Kỳ 8. Các bằng chứng cận lâm sàng và nguyên tắc điều trị Hôn mê tăng Glucose máu không nhiễm toan ceton

01/02/2013 18:18

(Baonghean) - Thưa các quý vị, thứ 3 (29.01.2013) chúng tôi đang nói với quý vị về các triệu chứng lâm sàng của Hôn mê tăng Glucose máu không nhiễm toan ceton. Hôm nay, chúng tôi nói tiếp về các bằng chứng cận lâm sàng (CLS) và nguyên tắc điều trị biến chứng này.

Hôn mê tăng Glucose không nhiễm toan ceton còn có tên gọi là Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, có các triệu chứng cận lâm sàng là:

Thứ nhất: Áp lực thẩm thấu tăng > 320 mosm/l. Cách tính áp lực thẩm thấu:

ALTT = 2(Na+K) + Ure + Glucose (mmol).

Thứ hai: Đường máu tăng cao 25 – 30 mmol/l trở lên.
Thứ 3: Tăng Natri máu.
Thứ 4: Giảm Kali máu, có thể Phospho máu cũng giảm.
Thứ 5: PH máu bình thường, dự trữ kiềm bình thường.
Thứ 6: Ure, Creatinin máu tăng.

Khi được xác định bị Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, thì phải khẩn trương xử trí theo nguyên tắc sau:

● Trước hết điều trị cấp cứu:

- Phải truyền dịch để bù đủ số lượng nước mất, dựa theo áp lực tĩnh mạch trung tâm (có thể cho tới trên 10 lít/ngày).

+ Có thể xác định lượng dịch truyền vào bằng tính theo Na+ thực tế ==> tham khảo công thức sau:

A = Na+ + (1,6(G – 5,5)/5,5)
D = 0,6 x P x A/140


Trong đó:

A: là lượng Na+ thực tế;
Na+ : là lượng Natri đo được trong huyết tương người bệnh.
D: là lượng dịch cần bổ sung (lit).
P: là trọng lượng cơ thể (Kg).
G: là lượng Glucose huyết tương tính bằng mmol/l

Lưu ý: Đây là cách tính lượng dịch cần bù cho cơ thể đã bị mất trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cách bù như thế nào thì phải tùy thuộc vào tình hình thực tế của người bệnh để có chỉ định phù hợp. Tốt nhất là dựa theo áp lực tĩnh mạch trung tâm để điều chỉnh lượng dịch truyền vào.

+ Loại dich truyền là dung dịch đẳng trương Nacl 0,9%, có thể truyền Ringerlactat. Nếu người bệnh có suy tim ứ huyết thì dùng dung dịch NaCl nhược trương 4,5‰

+ Có thể dùng glucose 5% để tránh nguy cơ hạ đường huyết (khi glucose máu giảm xuống 12 mmol/l)

- Dùng insulin nhanh để hạ đường máu xuống (tốt nhất truyền tĩnh mạch) như phác đồ điều trị nhiễm toan ceton

- Bổ sung kali cùng với insulin với liều 10 – 20 ml KCL 10% và NaCL 4,5%.

Lưu ý: Theo dõi lượng nước vào ra, đường máu, áp lực thẩm thấu để điều chỉnh liều insulin hàng giờ cho đến khi bệnh nhân ổn định về đường máu và áp lực thẩm thấu máu trở về bình thường và bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.

● Sau đó điều trị:

- Điều trị suy tim (nếu có), có thể cho Uabain hoặc Digoxin.
- Cho kháng sinh chống bội nhiễm.
- Điều trị nguyên nhân gây bệnh.
- Chống đông máu: Khác với người hôn mê nhiễm toan ceton, người bệnh hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu có nguy co tắc mạch cao hơn nhiều, vì thế việc sử dụng chất chống đông máu là thực sự cần thiết.

Lưu ý: Trong điều trị hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, việc điều chỉnh rối loạn nước - điện giải rất quan trọng. Vì đường huyết có thể về bình thường khi bồi phụ đủ dịch và điện giải.


Bác sỹ Nguyễn Văn Hoàn (Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An)

Mới nhất

x
Kỳ 8. Các bằng chứng cận lâm sàng và nguyên tắc điều trị Hôn mê tăng Glucose máu không nhiễm toan ceton
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO