào ẩm ướt, trang thiết bị y tế còn thiếu các thiết bị như máy chụp X quang, máy siêu âm... để phục vụ chấn đoán vết thương cứu hộ kịp thời cho động vật. Được biết đối với các loại như rùa, rắn, nhím... sau khi chăm sóc có thể thả vào rừng ngay, nhưng đối với các loài báo, gấu, khỉ... lại phải cần môi trường bán hoang dã để chúng được làm quen với các phản xạ săn mồi tự nhiên. Vì thế mà những con gấu, khỉ được nuôi nhốt khi được thả vào rừng không còn khả năng kiếm ăn nữa.
Được biết, khi chăm sóc lành lặn các loài thú, công việc thả chúng vào rừng cũng rất gian nan, đối với những loài động vật to lớn như gấu, beo trước khi thả phải tiêm thuốc gây mê rồi bí mật chở vào rừng. Tuyệt đối không để thợ săn phát hiện được, vì lúc này gấu, beo tiêm thuốc gây mê nên yếu, chưa có khả năng chạy nhanh vào rừng để trốn chạy.
Trời xế chiều, anh Hà lại tất bật chuẩn bị bữa tối cho “đàn con”, anh nói: “Vất vả chút nhưng cứu chữa, chăm sóc thả được các loài vật vào được rừng xanh là anh em làm nghề cứu hộ vui rồi. Tôi chỉ mong sao được Nhà nước quan tâm hơn nữa để được đâu tư cơ sở hạ tầng cho Trung tâm cứu hộ, đặc biệt là xây dựng khu nuôi thả động vật bán tự nhiên để thuận lợi cho việc thả thú rừng về với môi trường thiên nhiên.
Văn Trường