Kỳ II: Giả mạo chữ ký để lập hồ sơ

10/05/2011 10:08

Việc chính quyền xã Diễn Lợi không trả Hồ sơ đất lâm nghiệp cho dân và cho đơn vị nơi khác đến khai thác vô tội vạ tưởng đã là chuyện động trời ở xã Diễn Lợi. Thế nhưng, trong quá trình điều tra chúng tôi còn phát hiện ra sai phạm khác, một bộ hồ sơ được lập nên gồm hàng chục chữ kí giả đã được chính quyền xã Diễn Lợi sử dụng nhiều năm nay mà chính quyền huyện Diễn Châu vẫn không hề hay biết.

Việc chính quyền xã Diễn Lợi không trả Hồ sơ đất lâm nghiệp cho dân và cho đơn vị nơi khác đến khai thác vô tội vạ tưởng đã là chuyện động trời ở xã Diễn Lợi. Thế nhưng, trong quá trình điều tra chúng tôi còn phát hiện ra sai phạm khác, một bộ hồ sơ được lập nên gồm hàng chục chữ kí giả đã được chính quyền xã Diễn Lợi sử dụng nhiều năm nay mà chính quyền huyện Diễn Châu vẫn không hề hay biết.


Xem Kỳ I: "Bỏ quên" quyền lợi người dân

Theo ông Vương Quốc Ánh - Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Diễn Châu thì quy định của Chính phủ, là các gia đình nhận chăm sóc và bảo vệ rừng có quyền được khai thác nhựa thông.

Trừ khi họ cảm thấy không đủ điều kiện để tự khai thác thì họ sẽ có văn bản uỷ quyền lại cho chính quyền xã để xã trình lên huyện. Căn cứ vào đó huyện sẽ cho phép xã ký kết với các công ty để tiến hành khai thác.


Ông Ánh cho biết thêm: Hồ sơ thiết kế khai thác nhựa thông mà xã Diễn Lợi trình lên huyện Diễn Châu và Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu đã có Giấy cam kết và chữ ký của 50 hộ có rừng với cùng một nội dung: "Do điều kiện gia đình chưa đủ khả năng khai thác, nên tôi làm giấy cam kết này cho UBND xã khai thác nhựa (với thời gian 5 năm) để lấy kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại...".


Tuy nhiên, khi chúng tôi mang Hồ sơ thiết kế khai thác nhựa thông của huyện về để cho các hộ dân xem thì họ mới ngã ngửa ra rằng đó toàn là hồ sơ giả mạo. Nhìn chữ ký của mình trong hồ sơ, ông Thái Bá Quảng - bộ đội về hưu, hơn 30 năm tuổi Đảng ngỡ ngàng: "Cả cuộc đời tôi chỉ có một chữ ký thế mà giờ không hiểu vì sao có một chữ ký "lạ hoắc" như thế này".


Ngoài ra, một số hộ dân cũng thắc mắc, mặc dù rừng của gia đình là rừng của Dự án Việt Đức (rừng thông lấy gỗ) hoặc là rừng tràm nhưng không hiểu vì sao lại có tên trong các hộ kí cam kết khai thác nhựa thông?

Ông Lê Trung Thiệp cũng đã viết giấy cam đoan: "Việc UBND xã Diễn Lợi soạn thảo văn bản mang tên tôi là Lê Trung Thiệp có diện tích rừng 3,1 ha để khai thác nhựa thông vào ngày 8-1-2008 là giả mạo chữ ký của tôi. Thực tế gia đình tôi chỉ có rừng dự án Việt Đức chủ yếu trồng cây tràm và thông non chưa đến tuổi khai thác".

Không những vậy, người dân còn cho biết 10 hộ ở xã không có rừng, hoặc rừng mới trồng mà xã vẫn lập danh sách có rừng khai thác. Ngoài ra, trong hồ sơ xã xin khai thác là 120,1 ha nhưng số diện tích khai thác thực tế lớn hơn hàng chục ha.


Với việc giả mạo hàng chục chữ ký để lập Hồ sơ thiết kế khai thác nhựa thông, 4 năm qua (2008-2011), chính quyền xã Diễn Lợi đã 4 lần xin huyện Diễn Châu được khai thác nhựa thông một cách trót lọt. "Khi cây thông đủ điều kiện khai thác, khi hồ sơ đủ thủ tục pháp lý, huyện tổ chức tiến hành kiểm tra rồi sau đó đồng ý cho xã ký kết với HTX Quỳnh Văn để khai thác.

Tuy nhiên, giá trị của một đợt khai thác chỉ có thời hạn trong vòng 12 tháng và mỗi năm được cấp lại một lần. Việc xã ký hợp đồng với ông Lê Văn Huệ - Chủ nhiệm HTX Quỳnh Văn với thời hạn khai thác 5 năm (2008 - 2013) là sai phạm", chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu Nguyễn Thanh Bình cho biết.


Về việc xã đã "giam" hồ sơ lâm nghiệp của dân 12 năm trời thì sao? Ông Vương Quốc Ánh khẳng định: "Hồ sơ giao đất lâm nghiệp huyện Diễn Châu đã giao cho xã từ năm 1999 và không có chuyện đổi bìa xanh sang bìa đỏ. Xã Diễn Lợi không tiến hành trả cho dân là xã đã sai".


Như vậy, việc "giam" hồ sơ lâm nghiệp của dân và không cho dân khai thác nhựa thông trách nhiệm thuộc về ai?


Mỹ Hà - Bích Huệ

Mới nhất

x
Kỳ II: Giả mạo chữ ký để lập hồ sơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO