Kỳ I: Cắm Muộn - Nơi tài nguyên vàng không còn là ẩn số

17/07/2013 15:03

Bất kỳ người dân nào ở Quế Phong khi được hỏi đều khẳng định, nơi ấy - xã Cắm Muộn là mảnh đất dồi dào tài nguyên vàng. Có những truyền thuyết về khoáng sản vàng được đồng bào Thái Cắm Muộn lưu truyền cho con cháu để từ đó họ mặc nhiên xem việc khai thác vàng như một nghề kiếm sống, dù rằng họ biết làm như vậy là trái pháp luật...

(Baonghean.vn) - Bất kỳ người dân nào ở Quế Phong khi được hỏi đều khẳng định, nơi ấy - xã Cắm Muộn là mảnh đất dồi dào tài nguyên vàng. Có những truyền thuyết về khoáng sản vàng được đồng bào Thái Cắm Muộn lưu truyền cho con cháu để từ đó họ mặc nhiên xem việc khai thác vàng như một nghề kiếm sống, dù rằng họ biết làm như vậy là trái pháp luật...

Cắm Muộn có 12 bản với tổng số 1124 hộ, 5919 khẩu, hai dân tộc Thái (95%), Khơ Mú (5%). Theo ông Lữ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn, vùng đất nơi đây có trữ lượng vàng lớn nên trừ 3 bản Mòng thì hầu hết bản nào cũng có người dân tham gia khai thác vàng trái phép, trong đó, 3 bản Cắm Nọc, Cắm Pỏm và Cắm Cáng có số người tham gia khai thác vàng lớn nhất.

Tại bản Cẳm Pỏm, Lô Văn Bình - giáo viên trường THCS xã Quang Phong, 36 tuổi, là con trai của ông Lô Văn Hát - đảng viên, đại biểu HĐND xã Cắm Muộn, một trong số ít ỏi những gia đình ở 3 bản Cắm Pỏm không tham gia đào đãi vàng trái phép trầm ngâm nói: Từ nhỏ, tôi đã được những người cao tuổi ở đây kể chuyện về truyền thuyết vàng...

Chuyện rằng, từ lâu lắm rồi, có hai bà cháu đi ăn xin không biết từ đâu lưu lạc đến vùng Cắm Muộn. Bởi cả hai bà cháu người đầy chốc ghẻ, hôi hám nên đi đến đâu cũng bị người dân xua đuổi. Đi mãi cho đến khi trời tối mịt, cuối cùng hai bà cháu ăn xin đã lạc đến vùng 3 bản Cắm. Tại đây, nhiều người dân cũng xua đuổi không cho hai bà cháu vào nhà. Đến cuối bản, may sao có một người đàn bà góa thương tình đem ra đồ ăn cùng một chiếc nong, chăn, gối để hai bà cháu ngủ. Sáng mai, khi trở dậy, người đàn bà góa không còn thấy hai bà cháu ăn xin đâu nữa. Gần chiếc nong, chăn màn đã được xếp gọn và thật kỳ lạ, trên chiếc nong là đầy những vảy vàng.

Thấy chuyện lạ ở gia đình người đàn bà góa, người dân 3 bản Cắm đã đổ xô đi tìm hai bà cháu ăn xin. Đi đến khe Lạc, thì thấy dấu vết của hai bà cháu lưu tại một hòn đá, xung quanh cũng đầy những vảy vàng nhỏ lấp lánh, nên người dân gọi đây là hòn Bà Ngồi. Lần theo dấu vết cho đến vùng Pù Huống thì mất hẳn dấu vết của hai bà cháu. Và cũng từ đây, ở các vùng đất dọc theo những con khe bắt đầu xuất hiện vàng...

Dù đấy chỉ là truyền thuyết nhưng với thầy giáo Lô Văn Bình, ở vùng Cắm Muộn, đâu có đất là nơi đấy có vàng, đặc biệt là tại những khu vực có khe nước chảy. Thầy giáo Bình nói: Khe Quyè, Khe Cắm, Khe Lạc, Khe Háng... đều là những nơi mọi người đang tập trung khai thác vàng. Và ngay tại đây, nơi mảnh đất người dân 3 bản Cắm đang dựng nhà sinh sống trên đó cũng là khu vực lắm vàng. Và dù tự hào mảnh đất quê mình phong phú tài nguyên quý hiếm nhưng Lô Văn Bình không vui, bởi theo anh, nơi đây đang có những biến động xấu vì vàng.



Có những thời điểm bãi vàng Huồi Háng tập trung trên 1000 đối tượng
khai thác vàng trái phép

Phó Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn Lô Văn Vinh và gia đình cũng sống tại bản Cắm Nọc. Theo ông Vinh, từ xa xưa, tổ tiên người Thái Cắm Muộn đã biết khai thác vàng. Cắm Muộn dịch nghĩa là "lời nói hay", hay có thể hiểu là "vàng vui", khe Cắm có nghĩa là khe Vàng. Những điều này đều nói lên rằng đây là mảnh đất vàng, và thực sự đúng là như vậy. Chừng 23 - 24 năm trước, đã từng có một đoàn địa chất về đây tổ chức thăm dò. Năm 2007, Bộ TN&MT cấp giấy phép cho Công ty TNHH Thành Tâm tổ chức thăm dò, khai thác.

Chính quyền xã Cắm Muộn yêu cầu họ bỏ hai chữ "khai thác" ghi trên giấy phép rồi mới được thực hiện. Và rồi họ khoan lỗ thăm dò chừng hơn một năm thì nghỉ, xã đề nghị cho biết trữ lượng thì họ từ chối với lý do chỉ được phép báo cáo kết quả thăm dò với Bộ TN&MT. Năm 2009, khi tỉnh cho công ty Innov Green thuê đất trồng rừng, ở Quế Phong, mọi người đã thắc mắc tại sao có chuyện vô lý như vậy. Nơi tiện lợi giao thông thì không thuê, lại vào tận Cắm Muộn để trồng rừng, có thật trồng rừng không hay là nhòm ngó khoáng sản vàng? Ít năm sau, Công ty Innov Green bỏ thì đến các công ty Tân Hồng, Lạc Việt, Bắc Sơn cũng đã vào vùng Cắm Muộn...

Nghe ông Lô Văn Vinh nhắc đến công ty Innov Green, chúng tôi chợt nhớ vào năm 2010 đã từng về Quế Phong để tìm hiểu về việc trồng rừng nguyên liệu của công ty này và được xem khá nhiều văn bản của Ban Chỉ huy quân sự huyện, UBND huyện gửi các cơ quan chức năng, trong đó khẳng định Cắm Muộn là vùng có khoáng sản vàng. Ví dụ, Công văn số 380 ngày 16/3/2009 của Ban Chỉ huy quân sự huyện Quế Phong nêu: "...Không nên cho công ty Innov Green thuê đất trồng rừng tại huyện Quế Phong vì trong khi huyện đang tìm nơi tái định cư cho 1.238 hộ (số liệu tháng 2/2009) thuộc 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ. Dân không có đất trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ và đất sản xuất mình lại cho người nước ngoài thuê là không hợp lý. Hơn nữa 2 xã Quang Phong, Cắm Muộn nơi dự án thuê đất dài hạn đúng vào khu vực mỏ vàng...";



Có rất nhiều giếng vàng như thế này trên núi Huồi Háng

Ngày 26/7/2010, UBND huyện Quế Phong có Báo cáo số 124/BC-UBND về việc trồng rừng của công ty InnovGren trong đó có nội dung kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh: "...Nghiêm cấm sử dụng công nhân, lao động nước ngoài; Do khu vực trồng rừng nằm xa cách khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn, hơn nữa đây là khu vực có vàng sa khoáng. Do đó để tránh tình trạng công ty lợi dụng việc trồng rừng để khai thác vàng (theo ý kiến đông đảo của nhân dân xã Cắm Muộn kiến nghị tại các cuộc họp HĐND huyện, xã), UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành: Công an, quân sự tăng cường kiểm tra...".

Cũng dịp đó, chúng tôi đã về Cắm Muộn, và được chứng kiến người dân khai thác vàng. Khi đó, họ làm theo phương thức thủ công dọc hai bên bờ khe Quyè, khe Cắm... và qua nói chuyện đã được biết khai thác là để có thêm tiền sinh hoạt. Mỗi nhóm như vậy có khoảng 6 - 7 người, đào lỗ xúc đất đổ lên máng xối hoặc cho vào mảng gỗ đãi, sau đó lại lấp trở lại nên không có chuyện phá hoại lớp đất màu hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Còn bây giờ thì đã khác hẳn, người dân quan niệm làm vàng là để làm giàu và sử dụng công nghệ khai thác vàng bằng thiết bị máy móc, hóa chất... So với năm 2010, ở 3 bản Cắm đã mọc lên thêm một số căn nhà gỗ lớn, đẹp đẽ và như người ta nói đều từ khai thác vàng mà ra. Vì quan niệm khai thác vàng để làm giàu, nhiều người ở nơi đây đã bất chấp pháp luật, thậm chí họ kêu gọi người địa phương từ nơi khác đến góp vốn cùng làm, tạo ra vô khối những chuyện lộn xộn tại địa phương.



Một nhóm đào vàng trái phép tại khe Quyè

Chiều ngày 6/7/2013, tiếp cận khá nhiều khu vực dân cư các bản Cắm Nọc, Cắm Pỏm và Cắm Cáng, thì hầu hết những người có sức lao động đều vắng mặt. Theo ông Lô Văn Quyền - Phó bản Cắm Nọc, rất đông người dân ở bản Cắm Cáng đã trở vào vùng Huôi Háng để nghe ngóng tình hình, bản Cắm Nọc, Cắm Pỏm cũng có người đi nhưng ít hơn. Ghé thăm và trò chuyện cùng ông Kim Văn Niết - một người già ở bản Cắm Nọc nghe ông than thở, vì vàng mà mọi thứ ở 3 bản Cắm đã thay đổi hết rồi.

Ông Niết nói: Năm nay tôi 71 tuổi nên đã chứng kiến bao sự đổi thay. Ngày xưa, chúng tôi cũng làm vàng nhưng chỉ vào những ngày cận kề Tết. Làm vàng là để có thêm chút ít tiền để chi tiêu. Bản nào cũng có những quy ước về việc khai thác vàng. Đồng ruộng, đất bản, đất của những người về với ông bà tổ tiên... tuyệt đối không được xâm phạm. Bây giờ mọi thứ khác hết. Cái gì cũng sử dụng máy móc, chỗ nào cũng thấy đào bới để tìm vàng. Màu xanh của bản, của núi, của đồng ruộng đã nhạt, trơ ra những sỏi đá cằn cỗi. Nước của các con khe thì ngầu đỏ bùn đất, hóa chất khiến con cá, con cua, con tôm cũng chẳng thể sống nổi. Cũng vì vàng nên tệ nạn ma túy nhiều vô cùng...

Rồi giọng ông Niết nghẹn lại: Tôi có 2 đứa con. Đứa đầu chết vì ma túy. Đứa thứ hai dại dột đi xách thuê ma túy kiếm tiền nên cũng bị bắt vào tù. Giờ chỉ còn hai ông bà sống dựa vào nhau...


Nhật Lân - Đào Tuấn

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Kỳ I: Cắm Muộn - Nơi tài nguyên vàng không còn là ẩn số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO