Kỳ cuối: Nhiều sai phạm nghiêm trọng

29/06/2012 14:55

Trong khi các đối tượng được hưởng chế độ chính sách đã mất, thân nhân các đối tượng này không còn được nhận khoản tiền nào nữa thì tại văn bản chi trả cho các đối tượng hàng tháng của xã Cát Văn vẫn còn có chữ ký nhận và được thanh toán một cách bình thường!

Kỳ 1: Chuyện buồn không muốn kể

Mặc dù người dân xã Cát Văn rất bức xúc về những khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách, nhưng gặp chúng tôi, từ chủ tịch, phó chủ tịch đến cán bộ chính sách xã vẫn thao thao “khoe” thành tích trong việc thực hiện chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách, họ cho rằng mình đã làm tốt và thực hiện đầy đủ. Để kiểm chứng những “thành tích” thực hiện chế độ cho người có công ở xã Cát Văn, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Công Thành - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương, ông Thành cáo bận.

Hỏi đến hồ sơ chi trả đối tượng chính sách của xã Cát Văn thì chị Thủy- nhân viên quản lý hồ sơ Phòng LĐ-TB&XH huyện “xin phép” đi về nhà lấy hồ sơ sổ sách, vì hồ sơ sổ sách của xã Cát Văn không được lưu ở cơ quan mà đang “để ở nhà” (?!) Chờ mãi, chúng tôi cũng tiếp cận được với hồ sơ chi trả cho đối tượng chính sách ở xã Cát Văn. Không còn nhiều thời gian, chúng tôi chỉ kịp kiểm tra 2 trường hợp đã đề cập đến ở bài viết trước là mẹ liệt sỹ Hoàng Thị Tâm và thương binh Nguyễn Văn Toàn, thì trong văn bản chi trả trợ cấp của xã Cát Văn đến tháng 11/2011 vẫn có người ký nhận số tiền trợ cấp thường xuyên của ông Nguyễn Văn Toàn với số tiền là 590 nghìn đồng.



Chủ tịch, cán bộ phụ trách chính sách xã Cát Văn (bên phải) “khoe thành tích” với phóng viên

Còn trường hợp của mẹ liệt sỹ Hoàng Thị Tâm, trong bản thanh toán của xã Cát Văn đến tháng 11/2011 vẫn có tên Hoàng Thị Phước (tên gọi khác của mẹ Tâm) với số tiền thanh toán là 1.565.000 đồng! Số tiền này thuộc về ai, khi chúng tôi hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Toàn và mẹ Hoàng Thị Tâm thì người thân của họ cho biết không hề ký nhận khoản tiền này!

Kiểm tra ngẫu nhiên danh sách chi trả chế độ từ tháng 9 đến tháng 12/2011 trên địa bàn xã Cát Văn, chúng tôi còn phát hiện có nhiều đối tượng chính sách được Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương ghi chú “tạm dừng” việc chi trả với số tiền lớn. Vậy, thực chất của việc “tạm dừng” này là gì? Nếu ngân sách Nhà nước vẫn được rót về và đã “tạm dừng” với thời gian dài như thế tại sao Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương lại không đốc thúc cán bộ chính sách xã triển khai làm hồ sơ khai tử, chi trả mai táng phí cho những đối tượng này? Câu hỏi đặt ra là, số tiền “tạm dừng chi trả” chỉ riêng trong tháng 12/2011 ở xã Cát Văn đã lên đến 45.506.000 đồng. Vậy, nếu 40 xã, thị trấn ở Thanh Chương thì lớn đến mức nào, đang ở đâu? được sử dụng với mục đích gì?

Cũng tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương, chúng tôi lại thấy một danh sách mới tinh (tuy hiện nay là cuối tháng 6 nhưng danh sách lại đề tháng 7/2012) với nhan đề là “Danh sách thôi hưởng trợ cấp hàng tháng, hưởng trợ cấp 1 lần+mai táng phí” cho riêng xã Cát Văn lên tới 37 đối tượng, trong danh sách này có đối tượng chết từ đầu năm 2011, với ngày chết và ngày thôi hưởng trợ cấp cách nhau khá xa! Đây cũng là những đối tượng mà gia đình, làng xóm đã có những thắc mắc với chúng tôi về việc chậm chi trả chế độ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở Cát Văn, các “quan xã” thường lợi dụng sự chậm trễ trong việc làm thủ tục khai tử, sự lỏng lẻo trong quản lý để kéo dài thời gian “sống” hưởng trợ cấp của các đối tượng hưởng chính sách để “ăn chặn”. Người dân một phần hiểu biết pháp luật còn hạn chế, một phần ngại phải “làm nhân chứng” hay sợ mất lòng nhau nên không quyết liệt đứng ra tố cáo. Cho nên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, sau sự việc một vị đại tá lập danh sách đưa lên xã, các “quan xã” đã tìm cách “ứng trước” tiền mai táng phí để đưa đến cho các gia đình với thái độ thiếu thiện chí, có gia đình được nhận toàn bộ số tiền, nhưng có gia đình cũng chỉ nhận được dăm ba triệu. Đây cũng chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm” bởi sự việc này đã diễn ra gần chục năm nay trên địa bàn này!

Vậy nhưng, ông Giản Tư Ngộ - Chủ tịch UBND xã Cát Văn vẫn lớn tiếng khẳng định: “Trong quá trình thực hiện chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, chúng tôi không gặp phải vướng mắc hay khó khăn gì. Tất cả các hướng dẫn đều được thực hiện kịp thời, mặc dù đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn xã Cát Văn thuộc dạng đông nhất, nhì huyện Thanh Chương. Với mẹ liệt sĩ, chúng tôi đều có thăm hỏi động viên, hỗ trợ lúc ốm đau, từ cây củi cây đuốc chẳng hạn. Khi mất, chính quyền xã đều cử người đi viếng và nếu gia đình làm đúng và đầy đủ thủ tục chúng tôi đều thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ mai táng phí theo hướng dẫn”. Còn ông Trần Hữu Vinh, cán bộ chính sách xã, Cát Văn cho rằng, nếu có trường hợp nào chậm trễ thì lỗi tại các gia đình chính sách chậm trễ trong việc báo tử và thủ tục thực hiện chế độ này rườm rà.

Trong lúc đó, ông Nguyễn Xuân Ngân - Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Thanh Chương cho biết, phòng thường xuyên có công văn đôn đốc các xã thực hiện nghiêm túc các chế độ. Nếu các gia đình làm đầy đủ thủ tục (quy trình làm thủ tục cũng khá đơn giản, khi đối tượng mất, gia đình lên báo với xã và xã lập hồ sơ chứng tử trình lên huyện, rồi huyện trình lên Sở LĐ-TB&XH), sau 1-2 tháng là có thể nhận được tiền mai táng phí. Nếu thân nhân các đối tượng làm muộn hồ sơ chúng tôi vẫn phải làm và duyệt hồ sơ cho họ, không gây khó khăn phiền hà trong việc giải quyết. Nhưng khi chúng tôi hỏi: Ông có biết có trường hợp mẹ liệt sỹ mất hơn 1 năm rồi mà vẫn chưa nhận được tiền mai táng phí không thì ông Ngân tỏ ra bất ngờ và cho rằng, mình chưa bao giờ nghe thông tin như thế!

Vậy ai đã dung túng, bao che cho những khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách ở xã Cát Văn? Chính quyền, đoàn thể cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương ở đâu mà lại để cho những sai phạm trong chi trả chế độ cho người có công kéo dài như vậy?


Nhóm P.V

Mới nhất
x
Kỳ cuối: Nhiều sai phạm nghiêm trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO