Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Nghệ An khoá XVI tiến hành thảo luận tổ
Chiều 28/9, HĐND tỉnh chia làm 5 tổ để thảo luận đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm; bàn nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2011; đóng góp xây dựng các tờ trình, nghị quyết của Thường trực và UBND tỉnh.
Sau đây là một số nội dung thảo luận tại các tổ:
Chỉ nên cung cấp "cần câu.."
Tại tổ 1 gồm 5 huyện vùng cao, đại biểu Vi Hải Thành - Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn cho rằng: "Cần phải xem lại chính sách đầu tư cho hộ nghèo bởi càng đầu tư cho hộ nghèo thì các hộ thuộc diện này càng trông chờ ỉ lại. Theo ông, nên đầu tư cho cộng đồng và có khen thưởng, khuyến khích đối với những hộ thoát nghèo." Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Trần Quốc Thành - Bí thư Huyện uỷ Quế Phong cho rằng, phương châm đầu tư không nên cho cả, mà chỉ cung cấp cần câu. Nên tăng đầu tư gián tiếp để người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội, không nên hỗ trợ tiền mà chỉ hỗ trợ vật chất như giống cây, giống con. Để khắc phục mâu thuẫn chính sách xoá đói giảm nghèo có nhiều nhưng hiệu quả không cao, cần phải có những cơ chế đi kèm với xây dựng mô hình và có tính khả thi trong thực tiễn. Cần quy định rõ hơn về tiêu chí hộ nghèo như vấn đề độ tuổi, lao động...
Hỗ trợ nhanh khắc phục hậu quả bão số 2
Một nội dung liên quan đến nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm, các đại biểu tổ 1 đóng góp ý kiến nên bổ sung vấn đề khắc phục hậu quả bão số 2 gây ra, đặc biệt đối với các địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương. Đại biểu Cụt Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nêu vấn đề cấp thiết hiện nay trên địa bàn là công tác chuẩn bị cho năm học mới. Hậu quả bão số 2 đã làm hư hỏng nặng 10 trường học, trong đó có những trường gần như bị xóa sổ như tại các xã Mường Típ, Mường Ải. Cầu treo qua sông Nậm Mộ tại bản Phẩy bị cuốn trôi đã làm ách tắc gần 5.000 học sinh và nhân dân hàng ngày qua sông, đó là chưa kể đến tình trạng nhà của dân cho học sinh thuê trọ cũng bị hư hỏng nên nguy cơ sẽ không đủ chỗ trọ học... Đại biểu Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cũng nêu kiến nghị, tỉnh cần có phương án khắc phục tại chỗ trước mắt và lâu dài hạ tầng giao thông, nhất là 2 cầu treo trên địa bàn bị hư hỏng để hỗ trợ người dân đi lại và huyện ổn định phát triển kinh tế, trước mắt là phục vụ cho học sinh bước vào năm học mới.
Xây dựng nông thôn mới chưa chuyển biến
Vấn đề được đại biểu tại tổ 2 quan tâm thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đề xuất, đó là HĐND tỉnh cần nghiên cứu, xem xét và đưa ra quyết định tại kỳ họp việc đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới. Theo ông Nguyễn Ngọc Nguyên (huyện Nam Đàn): Chương trình xây dựng nông thôn mới mặc dù đã được phát động triển khai nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể. Khó khăn lớn nhất khiến các địa phương lúng túng lâu nay là do nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình rất lớn, trong khi đó đời sống, thu nhập của nông thôn còn thấp, ngân sách địa phương hạn hẹp. Cho nên, HĐND tỉnh cùng với UBND tỉnh cần nghiên cứu, xem xét và đưa ra chương trình, kế hoạch để chỉ đạo quyết liệt hơn, có bước đi cụ thể, khoa học hơn, trong đó quan tâm nhất là nguồn kinh phí phục vụ chương trình này.
Xây dựng công trình, địa phương không biết?
Tại tổ 4, đại biểu Lê Văn Trí, đơn vị huyện Anh Sơn đơn cử: Công trình nâng cấp đập Ba Cơi ở xã Long Sơn huyện Anh Sơn do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Công trình thi công vào 6/2009 nhưng chính quyền địa phương không được thông qua. Việc xây dựng công trình này ảnh hưởng trực tiếp đến 38 hộ dân, trong đó có 4 hộ thuộc diện di dời tái định cư. Tuy nhiên, các hộ dân mới được hỗ trợ 70 triệu đồng trong khi đó thiệt hại kiểm đếm lên tới gần 1,8 tỷ đồng nhưng đến nay người dân chưa được hỗ trợ số tiền còn lại. Tiếp đó, là ý kiến của đại biểu Phan Thế Phương, huyện Nghĩa Đàn: Dự án nâng cấp đập Làng Canh ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn do Sở NN&PTNN đi vào hoạt động nâng mực nước phục vụ cho sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, khi mực nước dâng lên, 9 hộ dân của làng Bé xã Nghĩa Yên bị ngập hoàn toàn, thiệt hại tài sản, hoa màu và người dân chưa được đền bù.
Cần chế tài mạnh trong khai thác khoáng sản
Tại tổ 3, nhiều đại biểu nêu vấn đề thực tiễn hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đang bộc lộ nhiều bất cập, rõ nhất là khai thác không đúng vùng quy hoạch, không tuân thủ giấy phép đã cấp, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy môi trường sống, lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, để xảy ra nhiều vụ tai nạn. Do vậy, phải có các giải pháp ngay từ cơ sở đi kèm chế tài đủ mạnh để xử lý các hiện tượng này một cách triệt để quyết liệt. Bên cạnh đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; khoanh định khu vực đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
Bàn giao lưới điện phải có lộ trình
Đại biểu Phan Văn Tuyên- huyện Yên Thành phản ánh, Yên Thành hiện có 20 xã bàn giao điện lưới quốc gia, còn 18 xã chưa bàn giao, hệ thống lưới điện nông thôn hiện nay đã xuống cấp, tổn thất điện năng lớn, trong khi giá điện tăng cao, nguyện vọng của cử tri là muốn ngành điện sớm hoàn thành việc tiếp nhận bàn giao lưới điện nông thôn. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Cương- huyện Diễn Châu (Phó Giám đốc Sở Công Thương) lại cho rằng: Bàn giao lưới điện nông thônvướng mắc là ở chỗ thời điểm ngành điện tiếp nhận bàn giao thì nhiều hợp tác xã điện nông thôn đang có lời nên không chịu bàn giao, hiện nay lưới điện xuống cấp, giá điện tăng, làm ăn không có lãi, các hợp tác xã này muốn bàn giao cho ngành điện. Nhưng hiện nay nguồn vốn để nâng cấp lưới điện nông thôn rất khó khăn (cần khoảng 1000 tỷ) do vậy, cần phải có lộ trình từng bước.
Nhóm PV Thời sự