Kỳ cuối: Quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống chợ

02/11/2012 21:01

>Bài 1: Chợ “di động” - Những điều trông thấy…

Từ năm 2009 trở về trước, chợ thực phẩm cầu Kênh Bắc (Hưng Phúc- Thành phố Vinh) hoạt động khá sôi động, có đến cả trăm hộ kinh doanh, buôn bán nhưng từ 3 năm qua, chợ này đã bị xóa sổ vì các hộ kinh doanh đã trả lại đất cho dự án xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp nhà chung cư, dịch vụ văn phòng. Cũng chừng ấy thời gian, dự án đó … treo!

Bà Thanh là người kinh doanh hàng tạp hóa ở khu vực chợ thực phẩm cầu kênh Bắc từ năm 1994 đến nay .Năm 2009, bà đã bàn giao diện tích quầy kinh doanh ở khu vực chợ (ngay sát mặt đường Nguyễn Sỹ Sách) cho nhà đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại kết hợp nhà chung cư, dịch vụ văn phòng với hy vọng sau khi hoàn thành sẽ có được điều kiện kinh doanh tại nơi mới khang trang, đàng hoàng hơn. Nhưng, chủ đầu tư sau khi nhận xong mặt bằng rồi quây kín để đó.

Các hộ kinh doanh ở chợ Cầu phải đóng cọc tre, căng bạt dựng lều tạm buôn bán. Bà Thanh cho biết: Chỗ kinh doanh không ổn định, lại thường bị các lực lượng trật tự đô thị “ hốt” hàng, dỡ lều, nên nhiều hộ đã bỏ nghề, nhưng hiện nay ở chợ này vẫn còn cả chục hộ kinh doanh hàng thịt, cá, rau, quả… bám trụ lại và dàn ngang bờ kênh phía Nam kênh Bắc (đường Nguyễn Sỹ Sách). Đây cũng là “điểm nóng” về trật tự an toàn giao thông. Vào buổi sáng sớm và chập tối mỗi ngày, đoạn đường này thường xẩy ra tình trạng họp chợ rất lộn xộn. Thịt, cá, đậu bán vào buổi sớm không hết được đưa về nhà riêng bảo quản, sau đó bày bán tiếp vào chợ chiều. Hiện tượng đó, gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi hỏi về dấu kiểm dịch của thịt lợn, một chị kinh doanh hàng này trả lời: “Chị buôn bán nhỏ, phải lấy lại hàng của người khác, nên cũng không biết có dấu kiểm dịch hay không”. Được biết, nguồn thịt cung cấp chợ này là từ các lò mổ ở khu vực lân cận và một số lượng hàng hóa được đưa về từ các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương… Chợ tạm nên các hộ buôn bán hàng thực phẩm (nhất là hàng thịt) ở khu vực này phải kinh doanh trong môi trường ô nhiễm, do ảnh hưởng của mùi hôi thối, rác thải ở kênh Bắc.

Ông Bùi Xuân Nam – Chủ tịch UBND phường Hưng Phúc cho biết: “Dự án tổ hợp thương mại, nhà ở chung cư, dịch vụ văn phòng tại địa điểm này do Công ty CP Vận tải thương mại và Xuất nhập khẩu Thiện Tài làm chủ đầu tư. Dự án triển khai từ năm 2009 và trong quy hoạch của dự án, chủ đầu tư sẽ dành hơn 1.000 m2 sàn để làm khu chợ xanh. Mãi đến nay dự án vẫn chưa thực hiện”. Và theo cách nói của bà Thanh, kinh doanh ở khu vực này là “Cho dù có thay đổi tên gọi chi đi nữa, chúng tôi cũng không quan tâm và cái quan trọng nhất là khi nào các hộ tư thương nơi này được vào chợ mới để ổn định làm ăn”. Đây là một bài học nhức nhối về “biến” chợ thành trung tâm thương mại.



Chợ tạm phường Trường Thi lụp xụp, nhếch nhác.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP Vinh có 25 chợ, trong đó có 2 chợ loại 1 (chợ Vinh, chợ Ga), có 3 chợ loại 2 (chợ Hưng Dũng, chợ Bến Thủy, chợ Cửa Đông), 13 chợ loại 3 và 7 chợ tạm với tổng diện tích đất sử dụng là 146.564 m2. Mặc dù việc quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống chợ đã được phê duyệt, nhưng trong quá trình thực hiện, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Trước đây, nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống chợ chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, khai thác quỹ đất và nguồn đóng góp của người dân nhưng nay do đổi mới đầu tư xây dựng và đổi mới mô hình quản lý, nên phần lớn các phường, xã và ban quản lý chợ còn lúng túng, chưa có giải pháp giải quyết hữu hiệu.

Trong tổng số 25 chợ trên địa bàn TP Vinh thì có 16 chợ đã quy hoạch, 4 chợ được quy hoạch địa điểm mới và 5 chợ không được quy hoạch (gồm chợ Đội Cung, chợ Quang Trung, chợ cầu Thực phẩm, chợ A1 Quang Trung)…. Được biết, chợ Đội Cung, chợ Quang Trung, chợ cầu Thực phẩm, chợ Đỉn, chợ A1 Quang Trung do không phù hợp với quy hoạch đô thị nên trong nhiều năm qua, những chợ này không được đầu tư nâng cấp, nên chợ luôn trong tình trạng không an toàn về PCCC, ATVSTP, môi trường… và nhất là tạo ra sự “phản cảm” cho bộ mặt đô thị Vinh. Một thực tế đáng báo động hiện nay là TP Vinh đang thiếu quỹ đất phục vụ cho đầu tư, phát triển hệ thống chợ. Do đặc thù của chợ, nên phần lớn rất cần địa điểm tại những khu vực “đất vàng” và với diện tích đất lớn, thì nhiều phường, xã rất khó tìm được địa điểm phù hợp để xây dựng chợ. Chính vì điều đó, tại một số địa phương, do nhu cầu cấp bách về phát triển chợ, đã đầu tư xây dựng chợ tại những địa điểm không hợp lý, rút cục chợ cưới xong không có người họp. Đã thiếu đất để xây dựng chợ, thì lại có doanh nghiệp sau khi đền bù, giải phóng mặt bằng của chợ thì “ngâm đất” hàng năm trời, làm cả trăm hộ kinh doanh “dạt” ra vỉa hè và rồi sau đó doanh nghiệp lại chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Thật khó thống kê được hiện nay trên địa bàn TP Vinh có bao nhiêu chợ cóc, chợ tạm, chợ dù… và sự tồn tại đó cho dù là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn khó dẹp bỏ được.

Dù hệ thống chợ trên địa bàn TP Vinh đã được quy hoạch, đầu tư và phát triển, nhưng do nhu cầu vốn rất lớn, nên nhiều chợ chưa thực hiện được việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo. Từ năm 2006 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển hệ thống chợ là 229,370 triệu đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ là 31,17 triệu đồng, nhân dân đóng góp 182,7 triệu đồng và huy động nguồn vốn khác là 15,5 tỷ đồng. Chiếm ngôi đầu là chợ Vinh với tổng nguồn vốn đầu tư 185 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 22 tỷ và nhân dân đóng góp 163 tỷ đồng), sau khi hoàn thành đã phục vụ cho 1.200 hộ kinh doanh. Năm 2011, tổng thu của chợ Vinh là 12,2 tỷ đồng. Chợ ga Vinh là chợ loại 1, nhưng trong nhiều năm liền chỉ được đầu tư 830 triệu đồng để cải tạo, hay các chợ Bến Thủy, Cửa Bắc, Hưng Dũng, Quán Bàu… cũng được đầu tư với số tiền rất ít, thậm chí có chợ trong nhiều năm liền không được đầu tư.

Mặc dù hiện nay trên địa bàn TP Vinh có nhiều loại hình dịch vụ như: trung tâm thương mại, siêu thị; trung tâm mua sắm…nhưng thành phố vẫn xác định tiếp tục bổ sung quy hoạch, đầu tư phát triển chợ truyền thống. Với số lượng chợ hiện có (đã được quy hoạch) thì trong thời gian tới, sẽ bổ sung quy hoạch thêm một số chợ mới như: chợ Trù, chợ Nghi Liên, chợ hoa cây cảnh Nghi Ân. Bên cạnh đó, một số chợ trên địa bàn sẽ được đầu tư nâng cấp, cải tạo lại đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân cũng như bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị”.

Mới nhất
x
Kỳ cuối: Quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO