Kỳ cuối: Vững vàng giữa trùng khơi

31/05/2015 07:42

(Baonghean) - Có đi cùng với ngư dân trong những chuyến đánh bắt xa bờ mới hiểu rõ hơn cuộc sống của họ. Những ngày lênh đênh với biển xanh, sóng bạc, những đêm trắng mỏi mắt tìm luồng cá, những giấc ngủ vội vã, mệt nhoài trên vàng lưới và cả những bức xúc khi đối diện với những vi phạm tranh chấp chủ quyền trên ngư trường... Tất cả chỉ làm cho ngư dân Nghệ An nói riêng càng nung nấu quyết tâm vươn khơi bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải Tổ quốc...

TIN LIÊN QUAN

Cả làng “lên vây”

Năm 2011, lần đầu tiên tôi được tham gia một chuyến đánh vây xa bờ của ngư dân huyện Quỳnh Lưu. Khi đó con tàu 450 mã lực của Thuyền trưởng Trần Văn Thành ở thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long được xem là một trong những con tàu cá lớn nhất vùng. Cũng thời điểm ấy, ở Nghệ An chỉ có khoảng 20 con tàu đánh bắt xa bờ bằng hình thức đánh vây và đều tập trung ở huyện biển Quỳnh Lưu. Đã 4 năm, trở lại Lạch Quèn lần này, chúng tôi đã phải ngỡ ngàng vì sự phát triển sôi động của nghề vây ở đây.

Tàu cá cập cảng Lạch Quèn
Tàu cá cập cảng Lạch Quèn

Tôi gặp lại ông Trần Văn Tráng, một lão ngư tài ba thuở nào của HTX đánh cá Quỳnh Long. Ông cười, giơ bàn tay gân guốc: “Tui lui rồi. “Quân trai” hiện nay đứa mô cũng giỏi. Tàu to, máy to, hiện đại, không như cái hồi trước!...”. Lão ngư cho hay, trước đây ông cùng các bạn nghề của mình chỉ đánh quẩn quanh với nghề giã cào, câu mực vùng lộng, con tàu lớn nhất cũng chỉ dăm chục “xê vê”, có mỗi cái la bàn là hiện đại nhất. Nhưng dừ mọi thứ đã thay đổi. Cái tài của ngư dân không chỉ thuần túy là nắm bắt, làm chủ được thiết bị, công nghệ hiện đại, mà còn dự báo được xu hướng phát triển của nghề nghiệp từ đó mạnh dạn, quyết đoán trong đầu tư, chuyển đổi nghề. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc “lên vây” ở xã Quỳnh Long...

Nếu như năm 2000, ở Nghệ An xuất hiện những chiếc tàu vây đầu tiên và anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đại Hải (Quỳnh Long - Quỳnh Lưu) được xem là người tiên phong đưa nghề mới về với ngư dân biển Quỳnh, thì đến nay toàn tỉnh có trên 100 chiếc tàu vây. Đặc biệt, sự “khởi phát” của nghề này bắt đầu trên chính xã Quỳnh Long. Từ con tàu vây ban đầu của Thuyền trưởng “Minh lừng” đến nay cả xã có tới 72 tàu đánh vây, tất cả đều có công suất từ 300 sức ngựa trở lên. Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, người đồng hành và gắn bó với từng bước phát triển của nghề cá tại đây cho rằng: “Lên vây” là bước đi đột phá. Bà con ta nhạy bén lắm. Cả tỉnh Bình Định địa phương đi đầu cả nước về nghề vây, nhưng đến nay cũng chỉ có 35 tàu vây. Trong khi đó, chỉ riêng Quỳnh Long với 184 phương tiện đánh bắt đã có hơn 70 tàu vây và nhiều hộ dân đang tiếp tục đầu tư đóng tàu mới”.

“Dù có cả ngàn tàu vây nhưng nếu vẫn không thay đổi cuộc sống bà con thì có cũng như không” - chị Nguyễn Thị Thập, Trưởng thôn Phú Liên, xã Quỳnh Long đã nói như vậy khi chúng tôi đề cập đến chuyện nghề. Chị Thập cho hay, gia đình chị cũng có 1 chiếc vây công suất 600 CV với 18 lao động thường xuyên trên tàu. Mức thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/người/tháng, tháng nào “thắng” thì đạt trên 15 triệu đồng. Giờ đây Phú Liên không còn là thôn nghèo nữa, hộ khá giàu đã chiếm hơn 65%. Tất cả là nhờ người dân đã nhạy bén trong chuyển đổi nghề nghiệp, quyết không để cái nghề của cha ông truyền lại bị mai một.

Vui đón cá về
Vui đón cá về

Chuyện “lên vây” ở xã Quỳnh Long chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy sự phát triển sôi động của nghề đánh bắt xa bờ, vươn khơi bám biển của ngư dân Quỳnh Lưu. Theo thống kê, huyện Quỳnh Lưu hiện có 1.260 phương tiện đánh bắt, khai thác hải sản, trong đó có tới gần 700 tàu công suất 300 CV trở lên. Năm 2014 giá trị khai thác của toàn huyện đạt gần 1.000 tỷ đồng, và 5 tháng đầu năm 2015 sản lượng đánh bắt đạt gần 20.000 tấn hải sản với giá trị gần 620 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay, ở Quỳnh Lưu có 22 tàu cá với công suất từ 400 CV trở lên được đóng mới và tham gia đánh bắt xa bờ, 13 chiếc khác đang tiếp tục hoàn thiện và hạ thủy trong những ngày tới. Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động đánh bắt xa bờ đã góp phần hình thành hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Không nói những việc to tát, chỉ riêng đối với những phụ nữ không thể đi biển, thì bình quân một tháng họ cũng có thể kiếm thêm 3 triệu đồng nhờ vào công việc vá lưới cho các chủ tàu. Rồi thì các cơ sở đóng tàu, sửa chữa máy móc; các trung tâm thu mua, chế biến hải sản, dịch vụ cấp đông; các cơ sở sản xuất, cung cấp đá lạnh, nước ngọt, dầu mỡ, nhu yếu phẩm…

Cùng ngư dân bám biển

Vào ngày 9/3/2015, tại Nghệ An diễn ra một sự kiện “rúng động” đối với bà con ngư dân. Đó là lần đầu tiên một con tàu đánh cá vỏ sắt được hạ thủy. Chủ tàu là ông Nguyễn Quốc Trọng, ở xóm Tân Lập 1, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc. Đây là con tàu nằm trong dự án hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ của Chính phủ thuộc Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Để có được con tàu trị giá khoảng 12 tỷ đồng này, ông Trọng đóng góp hơn 3 tỷ đồng gồm 10% vốn đối ứng, tiền đầu tư mua sắm mới ngư cụ và chi phí cho 20 thuyền viên đi học, tập huấn sử dụng tàu. Ông vui mừng cho biết, từ ngày có tàu sắt, ông và các thuyền viên đã mở rộng phạm vi đánh bắt, tiến ra khai thác ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Hiện nay, ông Trọng đang tiếp cận các chính sách hỗ trợ nghề cá để đóng mới tàu sắt có giá trị từ 15 - 17 tỷ đồng, nhằm tiếp tục phát huy những lợi thế của hoạt động đánh bắt xa bờ.

Không riêng gì gia đình ông Nguyễn Quốc Trọng mà rất nhiều hộ dân khác của xã Nghi Quang cũng đang được hưởng lợi từ các chính sách khuyến ngư của Nhà nước. Từ năm 2011, để khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển và thi đua sản xuất, UBND xã có sáng kiến tặng mỗi tàu, thuyền một cờ Tổ quốc vào đầu vụ đánh bắt. Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, nếu tàu nào trúng lớn sẽ giương cao lá cờ Tổ quốc mà xã tặng để báo hiệu và “khoe” với mọi người về một chuyến đi “đại thắng”. Cách làm này của xã bất ngờ tạo được hiệu ứng và sau đó HĐND xã đã ra nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích bà con ngư dân sản xuất, làm giàu trên vùng biển của Tổ quốc. Theo đó, hàng năm, dựa trên sản lượng đánh bắt của các tàu thuyền, xã sẽ lựa chọn 2 chủ tàu có thu nhập cao nhất, tạo việc làm cho nhiều người nhất để trao giấy khen kèm theo tiền thưởng 400 ngàn đồng, những hộ đóng mới tàu thuyền từ 90 CV trở lên được thưởng 1.000.000 đồng… Dù số tiền thưởng không lớn, nhưng nói như ngư dân Nguyễn Văn Ngọc thì đây là niềm động viên cực lớn.

Đoàn tàu đánh vây của ngư dân huyện Quỳnh Lưu.
Đoàn tàu đánh vây của ngư dân huyện Quỳnh Lưu.

Cũng là một hình thức hỗ trợ ngư dân, từ nhiều năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã kết nối để đưa nhiều chương trình, dự án về với bà con vùng biển. Một trong số đó là Dự án "Xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ”, hỗ trợ ngư dân trang bị máy dò ngang trên các tàu cá đánh bắt vùng khơi. Hiện nay, đã có hàng trăm chủ tàu cá mua sắm máy dò ngang phục vụ những chuyến ra khơi. Thậm chí, một số tàu thuyền của ngư dân huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai còn ứng dụng lắp máy ra-đa hàng hải KODEN model MDC - 940 và máy thông tin tầm xa VX – 1700 trên tàu khai thác hải sản xa bờ, góp phần tiết kiệm chi phí trên biển, rút ngắn thời gian mỗi chuyến ra khơi.

Bên cạnh đó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đang thực hiện các chương trình hỗ trợ ngư dân như: Hướng dẫn các chủ tàu các quy định về ngư cụ đánh bắt trên biển, dấu hiệu nhận biết những tàu cá nước ngoài, số điện thoại đường dây nóng của lực lượng chuyên ngành để kịp thời báo cáo các sự cố trên biển. Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư vùng I và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã liên tục tổ chức tuần tra, kiểm sát, giám sát việc thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc tại vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân trong việc đánh bắt thủy, hải sản; hướng dẫn các quy định của Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, kiểm tra việc ghi nhật ký đánh bắt, cách xử lý các tình huống khác trên biển...

Hiện nay, ngư dân Nghệ An đang chờ đón luồng gió mới từ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Đến nay, UBND tỉnh đã có 3 đợt phê duyệt danh sách 68 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn ưu đãi đóng mới tàu khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Trong đó có 34 tàu vỏ gỗ, 31 tàu sắt và 2 dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngày 19/5 vừa qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Nghệ An và các cơ quan chức năng đã cùng với 3 hộ ngư dân Nguyễn Do Thái (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), Nguyễn Xuân Tri (xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) và Nguyễn Sỹ Thiết (xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) tổ chức lễ hạ thủy, chạy thử và bàn giao 3 tàu vỏ gỗ đóng mới theo Nghị định 67. Các con tàu khác đã được phê duyện vay vốn cũng đang được gấp rút hoàn thành.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng vừa phê duyệt danh sách 208 tàu với 1.513 thuyền viên đủ điều kiện tham gia Bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67 của Chính phủ (đợt 2). Trong đó, Thị xã Cửa Lò có 61 tàu với 428 thuyền viên, Diễn Châu có 134 tàu với 944 thuyền viên, Nghi Lộc có 6 tàu với 70 thuyền viên, Thị xã Hoàng Mai có 5 tàu với 54 thuyền viên và Quỳnh Lưu có 2 tàu với 15 thuyền viên. Tất cả các tàu này đều có công suất máy chính từ 90 CV đến 580 CV. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; Hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90 CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công công suất máy chính từ 400 CV trở lên...

Sự phát triển sôi động của nghề cá ở Nghệ An cho thấy nền kinh tế biển đang từng bước khẳng định vị trí mũi nhọn của mình trong cơ cấu kinh tế các địa phương, mà hoạt động đánh bắt xa bờ là một minh chứng cụ thể. Trên hành trình vươn khơi cùng ngư dân, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh Thuyền trưởng Trần Văn Khai, mình trần rám nắng leo lên mui tàu thay lá cờ Tổ quốc giữa mênh mông sóng gió Vịnh Bắc bộ. Anh cười: “Tàu cá nào của ta cũng chuẩn bị rất nhiều cờ. Quê hương lúc nào cũng ở bên, Tổ quốc lúc nào cũng hiện diện...”.

Đào Tuấn – Nguyên Khoa

Năm 2014, ngư dân toàn tỉnh đóng mới 193 tàu thuyền, trong đó có 153 tàu có cồng suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ. 5 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 48 tàu được đăng ký mới, trong đó có 30 tàu trên 400CV. Năm 2014, ngư dân Nghệ An đánh bắt được 105.653 tấn hải sản, giá trị ước đạt 1.850 tỷ đồng. Trong những tháng đầu năm 2015, ngư dân đánh bắt được 41.242 tấn, thủy hải sản có giá trị cao...

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Kỳ cuối: Vững vàng giữa trùng khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO