Kỳ cuối: Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm

22/05/2013 12:20

> Xem Kỳ 1: Kỳ 1: Nhiều nông dân mất trắng vụ xuân

Chúng tôi về các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang, Quỳnh Tân, Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, nơi các địa phương bị mất mùa lúa BC15 nặng nhất để tìm hiểu nguyên nhân. Tại các địa phương này, chúng tôi đã được nghe nhiều phân tích từ kinh nghiệm, cảm quan của bà con nông dân. Chị Nguyễn Hường ở xóm 1, Quỳnh Hồng kể: Làm 4 sào lúa BC15, lấy 6kg giống của Công ty Mạnh Cường (đại lý ủy quyền của Công ty Giống Thái Bình). Do nằm trong mô hình cánh đồng mẫu nên gia đình thực hiện đúng lịch gieo cấy và quy trình chăm sóc. Trà lúa trổ vào thời điểm 24-30/4 lúa đều bị lép hạt, bị mất khoảng 50% năng suất. Thời điểm trổ bông khí hậu hơi se lạnh, có xuất hiện mưa rào. Vì vậy, việc mất mùa có thể do 2 nguyên nhân, một là chất lượng giống, hai là nguyên nhân do thời tiết. Bởi một số vùng chạy lụt cấy sớm hơn, trà lúa trổ vào nắng ấm nhưng vẫn bị lép hạt nhưng ít hơn.



Bà con xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu gặt lúa xanh về cho trâu bò ăn.

Anh Văn Diện ở xóm 1 làm 18 sào lúa BC15 nhưng chỉ mất khoảng trên 20%, năng suất lúa ước đạt bình quân 280-300 kg/sào, theo anh Diện do ở vùng chạy lụt nên phải cấy sớm hơn lịch thời vụ của huyện trên 10 ngày. Trà lúa trổ từ ngày 10-15/4, thời điểm đó trời nắng không mưa. Như vậy, mất mùa có thể do một mặt là thời tiết, giống lúa này có thể trổ vào dịp rét là không kết được hạt, mặt khác chất lượng giống cần phải xem lại vì mọi năm ruộng lúa của tôi cũng trổ gặp thời tiết nắng ấm nhưng đạt trên 350 kg/sào, có nghĩa là so với vụ trước bị giảm trên 50 kg/sào.

Ông Nguyễn Văn Dục, cán bộ nông nghiệp xã Quỳnh Hồng cho hay: Quỳnh Hồng gieo cấy 274 ha lúa, trong đó giống BC15 gieo cấy 200 ha. Thiệt hại nặng do đứng bông, lép hạt là 160 ha, (năng suất đạt 70-120 kg/sào), diện tích còn lại đạt 250 kg/sào. Địa phương cho rằng lúa đứng bông lép hạt ngoài ảnh hưởng của thời tiết thì cũng do chất lượng giống. Tại sao giống Thái Xuyên 11, Thuỵ Hương 308… lúa trổ cùng thời điểm từ ngày 20-25/4 gặp trời mưa vẫn đạt năng suất 3,5 tạ/sào, trong khi giống BC15 lại mất đau? Có thể khẳng định là giống lúa này không kháng chịu được với thời tiết như các loại giống khác.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu khẳng định: Hầu hết các xã gieo cấy giống BC15 đều lấy giống thông qua các đại lý của Công ty Giống Thái Bình. Như Công ty Mạnh Cường cung ứng cho bà con trên 119 tấn giống BC15, đại lý Lý Liên 20 tấn, Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An là 44 tấn, Công ty Giống cây trồng T.Ư 1 là 30 tấn… tổng là trên 154 tấn giống BC15. Hiện Quỳnh Lưu đang triển khai 3 đoàn công tác đi kiểm tra trực tiếp số hộ bị mất mùa, diện tích, trà lúa để trình lên Sở NN&PTNT xin chính sách hỗ trợ. Vụ xuân 2013, huyện chỉ cơ cấu 1.500 ha giống BC15, tuy nhiên, nhiều nơi đã tự “phá vỡ” cơ cấu gieo cấy tăng diện tích lên đến 3.800 ha giống BC15. Nguyên nhân là do giống lúa này gạo ngon và dễ bán trên thị trường nên bà con ưa chuộng, từ trước đến nay cũng đều được mùa. Còn về vấn đề lúa đứng bông, lép hạt có thể giống BC15 trổ vào giai đoạn từ ngày 24-30/4 đều bị lép hạt. Trổ sớm hơn khoảng 10-15 ngày thì không mất mùa, nhưng chỉ đạt năng suất gần 300 kg/sào, trong khi các vụ trước đạt bình quân 350 kg/sào.

Riêng đối với giống BC15 cơ bản bà con đều thực hiện đúng lịch thời vụ, tuy nhiên có nhiều diện tích cấy sớm hơn là do vùng sâu trũng chạy lụt bắt buộc bà con phải cấy sớm để triển khai vụ hè thu sớm. Các vùng sâu trũng cơ bản giống BC15 không mất mùa nặng. Nguyên nhân mất mùa sẽ được cơ quan chuyên môn khẳng định. Nhưng Công ty Giống Thái Bình sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Tại sao khi đưa giống BC15 này vào chỉ khuyến cáo là giống này chỉ mẫn cảm với bệnh đạo ôn, không khuyến cáo thêm loại giống này mẫn cảm với thời tiết là trổ vào dịp rét sẽ không kết hạt. Nếu biết trước được thì huyện đã xin được chuyển lịch thời vụ với loại giống này để tránh trổ vào dịp rét. Thiệt hại của bà con sử dụng giống BC15, Công ty Giống Thái Bình cần phải có chính sách bồi thường hỗ trợ cho người trồng lúa.

Đối với địa bàn huyện Yên Thành, theo thống kê đến thời điểm này có trên 800 ha bị lép hạt do sử dụng giống lúa BC15. Ông Đào Ngọc Hùng - Quyền trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Trong đề án sản xuất vụ xuân, Yên Thành cơ cấu 1.100 ha các loại giống lúa chất lượng cao như AC5, Bắc Thơm, BC15… Nhưng bà con cũng “phá” cơ cấu, riêng diện tích BC15 tăng lên 3.300 ha. Nguyên nhân là mấy năm nay bà con sản xuất lúa lai đầu ra rất khó khăn. Trong khi giống lúa thuần BC15 có giá trị cao, dễ bán nên người dân đã tự tăng diện tích. Tại xã Hoa Thành có trên 100 ha ký kết sản xuất giống cấp I cho Công ty Giống Thái Bình, chủ yếu sử dụng giống siêu nguyên chủng BC15, cấy đúng lịch thời vụ của huyện cũng bị mất mùa thì cần phải xem lại chất lượng giống.

Theo số liệu của Trạm Khí tượng thủy văn Quỳnh Lưu, riêng trong tháng 4/2013 tại địa bàn Quỳnh Lưu ngày 24/4 (giai đoạn lúa trổ nhiều) lượng mưa khá lớn, đạt 93,9mm, chỉ có 9,4 giờ nắng, ngày 25/4 lượng mưa đạt 8,6mm, số giờ nắng 7,5 giờ. Nếu quả thực giống BC15 mẫn cảm với thời tiết thì các ngày này đều mưa rào, trời se lạnh ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu.

Được biết, giống BC15 là giống lúa thuần được Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông Thái Bình chọn tạo từ giống lúa IR17494 (13/2) và Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình chọn lọc, được chính thức công nhận năm 2008. Giống lúa này đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bảo hộ tại Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng trồng trọt Sở NN&PTNT giải thích thêm: Giống lúa này sau khi đưa vào Nghệ An đã được khảo nghiệm, các mô hình khảo nghiệm đều cho năng suất cao đạt trên 7 tấn/ha. Vì vậy, có thể khẳng định giống BC15 đủ điều kiện để kinh doanh ở Nghệ An. Vụ xuân 2013 tỉnh Nghệ An đã cơ cấu giống BC15 vào đề án sản xuất vụ xuân, gieo cấy diện rộng trên 10.000 ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu. Giai đoạn lúa làm đòng trổ bông thì có trên 2000 ha bị đứng bông, lép hạt. Từ ngày 8/5, Sở NN&PTNT đã thành lập 2 đoàn phối hợp với các địa phương để kiểm tra giống lúa BC15, phân tích nguyên nhân. Bước đầu cho thấy cơ bản lúa BC15 vụ xuân đều “sạch bệnh.” Hầu hết diện tích đứng bông lép hạt đều trổ trước ngày 20/4, thời điểm đó mưa kéo dài.

Đại diện của Công ty Giống Thái Bình cho hay: Diện tích gieo cấy hơn 10.000 ha giống BC15 trên địa bàn Nghệ An, nhưng Công ty giống Thái Bình chỉ cung ứng được trên 30 tấn giống (tương đương 30% diện tích, 70% diện tích còn lại chủ yếu bà con lấy giống BC15 bằng cách lựa chọn từ “thóc thịt”. Giống BC15 sau khi thu hoạch, bà con tự để lại gieo cấy sợ rằng sẽ không đảm bảo chất lượng. Vấn đề diện tích lúa đứng bông, lép hạt hiện các cơ quan chuyên môn của tỉnh Nghệ An đang vào cuộc điều tra, xác định nguyên nhân.

Mất mùa giống BC15 có thể thấy rằng, Công ty CP Giống Thái Bình khuyến cáo về giống BC15 còn chưa đủ, cụ thể là mới chỉ khuyến cáo “cây lúa chịu rét kém”, chứ chưa nói rõ “thời tiết rét cây lúa trổ bông sẽ không kết hạt”. Chỉ vì “giấu” đi nhược điểm của giống lúa BC15 mà người tiêu dùng và nhà quản lý đã không biết để phòng ngừa. Và đã làm hại hàng ngàn hộ nông dân. Trong đó có biết bao hộ nghèo, tất cả cuộc sống, cơm áo gạo tiền của bà con đều trông chờ vào ruộng lúa. Lúa mất trắng, cuộc sống người dân càng thêm khốn đốn.

Thứ hai là cấp uỷ, chính quyền địa phương, các huyện mất mùa lúa BC15, đặc biệt là cán bộ chuyên môn về nông nghiệp từ cấp xã, trạm khuyến nông, cán bộ phòng nông nghiệp các huyện, chưa nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra giống của bà con trước khi gieo cấy. Để bà con thoải mải tự để giống gieo cấy, làm ảnh hưởng tới năng suất. Thậm chí một số địa phương để bà con tự phá vỡ cơ cấu mùa vụ, tăng diện tích giống BC15 lên hàng ngàn ha.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý giống trên địa bàn tỉnh ta. Trước khi cung ứng giống vào địa bàn tỉnh, doanh nghiệp cung ứng giống cần phải nói hết các ưu, khuyết điểm của từng loại giống để cơ quan chuyên môn có biện pháp chỉ đạo cơ cấu. Đặc biệt, trước khi cung cứng giống vào địa bàn tỉnh thì nhà quản lý cần phải bắt doanh nghiệp cung ứng giống ký cam kết bằng văn bản “giống đạt phẩm cấp chất lượng.” Nếu để xảy ra mất mùa do giống thì doanh nghiệp cung ứng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho dân. Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần nhanh chóng thống kê các mức thiệt hại để báo cáo với tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ. Đặc biệt là Công ty Giống Thái Bình cần phải có hỗ trợ phần nào kinh phí cho bà con mất mùa do sử dụng giống BC15.

Cục Trồng trọt thống nhất với Sở NN-PTNT Nghệ An nguyên nhân là từ ngày 7 - 15/4/2013 xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh, có những ngày nhiệt độ xuống dưới 17 - 180C. Đây là thời điểm trùng với giai đoạn phân hóa đòng bước 5 - 6 của trà lúa BC15 bị thiệt hại, trong khi giống BC15 có nguồn gốc từ giống IR17494 (13/2), nên nhạy cảm với nhiệt độ thấp, đặc biệt ở giai đoạn phân hóa bước 5 - 6.

- Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Quyết định 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3, Quyết định 142/2009/QĐ-TTg.

- Đề nghị Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình thảo luận cùng các địa phương hỗ trợ một phần thiệt hại, giúp cho nông dân khôi phục sản xuất vụ hè thu, mùa 2013.


Văn Trường - Phạm Bằng

Kỳ cuối: Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO